Hiểu đúng và biết cách sử dụng kháng sinh hợp lý

10 triệu người có thể tử vong mỗi năm do kháng kháng sinh khiến hiện tượng này trở thành mối lo ngại của ngành y tế. Hiểu và sử dụng kháng sinh hợp lý, đúng cách sẽ giúp người bệnh tránh khỏi nguy cơ đáng sợ đó. Phân loại thuốc này như thế nào? Nguyên tắc sử dụng kháng sinh là gì? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây.

Hiểu đúng và biết cách sử dụng kháng sinh hợp lý Hiểu đúng và biết cách sử dụng kháng sinh hợp lý

Phân loại kháng sinh

Có nhiều cách để phân loại kháng sinh, trong đó cơ bản gồm 3 cách chính là phân loại dựa vào cấu trúc hóa học, cơ chế tác dụng và tính nhạy cảm của thuốc.

Phân loại dựa vào cấu trúc hóa học, gồm các nhóm

  • Nhóm betalactam: gồm các phân nhóm nhỏ hơn như penicilin, cephalosporin, carbapanem, monobactam, chất ức chế sinh tổng hợp betalactam.
  • Nhóm quinolon: acid nalidixic, ofloxacin, ciprofloxacin...
  • Nhóm co-trimoxazol: co-trimoxazol
  • Nhóm peptid: gồm 2 phân nhóm là polypeptid và glucopeptid
  • Nhóm tetracyclin: doxycyclin và tetracyclin...
  • Nhóm phenicol: cloramphenicol, thiamphenicol
  • Nhóm lincosamid: lincomycin, clindamycin
  • Nhóm macrolid: spiramycin, erythromycin, clarithromycin...
  • Nhóm aminosid (hay còn gọi là aminoglycosid): tobramycin, gentamycin, streptomycin...
vicare.vn-hieu-va-su-dung-khang-sinh-hop-ly-body-1

Các nhóm dựa vào cơ chế tác dụng

  • Nhóm làm thay đổi tính thấm màng tế bào: amphotericin, polymycin
  • Nhóm ức chế chuyển hóa: co-trimoxazol
  • Nhóm ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn: vancomycin, bacitracin, betalactam...
  • Nhóm ức chế tổng hợp acid nhân: rifampicin, quinolon
  • Nhóm ức chế hoặc làm thay đổi quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn: macrolid, tetracyclin, cloramphenicol, lincosamid, aminoglycosid...

Phân loại dựa vào tính nhạy cảm của kháng sinh với vi khuẩn

Dựa trên tỷ lệ nồng độ diệt vi khuẩn tối thiểu MBC/nồng độ ức chế tối thiểu MIC. Bằng cách này, thuốc được phân thành 2 nhóm:

  • Nhóm kìm khuẩn: có MBC/MIC lớn hơn 4, nồng độ diệt khuẩn tối thiểu MBC khó đạt được trong huyết tương. Đại diện là macrolid, tetracyclin, cloramphenicol.
  • Nhóm diệt khuẩn: có MBC/MIC xấp xỉ bằng 1. Đại diện là polymycin, penicilin, aminosid, cephalosporin.

Các nguyên tắc cần tuân thủ khi sử dụng kháng sinh

Vì mức độ gia tăng kháng kháng sinh của vi khuẩn, người dùng cần phải biết cách sử dụng thuốc một cách hợp lý để vừa đạt được hiệu quả điều trị.

Có 5 nguyên tắc cần phải tuân thủ:

Chỉ khi nhiễm khuẩn mới sử dụng kháng sinh

Đây là nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất. Trừ một số ít trường hợp hiếm, thuốc mới thể hiện tác dụng trên virus, nấm, các vi sinh vật đơn bào khác, còn lại đa số thuốc chỉ thể hiện hiệu quả đối với vi khuẩn.

Phối hợp kháng sinh hợp lý

Phương pháp này có rất nhiều lợi ích như làm giảm kháng thuốc, tăng hiệu quả điều trị, mở rộng phổ tác dụng. Để có thể thực hiện được phối hợp, cần nắm rõ cơ chế và các đặc điểm của từng loại kháng sinh. Mục tiêu hướng tới là giảm - tránh sự đối kháng và tương kỵ khi phối hợp, tăng tác dụng hiệp đồng.

Dùng kháng sinh đúng cách, đủ thời gian, đúng liều được chỉ định

Nguyên tắc này nghe thì có vẻ đơn giản nhưng lại rất khó để tuân thủ trong thực tế. Bởi việc điều trị ngoại trú tại nhà đang chiếm phần lớn các trường hợp bệnh, đặc biệt là cách bệnh thông thường. Do đó việc tự ý bỏ thuốc, quên thuốc, dùng thuốc quá liều vẫn thường xuyên xảy ra trong cộng đồng.

  • Đủ thời gian. Với một bệnh do vi khuẩn gây ra ở mức độ vừa và nhẹ, thời gian trung bình cần cho điều trị là từ 1 tuần tới 10 ngày. Khi nhiễm khuẩn ở mức độ nặng hơn hoặc vi khuẩn gây bệnh trú tại các cơ quan, vị trí mà kháng sinh khó tìm đến thì có thể cần tới thời gian là từ 1 tháng đến 1 tháng rưỡi. Ngoài ra, có những trường hợp đặc biệt như điều trị vi khuẩn lao, thời gian điều trị lên tới hơn 6 tháng cho một đợt.
  • Đúng liều. Liều kháng sinh được xác định dựa vào tình trạng bệnh (mức độ xâm nhập của vi khuẩn), thể trạng bệnh nhân, tuổi tác...
  • Đúng cách. Dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ: điều trị một cách liên tục với liều điều trị ngay từ đầu, không điều trị ngắt quãng, không tăng liều từ từ, không giảm dần liều như các loại thuốc khác.

