Dấu hiệu đầu có chấy? Vậy chấy rận là gì?
Chấy rận kí sinh trên các vùng lông, tóc, gây khó chịu cho rất nhiều người. Vậy chấy rận là gì? Dấu hiệu đầu có chấy là như thế nào? Mời bạn đọc cùng HoiBenh tìm hiểu câu trả lời qua bài viết sau đây.
Dấu hiệu đầu có chấy? Vậy chấy rận là gì?
Chấy rận kí sinh trên các vùng lông, tóc, gây khó chịu cho rất nhiều người. Vậy chấy rận là gì? Dấu hiệu đầu có chấy là như thế nào? Cùng HoiBenh tìm hiểu qua bài viết sau.
Chấy rận là gì?
Chấy rận hay chí rận là loại kí sinh trùng, kích thước khoảng bằng hạt vừng, thường kí sinh ở vùng da đầu hay các vùng da có lông rậm rạp. Chấy rận không có cánh, sống nhờ hút máu của vật chủ là con người. Chúng không chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu mà còn có thể dẫn đến viêm da với các triệu chứng như sưng, đỏ, ngứa nhiều tại vị trí chúng kí sinh. Nguy hiểm hơn, theo một số nghiên cứu mới nhất, chấy rận còn có khả năng lây lan các bệnh truyền nhiễm. Điển hình trong đó là loài chấy làm lây lan bệnh dịch hạch được phát hiện tại Congo, hay loại chấy rận mang mầm bệnh gây sốt kí sinh trong tóc.
Chấy rận gồm 3 loại:
- Chấy: kí sinh tại da đầu của vật chủ (con người).
- Rận: ẩn náu trong quần áo, chiếu, ga gối,... những nơi có điều kiện vệ sinh còn thấp, con người không được tắm giặt thường xuyên. Sau đó rận di chuyển lên da người ở bất kì vị trí nào có thể bám để hút máu kí sinh.
- Rận mu: Thường kí sinh ở những vùng cơ thể có lông rậm rạp như vùng mu, lông mi, lông mày, lông ngực,...
Chấy rận có thể gặp ở tất cả độ tuổi, từ trẻ em đến người già. Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng có môi trường phù hợp để chấy rận kí sinh nhất. Và trên thực tế, số lượng trẻ em mắc chấy rận cũng là cao nhất trong các nhóm tuổi. Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC), ở Mỹ mỗi năm có khoảng 6 - 12 triệu trẻ em từ 3 - 11 tuổi có chấy. Đây cũng là độ tuổi khó giữ vệ sinh, lại sinh hoạt tập thể tại trường lớp nhiều, nên khả năng lây lan và khó kiểm soát cháy rận là rất cao. Đặc biệt khi mắc cũng khó điều trị dứt điểm, xóa ổ dịch.
Nguyên nhân gây chấy rận là gì?
Chấy rận lây lan bằng trứng hoặc bằng chính cá thể chấy. Khi bạn tiếp xúc với nguồn lây, là người mang chấy rận, hoặc các đồ dùng là nơi ẩn náu của chúng như quần áo, chăn, chiếu, cá thể chấy trưởng thành sẽ di chuyển và kí sinh tại những vị trí phù hợp, hoặc trứng chấy tiếp xúc với môi trường phù hợp (da đầu, tóc, vùng mu,...) sẽ tiếp tục phát triển và nở ra chấy. Thời gian để trứng chấy nở từ khi được sinh sản là khoảng 2 tuần. Lúc này, bạn sẽ mắc chấy rận.
Con đường lây truyền chấy rận đó là:
- Qua tiếp xúc trực tiếp đầu với đầu, cơ thể với cơ thể người mang chấy rận. Con đường này phổ biến ở trẻ em trong độ tuổi đi học, đặc biệt là ở nhà trẻ hoặc lớp học có bán trú, hoặc giữa các thành viên trong gia đình.
- Dùng chung lược, kẹp tóc, quần áo, mũ với người có chấy rận.
- Để chung quần áo với nhau.
