Đừng đem mạng sống của mẹ và con ra đánh cược với phong trào sinh con “thuận tự nhiên”!
Sinh con thuận tự nhiên là gì? Phương pháp này có lợi ích gì mà có khá nhiều thai phụ quan tâm đến vậy? Tại sao nhiều bà mẹ bất chấp cả mạng sống của mẹ và con để làm theo phong trào này? Thực hư từ những ca sinh con thuận tự nhiên là như thế nào? Dư luận đang dậy sóng trước phong trào “nguyên thủy” này.
Đừng đem mạng sống của mẹ và con ra đánh cược với phong trào sinh con “thuận tự nhiên”!
Và HoiBenh sẽ giúp bạn trả lời hàng loạt những câu hỏi liên quan đến sinh con “thuận tự nhiên” để chúng ta, những người làm cha, làm mẹ có thể hiểu đúng bản chất của trào lưu này.
Sinh con thuận tự nhiên là gì?
Phương pháp này được gọi là "liên sinh" hay còn có một tên gọi khác là phương pháp sinh con Hoa sen (Lotus Birth). Phương pháp này đặc biệt ở chỗ, ngay sau khi em bé chào đời, phần nhau thai khi đưa ra ngoài sẽ được để khô tự nhiên trong khoảng 24 giờ và lót bên dưới là một chiếc khăn cùng hương thảo khô. Ngoài ra người ta có thể sử dụng tinh dầu hoa oải hương kèm theo. Một số người bảo quản nhau thai trong muối và thay muối mỗi ngày. Cuống nhau sẽ đuợc để khô một cách tự nhiên và tự rụng sau 7 - 10 ngày.
Những người ủng hộ chủ nghĩa thuận tự nhiên tin rằng, phương pháp sinh nở này giữ em bé được nối liền với nhau thai lâu hơn, hấp thụ hết toàn bộ dưỡng chất từ nhau thai, giúp bé tăng sức đề kháng, khỏe mạnh, thông minh hơn.
Việc tiếp xúc với môi trường bên ngoài cũng được tin rằng, sẽ diễn ra từ từ hơn, giúp em bé không bị “shock” vì bất ngờ, thích nghi tốt hơn với môi trường sống mới.
Tuy nhiên trên thực tế, chưa có nghiên cứu nào chứng minh đứa bé "không cắt dây rốn" sẽ có sức đề kháng cao hơn, thông minh hơn những đứa bé sinh thường.
Ngoài ra lo sợ việc giữ lại nhau thai, cuống rốn trong thời gian dài, sẽ gây ra nhiều nguy cơ nhiễm trùng, uốn ván sơ sinh... thậm chí là tử vong cả mẹ lẫn con.
Có thể khẳng định, "thuận tự nhiên" là phương pháp không mới trong Y khoa, tuy nhiên phương pháp này cần áp dụng đúng thời điểm. Việc thực hiện sinh sản "thuận tự nhiên" như nhiều người gần đây đang tuyên truyền trên mạng xã hội theo nhiều chuyên gia y tế là phản khoa học.
“Liên sinh” lan truyền chóng mặt và nở rộ trên khắp cộng đồng mạng
Cách đây hơn một tuần, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh và dòng trạng thái của một bà mẹ ở Hưng Yên kể về quá trình sinh con thuận tự nhiên tại nhà, tự tay đỡ đẻ mà không cần sự trợ giúp của bất cứ y tá hay bác sĩ nào. Câu chuyện kèm theo hình ảnh khiến nhiều người tỏ ra bất ngờ và bàng hoàng.
Không lâu sau đó, một sản phụ khác ở Lào Cai cũng có ý định tự sinh con tại nhà. Tuy nhiên, do đẻ khó nên mẹ chồng đã lấy dao rạch tầng sinh môn của con dâu để cháu bé nhanh chào đời nhưng vô tình trúng đầu em bé. Rất may sản phụ này đã được chuyển vào bệnh viện kịp thời để bác sĩ đỡ đẻ.
