Đồng tính nam - cách phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục
Các vấn đề sức khỏe của những người đồng tính nam hay đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới khá đa dạng, từ những bệnh lây truyền qua đường tình dục đến trầm cảm. Cần nhận thức được vấn đề này để có phương án giữ gìn sức khỏe.
Đồng tính nam - cách phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục
Phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục ở người đồng tính nam
Những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới rất dễ có nguy cơ nhiễm HIV, virus gây ra AIDS, cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác (Lậu, giang mai, sùi mào gà,...). Để bảo vệ bản thân khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục, cần có các biện pháp:
- Sử dụng bao cao su hoặc các phương pháp bảo vệ khác: Sử dụng bao cao su mới trong mỗi lần quan hệ tình dục, đặc biệt là khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn và cả đường miệng. Chú ý chỉ sử dụng chất bôi trơn gốc nước, không dùng dạng dầu/ dầu khoáng, vì chất bôi trơn gốc dầu có thể làm mỏng chất liệu latex của bao cao su, khiến chúng bị rách và mất tác dụng bảo vệ.
- Quan hệ với một đối tác: Một cách để tránh nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục cho đồng tính nam là duy trì mối quan hệ lâu dài với một đối tác không bị nhiễm bệnh.
- Hạn chế uống rượu và không sử dụng ma túy: Nếu có tác dụng của rượu, ma túy, người đồng tính nam rất dễ gặp rủi ro bệnh tật khi quan hệ tình dục. Trong trường hợp có sử dụng ma túy đường tiêm, tuyệt đối không dùng chung bơm kim tiêm.
- Tiêm phòng: Tiêm phòng sẽ giúp bảo vệ họ khỏi viêm gan A và B, là những bệnh nghiêm trọng, dễ lây lan qua quan hệ tình dục của người đồng tính nam. Tuy nhiên, không phải tất cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục đều được ngăn ngừa bằng vaccine: Viêm gan C dễ dẫn đến suy gan, ung thư gan, tử vong, hiện chưa có vaccine; vaccine ngừa HPV chỉ dành cho nam giới đến 26 tuổi (HPV có liên quan đến ung thư hậu môn ở nam giới có quan hệ tình dục với nam giới).
- Khám sức khỏe cho bản thân và đối tác: Không quan hệ tình dục không được bảo vệ trừ khi bạn chắc chắn rằng bạn và bạn tình không bị nhiễm HIV hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Vấn đề khám sức khỏe rất quan trọng vì nhiều người không biết bản thân bị nhiễm bệnh, hoặc có người không trung thực về tình hình sức khỏe của họ.
- Dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). PrEP là cách để những người không nhiễm HIV (nhưng có nguy cơ cao) ngăn ngừa nhiễm HIV bằng cách uống thuốc hàng ngày. Sử dụng thuốc kết hợp emtricitabine - tenofovir (Truvada) có thể làm giảm nguy cơ nhiễm HIV lây truyền qua đường tình dục ở những đối tượng đồng tính nam. Thuốc được chỉ định bởi bác sĩ và sử dụng cùng với biện pháp phòng ngừa khác như sử dụng bao cao su trong mỗi lần quan hệ tình dục. Truvada cũng được sử dụng như một phương pháp điều trị HIV cùng với các loại thuốc khác.
Đồng tính nam còn đối diện với nguy cơ trầm cảm
Đồng tính nam và đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới sẽ có nguy cơ trầm cảm, lo lắng cao hơn người bình thường.
Để giảm thiểu, những người này cần thường xuyên tâm sự với những người thân, người bạn đáng tin cậy. Chia sẻ lo ngại, cảm xúc cũng là bước đầu tiên để điều trị.
Dưới đây là những biện pháp giúp hạn chế nguy cơ trầm cảm ở người đồng tính nam:
Quan tâm đến những lo ngại về hình thể
Những người đồng tính nam có nhiều khả năng gặp các vấn đề về hình ảnh cơ thể và rối loạn ăn uống, ví dụ như chứng chán ăn hay cuồng ăn. Nguyên nhân được dự đoán của vấn đề này là do suy nghĩ quá mức về vẻ bề ngoài của những người cùng giới: mảnh khảnh và yếu ớt hoặc có thân hình cơ bắp, một số người đồng tính nam và lưỡng tính luôn lo lắng quá mức về vấn đề cân nặng.
Nếu bạn đang vật lộn với những lo lắng về hình ảnh cơ thể hoặc mắc chứng rối loạn ăn uống, hãy hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để có hướng điều trị.
Vấn đề lạm dụng chất kích thích
Nghiên cứu chỉ ra, những người đồng tính nam có nhiều khả năng nghiện thuốc lá hơn những người đàn ông bình thường và có khả năng mắc chứng nghiện rượu cao hơn so với dân số nói chung.
Nếu bạn lo ngại mình lạm dụng chất kích thích, hãy tìm kiếm những sự giúp đỡ từ xung quanh để có thể vượt qua vấn đề này: tài liệu về y tế của các tổ chức, các hoạt động của các trung tâm cộng đồng, sự tư vấn của bác sĩ.
Nhận biết vấn đề bạo hành
Vấn đề bạo lực gia đình có thể xảy ra với mọi người, nhưng những người đồng tính nam có chiều hướng giữ im lặng về loại bạo lực này do sợ bị phân biệt đối xử và thiếu cách để bày tỏ.
Khi ở trong một mối quan hệ bị lạm dụng, bạo hành sẽ khiến bạn chán nản, lo lắng hoặc tuyệt vọng. Nếu bạn không muốn tiết lộ, bạn sẽ không được sự giúp đỡ nếu bị tấn công. Cách duy nhất để phá vỡ vòng tròn bạo lực gia đình là hành động, cần làm càng sớm càng tốt.
Nếu bạn là mục tiêu của bạo lực gia đình, hãy nói cho ai đó về vấn đề này, có thể là: bạn bè, người thân, bác sĩ tâm lý. Trong trường hợp cần, có thể gọi đường dây nóng bạo lực gia đình và lên kế hoạch chia tay kẻ lạm dụng bạn.
Đặt ưu tiên cho việc khám sức khỏe định kỳ
Đừng để nỗi sợ hoặc sự kỳ thị liên quan đến giới tính ngăn cản bạn đi kiểm tra sức khỏe thông thường. Chỉ có bạn chịu trách nhiệm về sức khỏe của bản thân mình.
Hãy tìm một bác sĩ mà bạn có thể tin tưởng, giới thiệu bản thân là người đồng tính nam hoặc song tính, và hỏi về việc kiểm tra định kỳ được khuyến nghị cho nam giới trong độ tuổi của bạn, chẳng hạn như: đo huyết áp, các chỉ số huyết học, cholesterol, sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt, tinh hoàn, ruột kết. Ngoài ra cần chia sẻ bất kỳ mối quan ngại nào về sức khỏe của bản thân với bác sĩ để được tư vấn.
Nếu người đồng tính nam không có một mối quan hệ lâu dài với một đối tác, cần kiểm tra định kỳ các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp bạn có một sức khỏe tốt.
Xem thêm:
- Quan hệ mở: Giải pháp duy trì hạnh phúc cho các cặp đôi đồng tính nam
- 10 lời khuyên để chăm sóc sức khỏe cho người đồng tính luyến ái
- Quan hệ đồng tính bằng miệng có nguy cơ nhiễm HIV không?