Hoang mang: Tiêm phòng rubella được 2 tháng thì có thai

Tiêm phòng vacxin trước khi mang thai có vai trò quan trọng giúp mẹ và bé tránh khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, có nhiều chị em lại hoang mang, tiêm phòng rubella được 2 tháng thì có thai. Trường hợp này có đáng lo ngại không?

Hoang mang: Tiêm phòng rubella được 2 tháng thì có thai Hoang mang: Tiêm phòng rubella được 2 tháng thì có thai

Những nguy hiểm khi mẹ bầu mắc bệnh rubella

Bệnh rubella có nhiều tên gọi khác nhau, được bác sĩ người Đức mô tả lần đầu vào năm 1814 nên còn được gọi là bệnh “Sởi Đức” hay một tên khác theo nghĩa tiếng Pháp bệnh rubeole.

Tuy bệnh ít có biến chứng trầm trọng, không gây chết người, nhưng để lại di chứng hết sức nặng nề, đó là có khả năng gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Bệnh do virus có tên khoa học là rubella thuộc họ Togavirus chủng rubi virus gây nên, được phân lập vào năm 1962. Virus rubella sống yếu ở môi trường bên ngoài, dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn thông thường như: formol, acid yếu, nước sôi...

Bệnh lây truyền dễ dàng từ người này sang người khác qua những giọt nước bọt từ miệng khi ho, khi nói chuyện, khi hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc gián tiếp qua các vật dụng như: dùng chung khăn mặt, bàn chải đánh răng, đồ chơi, qua ly chén ăn uống chung... Sự lây truyền có thể xảy ra 1 tuần trước khi phát ban và kéo dài đến 4 ngày sau khi hết ban.

Phụ nữ trước khi mang thai cần được tiêm phòng Rubella bởi trong thời gian mang thai mà không may mắc phải chứng bệnh này sẽ vô cùng nguy hiểm bởi có thể gây dị tật cho thai nhi, cụ thể là:

  • Trong 3 tháng đầu: Khi mẹ bầu mang thai 3 tháng đầu bị bệnh Rubella thì dễ bị sảy thai hoặc thai chết lưu trong tử cung. Các thống kê cho thấy 70%-100% trẻ sinh ra bị Rubella bẩm sinh và 25% trẻ bị dị tật bẩm sinh ở các cơ quan tim, mắt, não...do vi-rút ức chế khả năng phân chia tế bào, tác động đến sự phát triển cơ quan, dẫn đến nhiều bất thường về cấu trúc, gây dị dạng cho thai nhi và bé sinh ra còn có thể bị câm, điếc, chậm phát triển trí tuệ...
  • Sau 3 tháng: Nếu mẹ có thai từ tuần thai thứ 13-16, thì trẻ bị Rubella bẩm sinh với tỷ lệ 17%. Khi thai được 17- 20 tuần tuổi, thì tỷ lệ 5%. Và khi thai hơn 20 tuần, rất hiếm gặp dị tật và tỷ lệ gần như là 0%.

Như vậy, khả năng em bé trong bụng mẹ bị ảnh hưởng khi mẹ bầu mắc bệnh Rubella là vẫn có và cách tốt nhất để phòng tránh bệnh là mẹ nên tiêm phòng 3 tháng trước khi có quyết định mang thai để bảo vệ sức khỏe cả mẹ và con yêu.

HoiBenh.vn-hoang-mang-tiem-phong-rubella-duoc-2-thang-thi-co-thai-body-2
Khi mẹ bầu mang thai 3 tháng đầu bị bệnh Rubella thì dễ bị sảy thai hoặc thai chết lưu trong tử cung

Vậy nhưng, tiêm phòng rubella được 2 tháng thì có đáng lo ngại?

Trước băn khoăn, lo lắng của nhiều thai phụ tiêm phòng rubella được 2 tháng thì có thai sợ rằng con dị tật do độc lực trong vắc-xin chưa được đào thải hết khỏi cơ thể, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương cho biết: “Thai phụ không nên quá lo lắng và không nhất thiết phải phá thai trong những trường hợp này.

Bởi lẽ, mặc dù bản chất vắc-xin là những chế phẩm sinh học được làm từ chính vi sinh vật hoặc từ một phần cấu trúc đã bị chết hoặc đã bị làm yếu đi. Vacxin rubella chứa thành phần vi-rút rubella nhưng độc lực của nó không thể lớn như vi-rút rubella từ môi trường.

Và thực tế qua theo dõi 1.000 phụ nữ mang thai đã tiêm vacxin rubella trong thời kỳ đầu mang thai mà không biết mình đã mang thai cho thấy: không ai sinh con bị dị dạng bẩm sinh. Do đó, nếu có thai trong vòng 2 tháng tiêm vắc-xin và thậm chí tiêm khi đang mang thai ở tháng đầu tiên cũng không có ảnh hưởng đến thai nhi và không có chỉ định nạo phá thai mà chỉ nên thường xuyên đi khám để được tư vấn và chăm sóc tốt hơn”, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển nói.

Nói tóm lại, các mẹ bầu không nên quá lo lắng vì cho tới thời điểm hiện tại chưa có bằng chứng chứng minh vacxin Rubella làm ảnh hưởng tới thai nhi, gây ra dị tật cho thai nhi. Nếu tiêm phòng rubella được 2 tháng thì có thai, mẹ hãy đến bệnh viện phụ sản thăm khám, đăng ký lịch khám thai định kỳ và tiến hành tầm soát dị tật thai nhi vào các mốc thời gian quan trọng. Mẹ cũng nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, giữ tinh thần thoải mái để hai mẹ con cùng khỏe mạnh.

Xem thêm:

  • Bệnh sởi Rubella có nguy hiểm không?
  • Những lưu ý dành cho các bà mẹ khi tiêm vắc xin Sởi - Rubella
  • Bị rubella khi mang thai: Bà bầu phải làm gì?