Đẻ non - những điều cần biết để tránh rủi ro
9 tháng 10 ngày mang thai là giai đoạn nhiều cảm xúc với người phụ nữ. Một trong những nỗi lo và băn khoăn của mọi người mẹ là khả năng đẻ non. Làm sao để phòng tránh cũng như ứng phó với nguy cơ đẻ non, nhất là vào những tháng cuối của hành trình?
Đẻ non - những điều cần biết để tránh rủi ro
Bài viết này sẽ cung cấp thêm cho mẹ bầu những kiến thức cần thiết nhất về các vấn đề liên quan đến đẻ non.
Thế nào là đẻ non?
Một thai kì bình thường sẽ kéo dài từ 38-42 tuần, trung bình một người phụ nữ khỏe mạnh sẽ hạ sinh em bé vào tuần thứ 40 (tính trên ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt gần nhất). Thời gian dự sinh đã được các bác sĩ tính toán rất cẩn thận, tuy nhiên thời gian sinh thực tế có thể sớm hoặc muộn hơn vài ngày, thậm chí một vài tuần hoặc có thể chính xác đúng vào thời điểm dự sinh đã tính trước.
Trường hợp em bé được sinh ra trước khi được 37 tuần tuổi được gọi là đẻ non hay là sinh non thiếu tháng. Một em bé chào đời sớm hơn bình thường có nghĩa là thời gian để bé hoàn thiện bên trong tử cung của người mẹ đã bị rút ngắn đi. Điều này cho thấy bé sẽ phải đối mặt với hàng loạt các nguy cơ về sức khỏe.
Theo thống kê cho thấy, đẻ non là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra đẻ non còn gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của em bé sau này. Do đó việc thăm khám, theo dõi sự phát triển của thai nhi và trang bị những kiến thức về vấn đề đẻ non là vô cùng cần thiết, nó sẽ giúp các mẹ bầu phần nào hạn chế được các rủi ro.
Nguyên nhân dẫn đến đẻ non
Theo nghiên cứu cho thấy, có đến 50% các trường hợp đẻ non không thể xác định nguyên nhân, 50% còn lại được chia thành các nhóm nguyên nhân: nguyên nhân từ mẹ, nguyên nhân từ thai nhi và các nguyên nhân từ các yếu tố bên ngoài tác động.
Nguyên nhân đẻ non từ mẹ
- Mẹ đang mắc các bệnh lý nội khoa: u xơ tử cung, viêm thận, Rubella, bệnh tim, tiểu đường, thiếu máu nặng, cường giáp, nhiễm trùng ối, các nhiễm khuẩn cấp hoặc mãn tính, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm cổ tử cung, viêm nhiễm âm đạo, sốt rét, bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiền sản giật, sản giật, viêm gan siêu vi B...
- Dị dạng tử cung: hở eo tử cung, tử cung bất thường, cổ tử cung hé mở, cổ tử cung ngắn, tử cung hai sừng, tử cung hình tim, tử cung có vách ngăn bán phần, tử cung kém phát triển...
- Viêm ruột thừa khi mang thai.
- Tiền sử đẻ non: nguy cơ đẻ non tỉ lệ thuận với số lần đã đẻ non trước đó.
- Đã từng phá thai, nạo thai trước đó.
- Tình trạng stress kéo dài trong giai đoạn mang thai khiến cơ thể người mẹ tiết quá nhiều hormon tuyến thượng thận có thể gây nguy cơ đẻ non.
- Thiếu vitamin B9.
- Thiếu cân, suy dinh dưỡng, chế độ dinh dưỡng kém.
- Thừa cân béo phì.
- Mang thai quá sớm khi chưa đủ 18 tuổi hoặc mang thai khi đã lớn tuổi từ 40 tuổi trở lên.
- Khoảng cách với lần mang thai trước đây quá ngắn (ít hơn 6 tháng).
- Người mẹ nghiện ma túy, nghiện rượu.
- Mang thai quá nhiều lần, đã có nhiều hơn 4 con.
- Người mẹ làm việc quá sức, thời gian làm việc nhiều hơn 42 giờ/tuần, đứng trên 6 giờ/ngày.
- Quan hệ tình dục thường xuyên và quá đà gây ra cơn co thắt tử cung.
- Môi trường sống độc hại, ô nhiễm.
- Dùng thuốc an thai bừa bãi.