Và tiếp tục vào chiều 14/3, trên nhiều nhóm mạng xã hội, một bà mẹ đã lên tiếng tố cáo một khóa học đẻ "thuận tự nhiên" đã gián tiếp gây ra hậu quả nghiêm trọng. Người chia sẻ thông tin này cho biết, đang sống tại TP.HCM, và nạn nhân là bạn thân của mình. Người bạn của chị đã giấu chồng đóng 15.000.000 đồng để tham gia khóa sinh “thuận tự nhiên”. Đến khi lên cơn chuyển dạ, dù được chồng khuyên nên đến bệnh viện nhưng người vợ vẫn cố chấp và cho rằng "đẻ vậy con mới khỏe".
Theo thông tin tìm hiểu được, trong lúc chuyển dạ, sản phụ quyết sinh con tại nhà mà không có người thân bên cạnh. Hậu quả em bé bị ngạt còn người mẹ thì kiệt sức, không đủ sức rặn nên đã tử vong sau đó.
Vụ việc đã khiến dư luận cả nước vô cùng xót xa, đồng thời cũng hoang mang và bức xúc vì cho rằng những phương pháp rõ ràng vô lý, phản khoa học như Lotus Birth chẳng hiểu sao lại được nhiều người tin tưởng đến mê muội như thế.
Liệu rằng “liên sinh” có thực sự hiệu quả hay là chỉ là sự mù quáng?
Theo Daily Mail, xu hướng “liên sinh” được thực hiện lần đầu tiên được vào năm 2008, thậm chí một số chuyên gia trong lĩnh vực y tế ngay lập tức đã áp dụng thử nghiệm phương pháp này nhưng họ đã nhanh chóng ngừng lại.
Các chuyên gia cho biết nếu giữ lại nhau thai một thời gian sau khi sinh, trẻ có thể sẽ gặp nguy hiểm do các loại vi khuẩn lây truyền từ nhau thai qua dây rốn vì nó có chứa máu. Thêm nữa, chỉ một thời gian ngắn sau khi sinh, dây rốn sẽ ngừng đập, do đó nhau thai không thể truyền chất dinh dưỡng sang cho bé nữa.
Chưa kể, khi sinh ở nhà, đứa trẻ có thể bị ngạt ôxy thì người nhà cũng không biết sơ cứu như thế nào, không có bình ô xy, không có phương tiện hút đàm nhớt cho bé. Và hơn hết, bằng mắt thường, người nhà không thể phát hiện được dị tật, dị dạng của bé.
Thực tế, phương pháp “liên sinh” không phải hoàn toàn không có cơ sở, nhiều nghiên cứu cho thấy việc không cắt dây rốn cho trẻ ngay lập tức sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho trẻ, nhưng không được quá 3 phút sau khi ra khỏi cơ thể mẹ.
Chuyên gia lên tiếng phản đối về việc sinh con “thuận tự nhiên”
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Hoài Đức, nguyên Viện trưởng viện Sức khỏe sinh sản và gia đình cho hay, bản thân rất sốc khi nghe tới phương pháp sinh đẻ “thuận tự nhiên" này.
Chuyên gia khẳng định đây là cách sinh con phản khoa học, đặc biệt việc không cắt dây rốn cho trẻ không khác gì thời "trung cổ".
Theo PGS Đức, thời xưa, khi điều kiện y tế không cho phép nên sản phụ thường phải sinh tại nhà. Tuy nhiên, việc sinh tại nhà, sản phụ sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ tai biến như bong huyết, mất tim thai (do không theo dõi được tim thai).
"Việc tự sinh tại nhà trong trường hợp xảy ra tai biến thì sản phụ và người nhà sẽ không thể xử lý kịp sẽ nguy hiểm tới tính mạng của cả mẹ và con", PGS Đức nói.
