Độ tuổi nào nên chụp nhũ ảnh để phát hiện bệnh ung thư vú?
Ung thư vú là một trong những căn bệnh phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể phát hiện sớm bằng phương pháp chụp nhũ ảnh để điều trị kịp thời. Vậy, độ tuổi nào nên chụp nhũ ảnh để phát hiện bệnh ung thư vú?
Độ tuổi nào nên chụp nhũ ảnh để phát hiện bệnh ung thư vú?
Ung thư vú là một trong những căn bệnh phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể phát hiện sớm bằng phương pháp chụp nhũ ảnh để điều trị kịp thời. Vậy, độ tuổi nào nên chụp nhũ ảnh để phát hiện bệnh ung thư vú? Mời bạn đọc tham khảo thông tin dưới đây!
1. Chụp nhũ ảnh là gì?
Chụp nhũ ảnh (hay chụp mammography) là việc chụp X-quang ở vú. Đây là một công cụ sàng lọc được sử dụng để phát hiện và chẩn đoán bệnh ung thư vú. Cùng với khám vú thường xuyên ở các cơ sở y tế và tự khám vú hàng tháng tại nhà, chụp nhũ ảnh cũng là một yếu tố quan trọng trong việc chẩn đoán sớm bệnh ung thư vú. Theo Viện Ung thư Quốc gia, gần 40.000 phụ nữ chết vì ung thư vú vào năm 2012. Hơn 226.000 trường hợp mắc mới cũng đã được chẩn đoán trong cùng năm đó. Đây là những con số khá cao, vì thế việc tầm soát để phát hiện ung thư vú là điều hết sức cần thiết.
Để tiến hành chụp nhũ ảnh, bạn sẽ phải thay toàn bộ phần trang phục phía trên bằng một chiếc áo choàng được chuẩn bị sẵn. Về cơ bản, chụp nhũ ảnh cũng tương tự như chụp X-quang:
- Bạn đứng trước một chiếc máy X-quang và đặt một bên ngực lên một mặt phẳng
- Tiếp theo, kỹ thuật viên X-quang sẽ sử dụng một băng dính ghi dấu X-quang nhỏ, dán lên phần vú, nơi nghi ngờ có khối u
- Sau đó, một tấm plastic phẳng được đặt đè lên phần ngực còn lại. Tấm plastic sẽ ép chặt ngực càng nhiều càng tốt để ghi nhận được hình ảnh của nhiều mô nhất có thể. Bạn sẽ cảm thấy ngực của mình bị ép mạnh và khó chịu đôi chút
- Kỹ thuật viên thường sẽ chụp bốn phim - hai phim chụp thẳng từng vú ép từ trên xuống và hai phim chụp nghiêng từng vú
Các bước trên sẽ được lặp đi lặp lại, lần lượt hai bên vú để có được một hình ảnh đầy đủ nhất.
2. Độ tuổi nào nên chụp nhũ ảnh để phát hiện bệnh ung thư vú?
Triệu chứng báo hiệu ung thư vú thường gặp là xuất hiện khối u cứng, không đều, không đau ở vú. Tuy nhiên cũng có trường hợp có biểu hiện đau hoặc khối u mềm, tròn.
Bệnh cũng có các dấu hiệu khác như ngực sưng, đau núm vú dù không có khối u rõ rệt. Da ngực dày dính, núm vú tụt vào trong, tiết dịch bất thường...
Nguy cơ mắc bệnh ung thư vú tăng dần theo độ tuổi. Vậy hiện nay, độ tuổi nào nên chụp nhũ ảnh để phát hiện bệnh ung thư vú?
Phụ nữ 40 tuổi trở lên nên chụp nhũ ảnh để phát hiện ung thư vú 1 đến 2 năm một lần. Nếu bạn có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị ung thư vú, bác sĩ có thể khuyên bạn nên bắt đầu tầm soát sớm hơn, thường xuyên hơn, hoặc sử dụng các công cụ chẩn đoán thêm khác.
3. Một số lưu ý trước khi chụp nhũ ảnh để phát hiện bệnh ung thư vú
Không dùng chất khử mùi
Dùng chất khử mùi để kiểm soát mùi cơ thể rất được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, nhôm có trong chất khử mùi có thể làm thay đổi nghiêm trọng kết quả chụp nhũ ảnh. Chất khử mùi biểu hiện trên phim chụp nhũ ảnh như những đốm trắng, và chúng trông rất giống và không thể phân biệt được với những chỗ bị ung thư.
Mặc dù không trực tiếp thoa chất khử mùi lên ngực, chụp nhũ ảnh cũng chụp cả vùng dưới cánh tay. Bất kỳ sản phẩm nào trong vùng lân cận đó đều có thể gây khó khăn cho việc sàng lọc. Vì thế, tốt nhất bạn không nên dùng chất khử mùi trước khi chụp nhũ ảnh để phát hiện ung thư vú.
Đặt lịch chụp sau kỳ “đèn đỏ”
Vú có xu hướng nhạy cảm đặc biệt trong những ngày trước và trong kỳ kinh nguyệt. Do khi chụp nhũ ảnh ngực của bạn bị ép giữa hai tấm và làm phẳng mô, nên khi vú quá nhạy cảm sẽ dễ gây khó chịu.
Hãy đặt lịch chụp nhũ ảnh phát hiện ung thư vú một tuần sau khi bạn kết thúc kì kinh nguyệt của mình. Đó là khi các hoóc-môn ổn định nhất và kết quả cho ra chính xác nhất.
Chọn cơ sở có uy tín
Bạn nên chọn một cơ sở chụp X-quang được chứng nhận để chụp nhũ ảnh. Bởi một cơ sở được chứng nhận phải tuân theo một chương trình kiểm điểm bắt buộc. Cơ sở này đọc kết quả chụp nhũ ảnh hàng ngày nên bạn sẽ được sàng lọc đúng cách cả về quy trình và kết quả.
Uống Tylenol trước cuộc hẹn chụp nhũ ảnh
Do vú của bạn sẽ bị ép chặt trong quá trình chụp, nên bạn có thể bị đau trong và sau khi chụp. Uống thuốc giảm đau không kê đơn có thể hữu ích. Uống một hai viên Tylenol hoặc ibuprofen trước khi chụp nhũ ảnh để làm giảm cảm giác đau nhức.
Biết về tiền sử gia đình
Tại cuộc hẹn của bạn, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử ung thư vú trong gia đình, vì có người thân bị bệnh có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú của bạn. Mặc dù chỉ 5% đến 10% ung thư vú được cho là di truyền, nhưng nếu tiền sử gia đình có bạn nên tiến hành chụp nhũ ảnh sớm và thường xuyên hơn.
Bạn nên chụp nhũ ảnh nếu đã nâng ngực
Đối với chị em đã từng nâng ngực, chụp nhũ ảnh sẽ có hai mục đích: kiểm tra sự nguyên vẹn của túi nâng dựa trên phim chụp và kiểm tra ung thư vú.
Sau khi xem xét túi nâng, kỹ thuật viên có thể dịch chuyển chúng ra khỏi hình ảnh để quan sát rõ hơn mô vú xung quanh chúng. Bạn sẽ nhận được nhiều phim hơn bốn phim mà những phụ nữ không nâng ngực nhận được, nhưng chụp nhũ ảnh là một cách để đảm bảo ngực của bạn an toàn - dù tự nhiên hay đã nâng.
Xem thêm:
- Bạn có nguy cơ mắc ung thư vú hay không?
- Nhũ hoa của bạn thuộc loại nào trong các loại này
- Bạn thật sự đã hiểu rõ về ung thư chưa?