Giãn tĩnh mạch chân có nên đi bộ không?

Giãn tĩnh mạch chân là bệnh mạn tính phổ biến hiện nay, tuy không ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, thẩm mỹ. Nhiều người cho rằng đi bộ nhiều sẽ làm nặng lên tình trạng giãn tĩnh mạch chân. Vậy thực chất giãn tĩnh mạch chân có nên đi bộ không?

Giãn tĩnh mạch chân có nên đi bộ không? Giãn tĩnh mạch chân có nên đi bộ không?

Giãn tĩnh mạch chân là gì?

Giãn tĩnh mạch chân là bệnh lí xảy ra khi các van tĩnh mạch chân suy yếu, làm khả năng đẩy máu từ tĩnh mạch chân về tim bị suy giảm. Máu ứ lại trong các tĩnh mạch chân này, lâu ngày làm căng giãn tĩnh mạch chân dẫn đến bệnh suy giãn tĩnh mạch chân.

Thông thường máu sẽ đi từ tim, theo động mạch đi nuôi cơ thể và theo đường tĩnh mạch để trở về tim. Các tĩnh mạch càng xa tim thì cấu trúc càng nhỏ, càng gần về sát tim thì lòng ống càng rộng ra. Tĩnh mạch chân do phải bơm máu về tim ngược chiều của trọng lực nên chúng có các van tĩnh mạch để việc thực hiện bơm máu được dễ dàng hơn. Các van tĩnh mạch này tồn tại trong lòng tĩnh mạch chân, chúng có cấu tạo gồm 2 lá giống như một chiếc túi có mặt lõm hướng lên trên. Mỗi lá có một phần dính vào thành tĩnh mạch và một phần tự do trong lòng mạch để tiếp xúc với lá van còn lại.

Khi máu từ phần dưới cơ thể bơm về tim thì các van tĩnh mạch này sẽ đóng mở nhịp nhàng để việc bơm máu được liên tục và dễ dàng nhất. Trong bệnh lí suy giãn tĩnh mạch thì các lá van này không được đóng kín dẫn đến máu chảy qua chỗ hở van sẽ ứ đọng lại đó, lâu dần làm tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch, kéo theo tình trạng hở van, suy van nặng hơn. Tĩnh mạch lại đi giữa các cấu trúc mô lỏng lẻo nên việc tăng áp lực lâu dần sẽ làm tình trạng tĩnh mạch to ra và suy giãn tĩnh mạch nặng lên.

vicare.vn-gian-tinh-mach-chan-co-nen-di-bo-khong-body-1

Điều trị giãn tĩnh mạch chân thế nào

Giãn tĩnh mạch chân không gây ảnh hưởng nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. Tuy nhiên để lâu ngày sẽ làm máu ứ đọng nhiều trong lòng mạch dẫn đến tăng áp lực, gây đau nhức khó chịu với người bệnh. Để lâu có thể dẫn đến loét da chân vùng giãn tĩnh mạch, phù vùng bàn chân, cẳng chân phía dưới vùng tĩnh mạch bị giãn. Hiện tượng đau nhức khiến người bệnh khó chịu, đau đớn, khó khăn trong di chuyển đi lại, ảnh hưởng đến sinh hoạt.

Các phương pháp điều trị hiện nay có mục đích làm giảm các triệu chứng trên: giảm đau nhức, giảm phù nề, giảm ứ đọng máu, tăng lưu thông máu vùng tĩnh mạch chân. Các biện pháp massage giảm đau nhức, thay đổi lối sống, dùng tất chân theo chỉ định để điều trị bệnh đã được nhiều người lựa chọn.

Đi bộ là một phương pháp đơn giản để giảm triệu chứng của bệnh, tuy nhiên nhiều người còn nghi ngờ về phương pháp này.

Giãn tĩnh mạch chân có nên đi bộ không?

vicare.vn-gian-tinh-mach-chan-co-nen-di-bo-khong-body-2
Đi bộ giúp cải thiện tình trạng suy giãn tĩnh mạch chân

Những người bị giãn tĩnh mạch chân thường cảm thấy đau nhức vùng chân, khó khăn trong di chuyển đi lại, vì vậy họ rất ngại đi bộ. Kèm theo đó suy nghĩ của nhiều người rằng đi bộ sẽ làm tình trạng suy giãn tĩnh mạch nặng lên nên người bệnh càng lo lắng và hạn chế đi lại.

Tuy nhiên trên thực tế việc đi bộ sẽ giúp cải thiện tình trạng suy giãn tĩnh mạch chân. Để rõ hơn về vấn đề, Bác sĩ Lê Thanh Phong, Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh có giải thích rằng khi đi bộ thì các cơ ở chân sẽ hoạt động và thực hiện động tác co bóp nhịp nhàng, các nhịp co bóp này làm ép mạch máu khiến chúng bơm máu ngược về tim được dễ dàng hơn và giúp cải thiện tình trạng bệnh. Đã có những nghiên cứu được tiến hành về tác dụng của đi bộ với bệnh lí này. Các nhà nghiên cứu đã luồn một kim nhựa vào trong lòng tĩnh mạch ở bàn chân của người bệnh và nối kim này với một cột nước để xác định áp lực máu trong lòng tĩnh mạch. Khi ở tư thế đứng yên thì cột nước dâng cao lên đến ngang tim, tuy nhiên khi thực hiện các động tác gấp duỗi cổ chân liên tục thì cột nước giảm xuống ở mức 50-60%. Qua thử nghiệm này cho thấy rằng việc thực hiện các động tác ở vùng cơ chân cũng như đi bộ sẽ giúp áp lực máu tĩnh mạch chân giảm xuống và giảm tình trạng tiến triển của bệnh.

Nhiều nghiên cứu gần đây cho kết quả những người bệnh đi bộ ít hơn 10 phút/ ngày sẽ có nguy cơ bị loét bàn chân cao hơn so với người đi bộ thường xuyên. Vì vậy việc đi bộ với những người bị giãn tĩnh mạch chân rất được khuyến cáo vì lợi ích của chúng, thực hiện đơn giản mà đem lại hiệu quả tốt. Nhiều người đã thực hiện đi bộ, kèm thay đổi lối sống và tập luyện đã giúp giảm đau nhức vùng chân nhiều.

Việc thực hiện đi bộ cần thực hiện với tiến độ tăng dần phụ thuộc vào tình trạng của mỗi người. Tình trạng suy giãn tĩnh mạch nặng cần có sự tham khảo ý kiến của bác sĩ. Có thể các biện pháp vật lí trị liệu, các biện pháp giảm đau nhức cần được thực hiện trước khi đi bộ cũng như việc đeo tất chân trong ngày để làm tăng hiệu quả điều trị bệnh.

Xem thêm:

  • Bạn có từng thắc mắc vì sao tĩnh mạch có màu xanh?
  • Ăn gì trước khi chạy bộ buổi sáng?
  • Cách chạy bộ giảm cân nhanh nhất