- Tiếp xúc với các giường, ga, đệm,... mang chấy rận. Chấy rận có thể sống tới 2 ngày bên ngoài cơ thể con người để tìm một vật chủ khác và tiếp tục kí sinh.
- Rận mu lây truyền qua quan hệ tình dục với người mang rận mu.
Một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc chấy rận đó là:
- Trẻ em học ở trường, đặc biệt là nhà trẻ hay các lớp bán trú có nguy cơ lây chấy rận cao hơn do tiếp xúc trực tiếp với nhiều bạn bè, lại là đối tượng khó giữ vệ sinh thân thể và ý thức phòng bệnh chưa cao.
- Ít vệ sinh thân thể.
- Lâu giặt quần áo hoặc giặt chưa sạch, không phơi khô, để ẩm.
- Phòng ở không thoáng mát, ít được vệ sinh. Ga gối, chăn ít giặt giũ.
- Quan hệ tình dục không an toàn.
Dấu hiệu đầu có chấy
Khi chấy rận mới kí sinh, những triệu chứng ban đầu thường không rõ rệt. Vì vậy nhiều người không biết về tình trạng của bản thân. Chúng chỉ là những vị trí ngứa thoáng qua, hết ngứa khi gãi nhẹ, nên rất dễ lầm tưởng là cảm giác kích thích da đầu thông thường. Chỉ khi chấy rận đã kí sinh đủ lâu, sinh sản và lan rộng trên da đầu, bạn mới nhận thấy các dấu hiệu đầu có chấy. Đó là:
- Cảm giác dính hoặc như có con gì đó bò trên tóc, trên da đầu.
- Ngứa da đầu. Ngứa dữ dội từng cơn, cảm giác rất khó chịu. Đây là kết quả phản ứng của da đầu với nước bọt của chấy khi chúng tiết nước bọt để hút máu kí sinh. Thậm chí ngứa kèm theo đau nhức da đầu.
- Nổi mẩn đỏ ở các vị trí trên da đầu, đôi khi xuất hiện ở cả cổ và vai.
- Tìm thấy con chấy hoặc trứng chấy trên đầu, tóc khi gãi hoặc khi chải đầu, đôi khi là xuất hiện trên gối mà bạn vừa nằm.
- Khó chịu, bức bối, khó ngủ, mất ngủ,...
- Thậm chí có những vết loét với kích thước khác nhau trên da đầu. Hiện tượng này là do khi đầu có chấy, gây cảm giác ngứa, con người thường gãi và vô tình làm tổn thương da đầu, tạo những vết xước, chảy máu,... Vi khuẩn xâm nhập theo những vết thương hở đó mà gây nhiễm khuẩn, loét da.
Chẩn đoán và điều trị khi đầu có chấy
Để chẩn đoán xác định một người có mang chấy rận hay không, cách tốt nhất là tìm cá thể chấy hoặc trứng chấy trên cơ thể người đó, đặc biệt là tại vùng da đầu. Chấy rận thường tránh ánh sáng và lẩn trốn rất nhanh, vì vậy nên tìm chúng ngay sau khi làm ướt tóc hay gội đầu. Một số cách để phát hiện chấy, trứng chấy đó là:
- Qua khai thác thông tin từ người đến khám: có thể người mang chấy rận đã từng sờ thấy chấy, trứng chấy khi gãi đầu, hoặc trên ga gối khi ngủ dậy.
- Dùng kính lúp soi da đầu.
- Dùng đèn Wood - phương pháp chiếu sáng đặc biệt để tìm trứng chấy.
- Dùng lược có răng nhỏ, mảnh, sát khít nhau để chải. Khi đó, chấy và trứng chấy sẽ mắc lại giữa các răng lược. Loại lược này được gọi là lược bí.
Thông thường chúng ta khá dễ để nhận biết chấy và trứng chấy, dựa vào các dấu hiệu và cá thể thu thập được trên da đầu. Tuy nhiên, vẫn có thể nhầm lẫn với một số dị vật hay loại kí sinh trùng khác. Do đó nếu không chắc chắn việc cá thể trên đầu có phải là chấy hay không, thì nên nhờ tới nhân viên y tế.