Dự phòng kháng sinh phù hợp

Mục đích là để ngăn ngừa nhiễm khuẩn, tránh nhiễm khuẩn tái phát. Việc làm này dễ dẫn đến kháng kháng sinh, do đó chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết, trong các trường hợp sau:

  • Dự phòng bệnh thấp tim gây ra bởi liên cầu khuẩn: phòng biến chứng.
  • Dự phòng ngoại khoa: tránh nhiễm khuẩn sau phẫu thuật, nhiễm khuẩn từ dụng cụ y tế.
vicare.vn-hieu-va-su-dung-khang-sinh-hop-ly-body-2

Những tác dụng không mong muốn do kháng sinh gây ra

Giống như các loại thuốc khác, dù sử dụng đúng cách đi chăng nữa thì thuốc vẫn có thể gây ra các tác dụng phụ:

  • Sốc phản vệ do kháng sinh. penicilin một nhóm kháng sinh được sử dụng rộng rãi nhất nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gây sốc phản vệ. Mặc dù rất ít các trường hợp được ghi nhận nhưng đây là một sự cố nghiêm trọng, cần được theo dõi cẩn thận khi điều trị để hạn chế tối đa khả năng xảy ra.
  • Dị ứng do kháng sinh. Một số phản ứng dị ứng thường gặp như viêm đa khớp, viêm mạch hoại tử, mày đay, nổi ban mẩn ngứa, hội chứng Steven-Johnson...
  • Để giảm các phản ứng dị ứng mà bệnh nhân gặp phải khi điều trị bằng kháng sinh, các chuyên gia y tế sẽ tìm hiểu thông tin bệnh nhân, tiền sử dùng thuốc trước đây. Khi cần thiết có thể làm một số kiểm tra trước khi điều trị như test kích thích, test nội bì, test hoa thị...
  • Nếu không may bị dị ứng khi điều trị bằng kháng sinh, bệnh nhân hãy ngừng thuốc ngay và gọi hỏi ý kiến bác sĩ. Khi đó các thuốc chống dị ứng như kháng histamin, các glucocorticoid... sẽ được sử dụng để khắc phục, tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của dị ứng.
  • Bội nhiễm. Điều này xảy ra khi điều trị bằng kháng sinh có thể diệt được vi khuẩn gây ra bệnh lúc đó nhưng lại vô tình làm mất đi sự cân bằng trong hệ vi khuẩn vốn có của cơ thể, tiêu diệt các vi khuẩn có lợi, làm cho vi khuẩn có hại có cơ hội phát triển.
  • Rối loạn tiêu hóa. Như buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, táo bón. Tác dụng này gặp ở rất nhiều các thuốc như cephalosporin, các tetracyclin, carbapanem...
  • Suy tủy, hội chứng xanh xám. có thể xảy ra khi sử dụng thuốc nhóm Cloramphenicol
  • Ngoài ra còn các tác dụng không mong muốn khác như độc với tai và thận, ảnh hưởng đến răng, độc với thần kinh và hô hấp...

Tùy vào loại kháng sinh và thể trạng của người bệnh, cần theo dõi các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra để xử lý kịp thời, tránh gây ra hậu quả nghiêm trọng.

vicare.vn-hieu-va-su-dung-khang-sinh-hop-ly-body-3

Nguyên nhân gây kháng kháng sinh ở vi khuẩn

Kháng kháng sinh hay còn gọi là quen thuốc, nhờn thuốc là hiện tượng vi khuẩn không bị tiêu diệt hoặc ngừng phát triển khi sử dụng kháng sinh ở liều điều trị tối đa, thậm chí lúc này vi khuẩn còn có thể dung nạp thuốc.

Có 2 nguyên nhân chính gây ra tình trạng này:

Kháng thuốc giả

  • Kháng sinh không tới được nơi có vi khuẩn do ứ trệ tuần hoàn, có vật cản
  • Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch
  • Vi khuẩn được bao bọc bởi màng, vỏ bọc nên không bị kháng sinh ảnh hưởng

Kháng thuốc thật

  • Kháng thuốc tự nhiên: Một số kháng sinh luôn bị kháng bởi các vi khuẩn gram (-) do đặc tính cấu tạo của nhóm vi khuẩn này và cơ chế tác dụng của thuốc
  • Kháng thuốc thu được: Sau một quá trình, vi khuẩn biến đổi theo nhiều cách để có thể kháng thuốc (nhận gen kháng thuốc hoặc đột biến gen).

Vì những nguy hiểm mà kháng kháng sinh mang lại, hãy cẩn trọng trong mỗi lần sử dụng thuốc. Không tự ý mua thuốc, cần có sự chỉ định của bác sỹ trong mỗi đơn thuốc.

Xem thêm:

  • Người bị bệnh viêm tai giữa dùng kháng sinh gì?
  • Tầm quan trọng của nghiên cứu đề kháng kháng sinh
  • Tìm hiểu về các loại thuốc kháng sinh nhóm beta lactam