Dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh con so
Chuyển dạ đối với những mẹ bầu sinh con lần đầu, mẹ bầu lại càng bỡ ngỡ và lo lắng hơn. Hiểu được điều này, HoiBenh sẽ cung cấp cho các mẹ một số thông tin về dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh con so ở bài viết dưới đây.
Dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh con so
Chuyển dạ là gì?
Chuyển dạ là quá trình đẩy thai nhi và nhau thai ra khỏi buồng tử cung của cơ thể mẹ qua đường âm đạo. Chuyển dạ thường xảy ra vào tuần thứ 38 - 42 tuần, lúc này thai nhi đã đủ trưởng thành để có thể sống độc lập ngoài tử cung của mẹ.
Đẻ non là tình trạng chuyển dạ xảy ra sớm, từ tuần 28 - 37. Lúc này thai nhi cần được chăm sóc kỹ lưỡng, cẩn thận hơn vì thai nhi còn yếu, khả năng tự sống độc lập ngoài cơ thể mẹ còn kém, có thể mắc một số bệnh như nhẹ cân, vàng da, suy hô hấp...
Đẻ già tháng là tình trạng chuyển dạ xảy ra muộn hơn bình thường, quá 42 tuần thai thì được gọi là già tháng. Tình trạng này sẽ làm cho trẻ có nhiều nguy cơ như sinh khó, nguy cơ bệnh về hô hấp, ngạt thở,... Thường thì để đảm bảo sức khỏe cho bé cần đẻ mổ.
Dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh con so
Giai đoạn tiền chuyển dạ
Giai đoạn tiền chuyển dạ hay còn gọi là chuyển dạ giả. Là giai đoạn trước khi bước vào cuộc chuyển dạ thật, sẽ có một số thay đổi ở giai đoạn này để chuyển tiếp lên giai đoạn chuyển dạ.
Có hiện tượng sụt bụng
Trong những tuần thai cuối, do áp lực cơn co tử cung, ngôi thai bắt đầu cúi vào tiểu khung của người mẹ. Tầng sinh môn trước phồng to, dài. Tầng sinh môn sau giãn ra. Hậu môn cũng xóa hết các nếp nhăn. Sản phụ sẽ thấy bụng nhỏ đi, dễ thở hơn. Khi đo chiều cao tử cung có thể sẽ thấy giảm hơn.
Hay đi đái, dịch tiết âm đạo
Giai đoạn này, tử cung to, chèn ép bàng quang nhiều. Mẹ sẽ thấy đi tiểu nhiều hơn, dịch tiết âm đạo giai đoạn này cũng tiết nhiều hơn.
Ngừng tăng cân
Giai đoạn này, cân nặng của mẹ sẽ ngừng tăng hoặc có thể giảm 1 - 2kg là bình thường. Hiện tượng này có thể là do lượng nước ối giảm xuống, chuẩn bị sắp sinh.
Bị chuột rút, đau lưng, đau hông, đau xương chậu
Nhiều mẹ bầu có hiện tượng bị chuột rút, đau hai bên háng, đau lưng, thấy đau khó chịu vùng xương chậu. Do em bé đang thúc xuống, cúi vào phần tiểu khung để sắp ra ngoài. Nên mẹ sẽ thấy mệt mỏi, đau nhiều hơn.
Cơn co tử cung
Cơn co tử cung trong giai đoạn này khá nhẹ, ngắn và thưa. Đây là cơn co sinh lý trước khi chuyển dạ.
Cổ tử cung xóa mở
Cổ tử cung có thể xóa một phần hoặc có thể xóa hết. Thường thì những người đẻ con so, cổ tử cung chưa mở hết, chưa xóa hết. Còn những trường hợp sinh con lần hai trở lên, hay còn gọi là con rạ thì cổ tử cung có thể hé mở để lọt ngón tay ở giai đoạn tiền chuyển dạ.
Chuyển dạ được dựa vào 4 dấu hiệu chính sau đây:
Cơn co tử cung
- Cơn co tử cung là dấu hiệu quan trọng, khi thấy đau bụng tăng dần. Bạn có thể đặt tay lên bụng để cảm nhận cơn co tử cung. Trong cơn gò, mẹ sẽ thấy thành bụng khá căng, thử ấn xuống thì ko ấn được.
