Giúp mẹ bầu nhận biết dấu hiệu thai lưu

Khi thai bị chết nhưng vẫn nằm trong tử cung của thai phụ thì gọi là thai chết lưu. Nếu có 1 trong những dấu hiệu thai lưu như thai phụ không thấy bụng to thêm, thai ngừng máy, đạp thì hãy nghĩ đến tình trạng này và đến ngay trung tâm y tế để được thăm khám và chẩn đoán.

Giúp mẹ bầu nhận biết dấu hiệu thai lưu Giúp mẹ bầu nhận biết dấu hiệu thai lưu

Nguyên nhân thai lưu

Thai lưu do nhiều nguyên nhân dẫn đến nhưng cũng có một số trường hợp chưa rõ nguyên nhân. Cụ thể:

  • Thai phụ mắc các bệnh cấp tính bị gây sốt cao và các bệnh mạn tính như: Thận, tim mạch, tiền sản giật, sản giật,...
  • Thai và phần phụ của thai có thể do nguyên nhân mắc các bệnh về gene, nhiễm chất phóng xạ, chất độc hóa học, khuyết tật, thai bất cân xứng, ngôi thai bất thường.
  • Các nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến thai lưu như đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, rau bong non, các phẫu thuật sản khoa,...
vicare.vn-giup-me-bau-nhan-biet-dau-hieu-thai-luu-body-1

Dấu hiệu thai lưu

Vào giai đoạn sớm thời kỳ thai nghén, dấu hiệu thai lưu rất ít và không rõ ràng. Đó là những triệu chứng như: Tự nhiên hết nghén, bụng không thấy to thêm, tự nhiên ra máu âm đạo ít một, máu sẫm màu, không thấy thai máy hoặc đạp nữa. Sau khi thai chết thấy vú căng to hơn và còn có sữa non.

Vào giai đoạn muộn thời kỳ thai nghén, dấu hiệu thai lưu rõ nhất là không thấy thai máy, đạp. Nhưng thai phụ cũng cần phân biệt thành bụng dày sẽ không rõ thai đạp, hoặc sau khi thai lưu, tử cung có những cơn co nhẹ khiến sản phụ nhầm là thai đạp. Nếu muộn hơn sẽ thấy bụng không lớn thêm mà nhỏ dần đi, âm đạo ra máu đen, vú tiết ra sữa.

Khi bác sĩ thăm khám sẽ thấy tử cung nhỏ hơn tuổi thai, không nghe được tim thai. Nếu thai tuổi nhỏ thì nghe tim thai bằng ống nghe khó xác định được thai lưu hơn là thai đã lớn. Lúc này cần siêu âm để chẩn đoán thai mới lưu hay lưu đã lâu.

Thai lưu trong trường hợp quá non (1-2 tháng) có thể tự tiêu biến mà người mẹ không cảm nhận và biết được mình đã có thai. Nếu thai lớn (3-6 tháng) thì sẽ xảy, trên 6 tháng sẽ đẻ. Tuy nhiên, từ khi thai chết tới lúc sảy, đẻ ở mỗi người có thời hạn khác nhau nhưng tuổi thai lưu càng lớn thì thời gian lưu trong dạ con càng ngắn.

Sự nguy hiểm của thai lưu

Thai lưu sẽ gây cảm giác sợ hãi cho người mẹ và người thân trong gia đình vì ám ảnh mang xác chết trong bụng. Nhưng thai lưu được phát hiện sớm thì không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tính mạng người mẹ nếu được can thiệp kịp thời. Quá trình sảy hoặc đẻ của thai lưu diễn ra như các ca sảy hoặc đẻ bình thường. Điều nguy hiểm đối với thai phụ là ối vỡ sớm khi chưa có dấu hiệu sảy hay chuyển dạ. Chỗ màng ối rách sẽ bị vi khuẩn vào buồng ối và dạ con, gây nhiễm khuẩn ảnh hưởng tính mạng thai phụ.

Khi thai lưu quá lâu trong tử cung sẽ khiến thai phụ rối loạn đông máu gây băng huyết nặng trong sảy hoặc đẻ. Vì vậy, khi thấy bất thường lúc mang thai hay nhận biết được dấu hiệu thai lưu, thai phụ cần đi khám ngay.

vicare.vn-giup-me-bau-nhan-biet-dau-hieu-thai-luu-body-2

Làm gì khi thai lưu?

Nguyên tắc xử trí thai lưu là cho thai ra càng sớm càng tốt sau khi không còn tim thai. Nếu tuổi thai nhỏ thì phá thai bằng phương pháp nội khoa gây sảy thai. Nếu thai trên 6 tháng thì cần gây chuyển dạ.

Điều quan trọng là thai phụ khi thấy có dấu hiệu thai lưu thì đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Sau khi xác định là thai lưu nên lấy ra sớm vì tâm lý của thai phụ không muốn giữ trong mình một thai đã chết. Đồng thời, thai lưu lâu trong bụng sẽ có những biến chứng nguy hiểm.

Song cũng không nên vội vàng phá thai ngay mà cần làm các xét nghiệm cần thiết đầy đủ. Thai phụ cần làm thủ thuật lấy thai lưu ở cơ sở y tế có điều kiện theo dõi, hồi sức, phẫu thuật để phòng ngừa và xử trí các tai biến nếu có.

Xem thêm:

  • Dấu hiệu thai chết lưu tháng thứ 5 mà bạn cần biết
  • Dấu hiệu thai lưu không ra máu: Cách nhận biết và phòng tránh
  • Dấu hiệu thai lưu không ra máu cực kỳ nguy hiểm mẹ bầu nên cảnh giác