Nguyên nhân đẻ non do thai nhi
- Vỡ ối sớm, đa ối, thiểu ối, viêm màng ối do nhiễm trùng.
- Nhau tiền đạo, nhau bong non.
- Đa thai.
- Thai nhi dị dạng.
Các nguyên nhân đẻ non từ bên ngoài
- Liên quan đến những tác nhân gây dị ứng, khói bụi, phấn hoa mùa xuân.
- Viêm nhiễm do virus theo mùa.
- Chế độ dinh dưỡng.
- Bạo lực gia đình.
Dấu hiệu đẻ non
- Vùng bụng dưới có những cơn co thắt xảy ra thường xuyên vào ban đêm hoặc sáng sớm, đau thắt ở vùng bụng, xương chậu, một số có thể kèm đau thắt lưng, tiêu chảy.
- Âm đạo ra nhớt hồng, chảy máu hoặc dịch nhầy cổ tử cung. Trong thai kì đôi khi người mẹ lao động nặng cũng sẽ ra máu âm đạo, khi máu chảy nhiều bất thường cần lập tức tới bệnh viện để kiểm tra.
- Thai nhi chưa đủ 37 tuần tuổi lại gặp cơn cơ thắt tử cung từng cơn đều đặn, mỗi cơn kéo dài hơn 30s, kèm theo vỡ ối, cổ tử cung mở lớn. Trường hợp này thai phụ cần được đưa vào viện càng sớm càng tốt trong tư thế nằm ngửa, tránh đi lại, vận động.
Làm gì khi xuất hiện dấu hiệu đẻ non
- Nhanh chóng đến cơ sở y tế.
- Nghỉ ngơi hoàn toàn, không đi lại để tránh nguy cơ giãn tử cung.
- Các nhân viên y tế sẽ cân nhắc sử dụng thuốc hạn chế cơn co thắt để phòng ngừa đẻ non. Khi màng ối đã vỡ, bắt buộc phải sinh, bác sĩ sẽ dùng thuốc giục sinh. Phẫu thuật bắt con (nếu cần).
- Tiếp tục ở lại viện để theo dõi.
Những việc mẹ bầu cần làm để phòng tránh đẻ non
Việc đẻ non ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của em bé sơ sinh và cả giai đoạn phát triển sau này của trẻ. Đẻ non hoàn toàn có thể được kiểm soát nhờ vào các biện pháp sau đây:
- Chú ý chế độ dinh dưỡng khoa học.
- Khám thai đúng theo lịch hẹn của bác sĩ, báo cho bác sĩ biết tất cả những bất thường mà bạn gặp phải dù là nhỏ nhất.
- Cung cấp đầy đủ vitamin trước và trong giai đoạn thai kì, đặc biệt là vitamin B9 và B12.
- Mẹ bầu nên dành thời gian nghỉ ngơi, giảm khối lượng công việc.
- Luôn duy trì tinh thần thoải mái, tâm trạng vui vẻ, tránh căng thẳng, tránh những tổn thương tâm lý, mệt mỏi quá mức.
- Tuyệt đối không uống rượu bia, hút thuốc lá hoặc sử dụng chất kích thích.
- Kiểm soát tăng cân hợp lí, duy trì cân nặng theo hướng dẫn của bác sĩ sản khoa.
- Phụ nữ có thai nên chọn đồ lót thoáng mát, thấm hút tốt, luôn vệ sinh vùng kín sạch sẽ, tránh viêm nhiễm.
- Vận động nhẹ nhàng, tập thể dục vừa phải, tránh các va chạm mạnh.
- Quan hệ tình dục điều độ và nhẹ nhàng, đối với thai phụ đã được cảnh báo đẻ non nên tránh quan hệ tình dục trong giai đoạn cuối thai kì để đảm bảo không gây ra cơn co thắt tử cung quá mức.
- Hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiếp tục điều trị các bệnh đang mắc phải, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt chế độ điều trị.
- Không tự ý sử dụng thuốc an thai hoặc bất kì loại thuốc nào mà chưa thông qua ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
Xem thêm:
Tư vấn của TS-BS Nguyễn Công Nghĩa, Trưởng khoa Phụ Sản, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Times City:
- Hướng dẫn tự theo dõi thai nhi cùng bác sĩ - Đếm cử động thai mỗi ngày
- Mang thai và chuyển dạ - Sản phụ nên đến bệnh viện lúc nào?