Hóa trị ung thư vú - những điều cần biết

Hóa trị ung thư vú là phương pháp điều trị được áp dụng rộng rãi đối với bệnh nhân ung thư vú hiện nay. Để có một lộ trình hóa trị thành công, bệnh nhân cần biết được những kiến thức cơ bản về hóa trị.

Hóa trị ung thư vú - những điều cần biết Hóa trị ung thư vú - những điều cần biết

Hóa trị ung thư vú là gì?

Hóa trị ung thư vú là dùng loại thuốc đặc trị để điều trị ung thư. Phương pháp này vừa được dùng để làm chậm, ngăn chặn quá trình của khối u trước khi phẫu thuật, vừa được sử dụng sau phẫu thuật để ngăn chặn khối u tái phát triển trở lại.

Những trường hợp nào áp dụng hóa trị ung thư vú?

Bệnh nhân thường được điều trị bằng phương pháp hóa trị ung thư vú trong những trường hợp cụ thể sau:

Trước khi phẫu thuật: bác sĩ thường áp dụng phương pháp này nếu khối u của bệnh nhân quá lớn. Hóa trị sẽ làm nhỏ khối u và giúp quá trình phẫu thuật ít tổn thương và bớt đau đớn hơn. Bên cạnh đó, thông qua quá trình hóa trị, bác sĩ có thể nhận biết bạn phù hợp với loại thuốc gì, điều này sẽ rất hữu ích trong việc phẫu thuật và điều trị bệnh về sau.

Sau khi phẫu thuật, khối u sẽ được loại bỏ. Tuy nhiên, các tế bào ung thư vẫn có thể bị sót lại mà mắt thường hay các phương pháp chẩn đoán hình ảnh không thể nhận biết được. Do vậy, hóa trị sẽ giúp tiêu diệt những tế bào còn sót lại đồng thời làm giảm nguy cơ bệnh tái phát trở lại.

Ung thư vú đã chuyển sang giai đoạn muộn: thường dành cho những trường hợp tế bào ung thư đã di căn đến những bộ phận khác trong cơ thể. Thời gian điều trị tùy thuộc vào kích thước khối u, khả năng chịu đựng của bệnh nhân và loại thuốc mà bệnh nhân có khả năng thích ứng.

vicare.vn-hoa-tri-ung-thu-vu-nhung-dieu-can-biet-body-1

Những loại thuốc hoá trị điều trị ung thư vú mà bạn nên biết

Trong các đợt hóa trị, bác sĩ sẽ kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau và tạo thành phác đồ điều trị. Phác đồ điều trị sẽ có tác dụng ngăn chặn, tiêu diệt tế bào ung thư. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, các loại thuốc điều trị ung thư vú bao gồm:

  • Thuốc CAF (FAC): cyclophosphamide (Cytoxon), doxorubicin (Adriamycin) và 5-FU.
  • Thuốc TAC: docetaxel (Taxotere), doxorubicin (Adriamycin) và cyclophosphamide (Cytoxan).
  • Thuốc AC → T: doxorubicin (Adriamycin) và cyclophosphamide (Cytoxan) tiếp đến là paclitaxel (Taxol) hoặc docetaxel (Taxotere).
  • Thuốc FEC: → T, 5-FU, epirubicin (Ellance), và cyclophosphamide (Cytoxan) tiếp đến là docetaxel (Taxotere) hoặc paclitaxel (Taxol).
  • Thuốc TC: docetaxel (Taxotere) và cyclophosphamide (Cytoxan).
  • Thuốc TCH: docetaxel, (Taxotere) carboplatin, và trastuzumab (Herceptin) đối với các khối u cho HER2/neu dương tính.

Trong phần này, bài viết không đi quá sâu vào phương pháp cũng như các loại hóa trị ung thư vú. Thông thường, lộ trình điều trị và các loại thuốc sẽ do đội ngũ bác sĩ điều trị cho bệnh nhân quyết định. Điều này đòi hỏi yếu tố chuyên môn rất cao. Do vậy, bài viết chỉ dừng lại ở việc cung cấp cho bệnh nhân những hiểu biết cơ bản nhất.