- Các cơn co tử cung tăng dần lên, từ nhẹ đến mạnh, từ mau đến thưa, từ ngắn đến dài, tần số cơn co tăng lên. Tầm khoảng 10 phút sẽ có 3 cơn co, mỗi cơn co tầm khoảng 20 giây. Các mẹ nên đi khám bác sĩ thường xuyên vào những tuần cuối này, để được đo cơn co, nhịp tim thai bằng máy theo dõi mornitoring, siêu âm.
- Cơn gò sẽ khiến các mẹ thấy đau vùng lưng, bụng dưới âm ỉ. Vùng xương chậu sẽ thấy hiện tượng căng cơ. Cơn đau chuyển dạ, sẽ gần giống với cơn đau bụng kinh nhưng đau nặng hơn.
Chất nhầy âm đạo
Sản phụ thấy chất nhầy như nhựa chuối ra từ âm đạo. Có thể có những dịch nhầy hồng âm đạo. Khi cổ tử cung xóa mở, dịch nhầy ở cổ tử cung sẽ theo ra ngoài. Nút nhầy ở cổ tử cung, ngăn vi khuẩn viêm nhiễm cho tử cung bong ra.
Cổ tử cung xóa mở
- Thăm khám lâm sàng, cổ tử cung xóa hết hoặc mở từ 2cm trở lên, lọt 2 ngón tay.
- Xóa cổ tử cung là lỗ trong giãn dần ra, làm cho cổ tử cung biến đổi từ hình trụ thành một phên mỏng. Khi cổ tử cung xóa hết, lúc này buồng tử cung và đoạn dưới trở thành ống cổ - đoạn.
- Mở cổ tử cung là lỗ ngoài cổ tử cung giãn rộng ra, ban đầu là 1cm đến khi mở hết là 10cm. Khi mở hết, thì tử cung, âm đạo thông thẳng và trở thành ống cổ - đoạn - âm đạo.
- Thời gian xóa mở cổ tử cung diễn ra không đều, xóa mở 4cm tầm khoảng 8 -10 giờ. Từ 5cm đến 10cm, từ 4 - 6 giờ. Tốc độ mở cổ tử cung trung bình khoảng 1cm/giờ.
- Con so và con rạ thời gian xóa mở cổ tử cung tốc độ khác nhau. Con so thì xóa hết rồi mới mở cổ tử cung. Con rạ thì vừa xóa vừa mở cổ tử cung, tốc độ tầm 5 - 7cm/giờ.
Đầu ối thành lập
Khi chuyển dạ, các cơn co tử cung sẽ dồn nước ối xuống, cực dưới túi ối sẽ dãn dần ra, tạo thành đầu ối.
Một số dấu hiệu khác báo hiệu chuyển dạ
Rò ối
- Rò ối là dấu hiệu sớm của vỡ ối. Có thể chưa đến tuần thai sinh hoặc đến sớm. Các mẹ nên lưu ý vì nước ối có thể nhầm với nước tiểu.
- Nhưng rò rỉ nước ối thì tốc độ chậm hơn, nước ối không có màu, trắng trong, có thể không có mùi hoặc mùi tanh. Có thể phân biệt bằng giấy quỳ để xem độ pH. Nước ối sẽ kiềm hơn nên quỳ sẽ chuyển sang màu xanh. Nước ối thì ra từ đường âm đạo còn nước tiểu sẽ ra từ lỗ tiểu, tuy nhiên 2 lỗ này khá gần nhau, và còn ở dưới thấp, nên khá khó phân biệt.
- Nước tiểu thì có màu vàng hơn, có mùi khai, tốc độ chảy nhanh hơn. Nước tiểu thì hơi trung tính hoặc hơi acid.
Chuyển dạ là quá trình vượt cạn của mẹ bầu, quá trình cuối cùng của một chu kỳ thai nghén. Lúc này là lúc quan trọng nhất, cũng là lúc khó khăn nhất của người mẹ, nhất là những mẹ bầu mang thai con so. Mong rằng bài viết này, HoiBenh đã cung cấp cho các mẹ những thông tin hữu ích về dấu hiệu chuyển dạ sinh con. Chúc các mẹ vượt cạn thành công.
Xem thêm:
- 6 dấu hiệu thông báo mẹ bầu sắp chuyển dạ
- Mách mẹ mẹo chuyển dạ sớm sinh dễ như ăn cháo
- Mẹ bầu nên ăn gì để chuyển dạ sớm