Dấu hiệu trào ngược dạ dày bạn nhất định phải biết

Trào ngược dạ dày là căn bệnh phổ biến của xã hội hiện đại. Nếu không kịp thời nhận biết dấu hiệu trào ngược dạ dày, bệnh rất dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, trong đó có khả năng ung thư thực quản cao. Vicare mời bạn đọc cùng tìm hiểu các dấu hiệu trào ngược dạ dày đặc trưng qua bài viết dưới đây.

Dấu hiệu trào ngược dạ dày bạn nhất định phải biết Dấu hiệu trào ngược dạ dày bạn nhất định phải biết

Trào ngược dạ dày là căn bệnh phổ biến của xã hội hiện đại. Nếu không kịp thời nhận biết dấu hiệu trào ngược dạ dày, bệnh rất dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, trong đó có khả năng ung thư thực quản cao. Vicare mời bạn đọc cùng tìm hiểu các dấu hiệu trào ngược dạ dày đặc trưng qua bài viết dưới đây.

1. Trào ngược dạ dày là bệnh gì?

Trào ngược dạ dày hay còn gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal Reflux Disease - GERD) là tình trạng các chất trong dạ dày trào ngược theo từng đợt hoặc thường xuyên lên cổ họng hoặc ra miệng, gây khó chịu cho bệnh nhân. Các chất trong dạ dày chứa một lượng lớn dịch vị (axit HCl, pepsin...) và cả thức ăn. Niêm mạc thực quản không có khả năng chống lại độ pH quá thấp (quá axit) của các chất trào ngược từ dạ dày, lâu ngày dẫn đến loét, hẹp, chảy máu và cả ung thư. Dấu hiệu trào ngược dạ dày thường xảy ra 2 – 3 lần/tuần trở lên. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, bệnh hoàn toàn có thể cải thiện rất tốt và tránh được biến chứng nguy hiểm.

2. Nguyên nhân gây bệnh trào ngược dạ dày

Bình thường, các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản là hiện tượng sinh lý. Khi tình trạng trào ngược gây ra các triệu chứng khó chịu hoặc gây tổn thương thực quản được gọi là bệnh trào ngược dạ dày - thực quản.

Nguyên nhân gây bệnh hiện nay vẫn còn chưa rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng bệnh lý này có liên quan đến vai trò của cơ thắt thực quản dưới (cơ tại vị trí nối thực quản với dạ dày, mở ra khi nuốt thức ăn xuống và đóng khít lại sau đó) bị giảm trương lực cơ, dẫn đến đóng không khít làm thức ăn trào ngược lên thực quản khi dạ dày co bóp.

vicare.vn-dau-hieu-trao-nguoc-da-day-ban-nhat-dinh-phai-biet-body-1

Các tác nhân làm yếu hoặc gây giãn cơ thắt thực quản dưới, góp phần gây bệnh trào ngược dạ dày như: uống rượu bia, hút thuốc lá, ăn các loại thức ăn nhiều gia vị, dầu mỡ, cà phê, sôcôla, bệnh nhân béo phì, đái tháo đường, phụ nữ có thai, bệnh nhân bị thoát vị hoành, sử dụng các thuốc ví dụ: chẹn kênh canxi, theophylline, cholecystokinine, glucagon, aspirin, ibuprofen...

3. Dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản

3.1 Ợ nóng

Ợ nóng là dấu hiệu trào ngược dạ dày thường gặp nhất, các thành phần của dịch dạ dày trào ngược lên thực quản gây ra cảm giác nóng rát khi ợ lên. Vị trí nóng rát từ vùng thượng vị (vùng bụng phía trên rốn), lan ngược lên phía thực quản phía sau xương ức, đôi khi lên tận cổ họng. Ợ nóng thường xảy ra sau khi ăn, khi nằm xuống hoặc khi thực hiện các động tác chồm người về phía trước.

vicare.vn-dau-hieu-trao-nguoc-da-day-ban-nhat-dinh-phai-biet-body-2

3.2 Ợ chua

Vị chua là do các axit của dịch dạ dày trào ngược ra vùng hầu họng và bệnh nhân trào ngược dạ dày sẽ cảm nhận được lượng axit trào lên qua vị chua rất khó chịu.

3.3 Khó nuốt

Dấu hiệu bệnh trào ngược dạ dày này xuất hiện ở trên 1/3 số bệnh nhân, cảm giác thức ăn hoặc nước uống dừng lại, nghẹt lại tại vị trí phía sau xương ức ngay sau khi nuốt. Trường hợp bệnh nhân nuốt khó, thường bị mắc nghẹn thì nên cảnh giác các bệnh lý thực quản và ung thư thực quản.

