Đình chỉ thai nghén và những điều cần biết
Đình chỉ thai nghén hiện nay không còn là một vấn đề mới mẻ, ít gặp. Tuy nhiên khi nào thì cần đình chỉ thai nghén? Việc này có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ không? HoiBenh sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn những kiến thức về đình chỉ thai nghén qua bài viết sau đây.
Đình chỉ thai nghén và những điều cần biết
Thế nào là đình chỉ thai nghén?
Đình chỉ thai nghén là một thuật ngữ y học mô tả việc chấm dứt thai kì một cách chủ động trước khi thai phụ sinh nở. Đây là một quyết định không hề dễ dàng và đòi hỏi quá trình thực hiện phải đảm bảo được những yêu cầu nhất định.
Khi nào nên đình chỉ thai nghén?
Khi nghe bác sĩ thông báo về việc phải đình chỉ thai nghén, không ít phụ nữ vô cũng hoảng sợ. Yêu cầu này có thể đến từ bác sĩ, người trực tiếp thăm khám hoặc cũng có thể đến từ thai phụ.
Bác sĩ sẽ yêu cầu đình chỉ thai nghén khi thai phụ gặp phải các vấn đề sau: thai nhi bất thường, thai chết lưu, thai ngoài tử cung, thai dị tật bẩm sinh rất nặng, không có tim thai, khuyết tim bẩm sinh, trẻ sinh ra sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Khi đó quá trình thai nghén buộc phải dừng lại. Bác sĩ sẽ dũng các biện pháp kích thích sinh non, giục sinh khi thai chưa đủ tháng. Bé ra đời có thể sống nhưng chỉ được trong thời gian rất ngắn hoặc đã không còn sự sống từ trong bụng mẹ.
Một trường hợp khác đình chỉ thai nghén được quyết định khi thai phụ đã gần đến ngày dự sinh. Nguyên nhân là do các bác sĩ nhận thấy những bất thường đe dọa tính mạng của cả mẹ và con. Lúc này việc đình chỉ thai nghén chính là bắt buộc mổ lấy thai chủ động hoặc kích sinh non để bé chào đời sớm hơn so với ngày dự sinh. Bé sinh ra vẫn còn sự sống và được chăm sóc đặc biệt, có thể bé sẽ phát triển hoàn toàn bình thường sau khi đình chỉ thai nghén.
Yêu cầu đến từ thai phụ: do vỡ kế hoạch hoặc bị xâm hại tình dục ngoài ý muốn, chưa kết hôn hoặc vì một lý do cá nhân mà thai phụ chủ động yêu cầu bác sĩ đình chỉ thai nghén cho mình.
Rủi ro gặp phải khi thực hiện đình chỉ thai nghén
Bất cứ một thủ thuật y khoa nào cũng có một tỉ lệ rủi ro nhất định. Đình chỉ thai nghén dù ít hay nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người phụ nữ. Khi thai nhi càng to, những can thiệp sẽ càng khó khăn phức tạp và những ảnh hưởng càng lớn. Tuy rằng hiện nay có những phương pháp nội khoa như dùng thuốc gây sảy thai tự nhiên trong trường hợp cần bỏ thai, nhưng những tác động này vẫn gây những ảnh hưởng nhất định tới sức khỏe thai phụ
Yêu cầu đình chỉ thai nghén đến từ thai phụ phổ biến nhất hiện nay là do thai ngoài ý muốn, điều này dẫn đến một tỉ lệ nạo phá thai khá cao. Đây là nguyên nhân khiến 5% sản phụ tử vong.
Những tai biến dễ gặp phải khi thực hiện can thiệp ngoại khoa: thủng tử cung, tổn thương cổ tử cung, hình thành sẹo trong tử cung, băng huyết, tai biến ngoại khoa liên quan thuốc tê, thuốc mê, sót thai, sót nhau, gây chấn thương tâm lý nặng nề và đặc biệt là nhiễm trùng gây viêm dính buồng tử cung dẫn đến vô sinh... Đây đều là những tổn thương nặng nề, ảnh hưởng chức năng sinh sản của người phụ nữ về sau.