Cũng theo chuyên gia này, việc không tiêm phòng uốn ván cho con của người mẹ trên rất nguy hiểm bởi sẽ bị tăng nguy cơ nhiễm trùng, dẫn tới nhiễm trùng huyết, rất nguy hiểm cho tính mạng.
Riêng việc để dây rốn tự rụng, PGS Đức cũng cho biết thêm, đây là sợi dây để mẹ nuôi dưỡng con trong bào thai. Khi trẻ chào đời, sẽ không còn phụ thuộc vào chúng. Việc không cắt dây rốn tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho trẻ sơ sinh.
“Khi nhau thai ra ngoài cơ thể mạch máu sẽ ngừng hoạt động không còn dinh dưỡng nuôi cơ thể. Lúc này, việc bánh nhau tuột ra ngoài cơ thể tương tự như một miếng thịt khi bị đưa ra khỏi tủ lạnh. Chúng sẽ bị phân hủy. Nếu làm theo phương pháp sinh đẻ “thuận tự nhiên” bằng cách tự đẻ không cần trợ giúp thì nguy cơ trẻ bị nhiễm trùng máu là rất cao”, PGS Đức khẳng định. (Theo Zing)
Không phải cứ sinh ở nhà mới là “thuận tự nhiên”
Ở một số nước phương Tây, phương pháp sinh thuận tự nhiên được lựa chọn vì một số nhỏ các bà mẹ vì mắc chứng sợ bệnh viện, hoặc vì lý do nào đó (môi trường, khí hậu...) có thể lựa chọn sinh con tại nhà, nhưng bản thân các cặp cha mẹ đã được học nhiều kiến thức tiền sản trước khi thực hiện việc sinh con không cắt dây rốn này. Và họ cũng được hậu thuẫn đội ngũ y, bác sĩ, trang thiết bị hiện đại, để đảm bảo việc sinh thuận tự nhiên diễn ra tốt đẹp. Chứ không phải quá trình sinh đẻ “thuận tự nhiên” được thực hiện bằng cách tự sinh con tại nhà, tự đỡ đẻ, không chích ngừa, không cắt rốn, da kề da liên tục trong 4 giờ sau sinh.
Trước tình trạng này, Bộ Y tế khuyến cáo, mặc dù sinh đẻ là một quá trình sinh lý bình thường, khi mang thai, sinh đẻ, người phụ nữ phải đến cơ sở y tế để được quản lý thai, chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ và chăm sóc mẹ, con sau đẻ đúng theo quy trình chuyên môn.
Việc sinh đẻ tại nhà, tự đẻ mà không có cán bộ y tế hỗ trợ trong quá trình chuyển dạ, sinh con và theo dõi, chăm sóc sau sinh có thể dẫn đến những nguy cơ tai biến trầm trọng như: băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm trùng, mất tim thai, uốn ván sơ sinh, thậm chí tử vong mẹ và con.
Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế tỉnh, thành phố thông tin, quán triệt đến các đơn vị trực thuộc có liên quan đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tăng cường công tác quản lý thai, chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ, chăm sóc sau sinh tại các địa phương, đặc biệt là tuyến cơ sở, nhằm hạn chế tối đa tình trạng đẻ tại nhà, tự đỡ đẻ như trường hợp nêu trên. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông, tuyên truyền vận động người dân tại địa phương đi khám thai và sinh đẻ tại cơ sở y tế, đặc biệt, tránh những hành vi có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của bà mẹ và em bé.
Đồng ý rằng, mọi cặp vợ chồng đều có quyền quyết định việc sinh con ở đâu và cách sinh như thế nào. Nhưng rõ ràng, sinh con tại nhà là quyết định rất liều lĩnh và không phù hợp với lối sống cũng như sự hiểu biết chuyên môn. Quyết định này có thể gây ra sự chậm trễ trong cứu chữa khi xảy ra tai biến trong quá trình sinh nở. Hy vọng, các chị, em phụ nữ hãy là những bà mẹ thông thái, có kiến thức vững vàng để những đứa trẻ được chào đời một cách khỏe mạnh nhất!