Khi đã xác định có mang chấy rận, thì bạn hoàn toàn có thể điều trị tại nhà và chỉ cần kiểm tra lại khi đã hết lộ trình.
- Dùng các loại kem, lotion, dầu gội có dược chất tại vị trí xuất hiện chấy rận. Các loại thường được sử dụng là: permethrin dùng 1 lần; lindane, pyrethrins dùng trong 7 ngày. Các sản phẩm này nên dùng theo chỉ định của bác sĩ. Nếu tự sử dụng có thể quá liều, sai loại thuốc, dẫn đến tác dụng không mong muốn hoặc mẩn đỏ, ngứa da.
- Bắt chấy bằng lược bí, soi kính lúp bắt bằng tay hoặc nhíp.
- Giặt và phơi khô ráo chăn chiếu, ga gối, quần áo,... đảm bảo loại bỏ hoàn toàn chấy và trứng chấy khỏi các vật dụng thường ngày.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bạn nên đến khám bác sĩ và nhận được sự tư vấn, cũng như theo dõi tình trạng mắc chấy rận của bản thân:
- Dầu gội bạn đang sử dụng không diệt chết chấy rận, bác sĩ có thể theo dõi để đổi loại dầu gội khác có tác dụng diệt chấy mạnh hơn.
- Bạn đang mang thai và chưa từng sử dụng bất kỳ một loại dầu gội chống chấy rận nào trước khi gặp bác sĩ.
- Bạn có các nốt ban nhiễm trùng, trầy da do ngã, vì các trường hợp này có nguy cơ nhiễm khuẩn, loét da.
Thông thường nếu điều trị kịp thời và đúng theo phác đồ, chấy rận sẽ hết sau khoảng 7 - 10 ngày và không để lại di chứng gì.
Dự phòng mắc chấy rận
Các biện pháp sau đây có thể dự phòng lây lan, mắc mới, dự phòng diễn biến nặng hơn hoặc tái phát chấy rận:
- Hạn chế tiếp xúc da đầu - da đầu hoặc cơ thể - cơ thể với người mang chấy rận.
- Khi một người phát hiện mang chấy rận, cần kiểm tra dấu hiệu đầu có chấy của các thành viên khác trong gia đình để điều trị triệt để.
- Hạn chế cho trẻ đến trường, học lớp bán trú khi phát hiện trẻ bị chấy rận cho đến khi có sự đồng ý của bác sĩ.
- Tránh cho dầu gội dính vào lông mày, lông mi, mắt khi gội đầu.
- Giặt quần áo, giường chiếu, ga gối, thú bông, đồ nội thất bằng vải mà người mang chấy rận đã sử dụng khi bị chấy rận. Giặt bằng nước ở nhiệt độ khoảng 55 độ C, trong 20 phút, sấy khô bằng máy sấy nóng hoặc phơi dưới ánh nắng mặt trời. Vệ sinh nhà cửa, phòng ốc. Nếu quần áo cần giặt khô, để vào một túi nhựa đóng kín. Sau 2 tuần đem đi giặt.
- Ngâm lược, bàn chải ít nhất 1 giờ trong dầu gội trị chấy, thuốc sát trùng, nước nóng hay cồn sát trùng vết thương trước và sau khi chải đầu.
- Gặp bác sĩ ngay nếu sau 7 ngày điều trị không có dấu hiệu thuyên giảm, hoặc bạn đang mang thai, hay phát hiện người thân trong gia đình mắc mới.
Như vậy, dấu hiệu đầu có chấy nhận biết khá đơn giản. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách, thì chấy rận không còn quá nguy hiểm hay gây phiền toái cho con người nữa.
Xem thêm:
- Các cách trị ngứa da đầu cho trẻ nhỏ
- Nổi mẩn đỏ ở trẻ sơ sinh là dấu hiệu bệnh gì?
- 7 triệu chứng đau đầu cần gặp ngay bác sĩ