Tác dụng phụ của hóa trị chữa bệnh ung thư vú

Hóa trị ung thư vú thường xuyên gây nên những tác dụng phụ không mong muốn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, đây là điều tất yếu sẽ xảy ra. Nếu biết trước được những tác dụng phụ do hóa trị gây nên, bệnh nhân có thể chuẩn bị sẵn tinh thần và phương pháp sinh hoạt cho phù hợp. Hóa trị ung thư vú sẽ gây nên một số tác dụng phụ sau đây:

  • Rụng tóc là hiện tượng dễ thấy nhất đối với bệnh nhân ung thư điều trị bằng hóa trị nói chung. Bệnh nhân có thể sử dụng tóc giả, khăn quàng đầu nếu muốn che đi khuyết điểm này.
  • Nôn, buồn nôn cũng là một tác dụng phụ hay gặp. Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ kê cho bạn steroid và những thuốc chống nôn mạnh cùng với một số loại thuốc khác để giảm thiểu tình trạng này cho bệnh nhân. Do vậy, bệnh nhân hoàn toàn có thể yên tâm phần nào.
  • Mệt mỏi kéo dài: hóa trị ảnh hưởng đến tủy xương và máu, gây nên tình trạng thiếu máu, một trong những nguyên nhân làm bệnh nhân rơi vào trạng thái mệt mỏi kéo dài. Do vậy, bệnh nhân cần chú ý giờ giấc sinh hoạt của mình, hoạt động khi cần thiết chứ không nên vận động quá nhiều.
  • Dị ứng với thuốc: đây không phải là tác dụng phụ quá phổ biến bởi bác sĩ đã cân nhắc tình trạng bệnh của bệnh nhân nên mới quyết định phác đồ điều trị. Mặc dù vậy, bệnh nhân cũng nên thường xuyên lưu ý vấn đề này, nếu cơ thể có dấu hiệu của dị ứng thuốc thì nên báo với bác sĩ.

Ngoài ra, cơ thể bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng: giảm cân, tiêu chảy, táo bón, màu da thay đổi, khô miệng, mệt mỏi... nếu điều trị bằng hóa trị.

Hầu hết, tác dụng phụ do điều trị bằng hóa trị gây ra sẽ biến mất sau khi kết thúc hóa trị. Một số trường hợp, tác dụng phụ còn kéo dài đến vài năm, nguyên nhân do loại thuốc bệnh nhân đã sử dụng. Để chấm dứt tình trạng này, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để có những tư vấn và điều trị riêng.

vicare.vn-hoa-tri-ung-thu-vu-nhung-dieu-can-biet-body-2

Những điều bệnh nhân có thể làm trong quá trình hóa trị ung thư vú

Trong suốt quá trình hóa trị ung thư vú, bệnh nhân cần phải đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của bản thân (theo chỉ dẫn của bác sĩ), nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, giữ tinh thần luôn thoải mái. Hóa trị là quá trình gây nhiều đau đớn và mệt mỏi nhưng hãy cố gắng động viên bản thân rằng: “hóa trị sẽ nhanh chóng kết thúc”, “suy nghĩ những điều tích cực”. Ngoài ra, bệnh nhân có thể giải trí bằng những chương trình, cuốn sách,...mình yêu thích mà không gây căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần. Nếu cảm thấy lo sợ, tuyệt vọng, bệnh nhân có thể tâm sự với những người có hoàn cảnh giống mình, người thân, bác sĩ hoặc nhân viên xã hội trong các bệnh viện để được lắng nghe, chia sẻ kịp thời.

Hóa trị ung thư vú sẽ qua nhanh và đạt hiệu quả tốt nếu bệnh nhân luôn giữ tinh thần lạc quan, có chế độ ăn uống ngủ nghỉ phù hợp.

Xem thêm:

  • Khả năng chữa khỏi bệnh ung thư vú giai đoạn 2
  • Các dấu hiệu nhận biết sớm ung thư vú giai đoạn 1
  • Ung thư vú có ảnh hưởng nhiều đến đời sống tình dục không?