Giải đáp về các cơn đau trong ung thư xương di căn

Ung thư di căn xương là bệnh thường gặp ở chuyên khoa xương khớp, gặp nhiều ở cả nam và nữ.

Giải đáp về các cơn đau trong ung thư xương di căn Giải đáp về các cơn đau trong ung thư xương di căn

Hỏi: Người thân tôi bị đau nhức nhiều ở cột sống, đi khám và điều trị ở nhiều nơi nhưng hết thuốc thì như cũ và còn nặng hơn. Cuối cùng thì phát hiện di căn cột sống từ một bệnh ung thư đã chữa khỏi cách đây cả chục năm. Vậy đau nhức trong ung thư có gì đặc biệt và vì sao lại chỉ có đau nhức?

(Trần Nguyên Quang - Sóc Trăng)

Trả lời:

Ung thư nguyên phát ở xương ít gặp hơn so với ung thư thứ phát do di căn đến xương. Ung thư xương di căn là căn bệnh thường gặp ở chuyên khoa xương khớp, xuất hiện ở cả nam và nữ giới. Theo các chuyên gia thì khoảng 2/3 số trường hợp được chẩn đoán ung thư xương di căn bắt đầu từ những cơn đau nhức xương khớp, đây cũng chính là triệu chứng hay gặp nhất của bệnh. Nhiều trường hợp, các cơn đau nhức dữ dội, kéo dài cho đến khi bệnh nhân tử vong, đáp ứng với thuốc giảm đau kém.

Ở những bệnh nhân đã biết ung thư trước đó, trong quá trình điều trị, sau phẫu thuật hoặc xạ trị mà xuất hiện đau nhức xương thì khả năng ung thư di căn vào xương là rất cao. Có khoảng 1/2 số trường hợp bệnh nhân phát hiện ra ung thư xương di căn nhưng không kịp xác định ổ ung thư nguyên phát.

vicare.vn-giai-dap-ve-cac-con-dau-trong-ung-thu-xuong-di-can-body-1

Vận động càng nhiều thì đau càng tăng khiến bệnh nhân bị hạn chế vận động

Cơ chế đầu tiên của đau nhức xương trong ung thư xương do di căn là khối ung thư, khối u này kích thích màng xương, gây viêm xương cơ dẫn đến các cơn đau. Đặc điểm của những cơn đau này là thường xuất hiện trong thời gian từ nửa đêm đến sáng, đau dữ dội khiến bệnh nhân phải mất ngủ, ban ngày mức độ đau giảm nhẹ hơn. Còn cơ chế thứ hai gây đau xương chính là tổn thương tại xương, thường gây hủy xương đốt sống (lún, xẹp) chèn ép dây thần kinh. Tùy vào vị trí rễ thần kinh cột sống bị chèn ép mà bệnh nhân có những đặc điểm đau khác nhau (đau kèm rối loạn cảm giác, rối loạn hoạt động cơ tròn...), một số trường hợp là đau thần kinh tọa. Đặc điểm là đau liên quan đến sự vận động, vận động càng nhiều thì đau càng tăng khiến bệnh nhân bị hạn chế vận động. Nơi bị đau thường là cột sống, vùng háng và vùng xương chậu.

Do đó, đừng chủ quan nếu cơ thể xuất hiện các biểu hiện đau nhức xương khớp. Khi các cơn đau kéo dài và không rõ nguyên nhân, bạn cần tới ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để khám, xét nghiệm phát hiện sớm ung thư xương di căn. Từ đó có phương án điều trị thích hợp, ngăn ngừa bệnh diễn biến nguy hiểm gây ảnh hưởng tới sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của bản thân.

Bs.CkII. Đặng Minh Trí

Nguồn: Sức khoẻ và đời sống