3.4 Các dấu hiệu khác

Ngoài những dấu hiệu điển hình nêu trên, các dấu hiệu không điển hình khác vẫn xuất hiện ở bệnh trào ngược dạ dày như: Nuốt đau, Nôn, Ợ hơi, Ho khan không rõ nguyên nhân, khàn tiếng, đau họng, tăng tiết nước bọt, hen phế quản (do dịch vị bị trào ngược và tràn qua phổi gây ho dai dẳng)

Lưu ý: không có sự tỉ lệ thuận giữa các triệu chứng trào ngược dạ dày và các tổn thương, ví dụ: ợ nóng nhiều không có nghĩa là tổn thương nặng. Ngược lại, vẫn có rất nhiều trường hợp bệnh diễn biến âm thầm cho đến khi xuất hiện biến chứng nguy hiểm như: loét, xuất huyết, hẹp thực quản hay ung thư hóa.

4. Những biện pháp điều trị trào ngược dạ dày

4.1 Thay đổi lối sống

Không uống rượu bia, không hút thuốc lá, giảm lượng thức ăn trong mỗi bữa, chia thành nhiều bữa, tránh ăn nhiều gia vị và các đồ uống chứa cà phê... Một số thức ăn có làm giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới như: bạc hà, dầu mỡ, đồ chiên rán, nước ép chanh/cam/cà chua... Giảm cân nặng (nếu bệnh nhân béo phì). Không nằm ngay sau khi ăn, nên gối đầu cao hơn dạ dày, không mặc quần áo quá chật...

4.2 Điều trị nội khoa bằng thuốc

Thường có 4 nhóm thuốc và phải sử dụng theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.

  • Nhóm thuốc kháng acid: trung hòa acid của dịch dạ dày, kiểm soát được triệu chứng ợ nóng ở mức độ từ nhẹ tới vừa gồm: hydroxyd nhôm (Al(OH)3), hydroxyd magie (Mg(OH)2)...
  • Nhóm thuốc bảo vệ niêm mạc: Sucralfate, thuốc gắn với protein tạo thành lớp hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày và thực quản, giúp niêm mạc thực quản chống lại các tác nhân axit từ dạ dày. Chỉ định Sucralfat trong trường hợp trào ngược mức độ vừa đến nặng. Viên nén Sucralfate bắt buộc uống trước bữa ăn và trước lúc đi ngủ, tránh dùng thuốc nhóm antacid hoặc thuốc nhóm kháng histamin H2 vào 30 phút trước hoặc sau khi uống Sucralfat.
  • Nhóm thuốc điều hòa vận động: thuốc có tác dụng làm tăng trương lực cơ thắt thực quản dưới, tăng nhu động và đẩy nhanh tốc làm rỗng dạ dày. Thuốc cơ bản gồm: Metoclopramide, Cisapride... chỉ định điều trị ngắn ngày, uống 30 phút trước bữa ăn và trước lúc đi ngủ.
  • Nhóm thuốc ức chế tiết acid: có 2 nhóm là thuốc kháng histamin H2 và thuốc ức chế bơm proton (PPI)
  • Nhóm kháng histamin H2: giảm tiết dịch axit trong dạ dày, được hấp thu nhanh và dễ dàng qua hệ tiêu hóa, dùng để điều trị trường hợp trào ngược nhẹ và vừa gồm có: Cimetidine, Ranitidine, Famotidine, Nizatidine...
  • Nhóm ức chế bơm proton (PPI): ức chế giai đoạn cuối cùng của quá trình bài tiết axit vào dạ dày, thuốc nhanh chóng làm cải thiện triệu chứng, giảm tình trạng viêm loét thực quản và ngăn ngừa nguy cơ tái phát, gồm có: Omeprazole, Pantoprazole, Rabeprazole, Lansoprazole, Esomeprazole....

4.3 Điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật

Đối với bệnh lý trào ngược dạ dày, 80% bệnh nhân đáp ứng với điều trị nội khoa bằng thuốc. Trong các trường hợp biến chứng (chít hẹp thực quản, bệnh lý thực quản Barrett, ung thư hóa thực quản...) cần cân nhắc các thủ thuật điều trị qua nội soi hay phẫu thuật.

Không tự ý mua thuốc về dùng mà không có chỉ định của bác sĩ. Mỗi bệnh nhân có tình trạng bệnh lý khác nhau, không nên sử dụng lại đơn thuốc của người khác. Người bệnh cần được thầy thuốc chuyên khoa khám và chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp với bệnh trạng, giúp bệnh mau lành và hạn chế biến chứng nguy hiểm.

Xem thêm:

  • Trào ngược dạ dày thực quản là gì? Dấu hiệu và biến chứng
  • Có nên phẫu thuật khi bị trào ngược dạ dày?