Quyết định thực hiện đình chỉ thai nghén không hề là một quyết định dễ dàng. Việc này cần phải cân nhắc thật kĩ giữa nguy cơ cho bé và những rủi ro mà người mẹ sẽ gặp phải. Khi không còn lựa chọn nào khác tốt hơn và buộc phải đình chỉ thai nghén, hãy tìm đến những cơ sở y tế đạt chuẩn, trang thiết bị hiện đại, vệ sinh đảm bảo, yêu cầu thực hiện những biện pháp an toàn để hạn chế đến mức thấp nhất các tai biến và biến chứng có thể xảy ra.
Quyết định đình chỉ thai nghén dựa trên kết quả siêu âm có chính xác 100%?
Siêu âm là một cận lâm sàng phổ biến và cho kết quả khá chính xác, đặc biệt là siêu âm màu 4D. Việc siêu âm ở tuần thai 12-13, 22 và tuần thứ 32 là những mốc rất quan trọng trong việc phát hiện sớm các dị dạng bất thường về hình thái của thai nhi.
Tuy nhiên để đưa đến quyết định đình chỉ thai nghén, siêu âm thôi vẫn chưa đủ. Bởi siêu âm có những sai số nhất định, nó chỉ đóng vai trò gợi ý. Bác sĩ bắt buộc phải tiến hành hàng loạt các xét nghiệm khác (chọc dò dịch ối, sinh thiết nhau thai...) mới thực sự khẳng định về dị tật của bé, nặng hay nhẹ và đưa ra quyết định cuối cùng. Do đó việc siêu âm đúng lịch hẹn là việc làm vô cùng cần thiết để chẩn đoán sớm dị tật thai nhi. Nhưng để đi đến quyết định đình chỉ thai nghén thì cần phải có thêm các biện pháp xét nghiệm khác nữa.
Theo luật dân số Việt Nam, phụ nữ chỉ được phá thai theo nguyện vọng khi tuổi thai dưới 12 tuần tuổi.
Nếu tuổi thai từ 12 tuần tuổi trở lên chỉ được phá khi thai gây nguy hại đến tính mạng thai phụ và có những bằng chứng về nguy cơ sinh ra đứa trẻ dị tật
Khi tuổi thai trên 22 tuần chỉ được sử dụng các phương pháp kỹ thuật khác ngoài phương pháp phá thai. Vì vậy đối với thai trên 22 tuần nghi ngờ dị tật, cần phải được Hội Đồng Chẩn Đoán Trước Sinh gồm chuyên gia sản khoa, nhi khoa, chuyên gia về di truyền học, tâm lý học... cùng hội chẩn để khẳng định về dị tật của thai nhi dựa trên các xét nghiệm. Khi kết quả hội chẩn cho thấy em bé sinh ra không thể sống hoặc sống với những dị tật nặng nề thì Hội Đồng sẽ đưa ra yêu cầu đình chỉ thai nghén, việc quyết định lúc này hoàn toàn nằm trong tay người mẹ.
Các biện pháp đình chỉ thai nghén
- Đình chỉ thai nghén bằng thuốc với thai từ 7 tuần trở xuống, hiệu quả 96 – 98%.
- Nạo hút thai bằng dụng cụ hút chân không với thai từ 6 tuần đến hết 12 tuần, thai được hút ra ngoài qua ống hút vào một bơm hút, hiệu quả 98%.
- Phương pháp nong gắp (phối hợp thuốc và dụng cụ) với thai từ 13 tuần đến 18 tuần, chỉ được thực hiện bởi các cán bộ y tế đã được đào tạo chuyên môn tại cơ sở y tế uy tín, nguy cơ tai biến cao.
Xem thêm:
- Khám phụ khoa có biết từng phá thai không?
- Phá thai bằng thuốc có an toàn không?
- Phá thai bằng thuốc ra cục màu trắng cùng với máu là túi thai phải không?