Đau bụng kinh và những điều cần biết
Rất nhiều bạn gái vẫn âm thầm chịu đựng những đợt đau bụng kinh dai dẳng hàng tháng, tuy nhiên, liệu mấy ai hiểu rõ về "nỗi ám ảnh" thực sự này.
Đau bụng kinh và những điều cần biết
“Đến tháng” chắc hẳn là cụm từ không mấy xa lạ đối với các bạn gái. Thậm chí, có thể gọi là "nỗi ám ảnh" đối với đại bộ phận chị em phụ nữ. Những ngày này, ngoài việc phải thường xuyên phải chăm sóc “cô bé” cẩn thận và chu đáo hơn, phái đẹp chúng ta còn đối mặt với những cơn “đau bụng kinh” mỗi khi đến chu kì. Vicare hiểu rằng, rất nhiều bạn gái vẫn âm thầm chịu đựng những đợt hành kinh "đáng sợ" như vậy hàng tháng. Và nó sẽ cứ mãi bám theo bạn cả đời, nếu các nàng không tự tìm hiểu những điều cần biết sau đây, và rút ra những kinh nghiệm dự phòng, cải thiện và chăm sóc bản thân hợp lý.
1. Đau bụng kinh là gì?
Đau bụng kinh là trạng thái đau bụng trong chu kì kinh nguyệt với mức độ mạnh yếu khác nhau ở từng thời điểm và tùy vào thể trạng của từng người. Hiện tượng này thường xuất hiện ở bụng dưới, thắt lưng trước và diễn ra trước, trong và sau kì kinh nguyệt. Mức độ đau ở từng người là khác nhau. Người bị nhẹ chỉ đau âm ỉ ở bụng, lưng, đôi khi buồn nôn và lạnh tay chân. Người bị nặng hơn có thể thấy đau bụng dữ dội, sắc mặt tái đi, chân tay lạnh, thậm chí có thể dẫn đến hôn mê.
2. Nguyên nhân gây ra đau bụng kinh
- Do một số vấn đề về của tử cung: Áp lực co thắt tử cung của người đau bụng hành kinh và người bình thường cơ bản là giống nhau (vào khoảng 4.9 Kpa). Nhưng trong kì hành kinh, cơn co thắt thường kéo dài và không dễ dàng thả lỏng lại bình thường nên tử cung bị co thắt quá độ. Từ đó dẫn đến tình trạng thiếu máu, kéo theo sự co thắt của nhiều cơ khác dẫn đến đau bụng kinh. Mặt khác, vị trí của tử cung không bình thường: tử cung ngả về phía sau hoặc lùi về phía trước khiến máu khó lưu thông; hay cấu tạo cổ tử cung nhỏ hẹp làm cho máu khó thoát ra ngoài. Những điều này đều là nguyên nhân gây ra những cơn đau bụng kinh của chị em phụ nữ.
- Do các chị em phụ nữ mắc phải một số căn bệnh phụ khoa như: vị trí nội mạc tử cung bất thường, u xơ tử cung, viêm vùng chậu, viêm lộ tuyến cổ tử cung...
- Ngoài ra, đau bụng kinh còn do một số yếu tố bên ngoài tác động như: tác dụng phụ của việc đặt vòng; vận động mạnh, ăn đồ lạnh trong kì hành kinh; môi trường sống bị ô nhiễm hoặc lối sống không lành mạnh,ăn uống nghỉ ngơi không hợp lý.
>>> Xem thêm: Đau bụng kinh kéo dài bao lâu thì hết?
3. Điều trị hiệu quả đau bụng kinh
Một số cách giảm đau tự nhiên
- Dùng nước ấm chườm vào bụng dưới.
- Kiêng ăn đồ lạnh, cay trong kì hành kinh.
- Tránh vận động mạnh, có chế độ ăn uống nghỉ ngơi phù hợp.
- Uống nhiều nước lọc, hạn chế đồ uống có cồn hoặc chất kích thích.
Chữa đau bụng kinh bằng thuốc
- Sử dụng những loại thuốc chống viêm không có steroid, thuốc giảm đau hay thuốc tránh thai để hạn chế tình trạng mất máu và những cơn đau bụng trong chu kì kinh nguyệt.
- Thuốc giảm đau có ưu điểm là cắt cơn đau nhanh. Tuy nhiên dùng lâu dài có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như: viêm loét dạ dày tá tràng, biến chứng thủng dạ dày ở người bị viêm loét dạ dày, viêm gan, viêm thận kẽ, hoại tử thận, cơn hen giả, kéo dài thời gian chảy máu, thậm chí là nhồi máu cơ tim... Hơn nữa, khi dùng thường xuyên có thể gây “hội chứng không rụng trứng” mặc dù vẫn có chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Đây là một trong những nguyên nhân gây vô sinh.
- Thuốc tránh thai mặc dù cho hiệu quả rõ rệt, đồng thời có tác dụng tránh thai và điều hòa kinh nguyệt nhưng nếu kéo dài liên tục sẽ khiến buồng trứng người phụ nữ bị ức chế quá lâu, không có hiện tượng rụng trứng, tuyến yên không có nội tiết để làm cho buồng trứng hoạt động, dẫn đến hàng loạt các bệnh phụ khoa như rối loạn nội tiết,.... và nghiêm trọng hơn cả là tình trạng buồng trứng bị teo dần dễ dẫn đến vô sinh. Hơn nữa, đây cũng không phải là những cách “triệt” đau bụng kinh vĩnh viễn mà chỉ có tác dụng ngăn chặn tức thời những đau đớn của hiện tượng đau bụng kinh.
Chế độ ăn uống điều độ giúp giảm đau bụng kinh
- Nên lựa chọn những thực phẩm dễ tiêu hóa, nhiều Vitamin A hoặc chất xơ, các loại rau xanh như súp lơ, cải bắp, các loại trái cây...Ưu tiên những thực phẩm có tính ấm như trứng gà, thịt lơn, thịt dê, mộc nhĩ, gừng ...Tránh những thực phẩm, gia vị có tính axit, lạnh, cay.
- Uống nhiều nước, trung bình 2L/ngày. Việc uống nhiều nước sẽ giúp máu lưu thông dễ hơn, đào thải chất độc ra khỏi cơ thể và giảm triệu chứng đau bụng kinh.
- Tránh xa các chất kích thích như rượu, bia ,cà phê ,nước chè...
- Nghỉ ngơi, tập luyện thường xuyên, tập thể dục thể thao hợp lý cũng là cách cải thiện đau bụng kinh hiệu quả.
- Tránh làm việc nặng nhọc hoặc ngồi lâu một chỗ. Thay vào đó nên tập những bài yoga nhẹ nhàng giúp máu lưu thông dễ dàng hơn.
- Luôn giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là vùng bụng. Có thể dùng nước ấm chườm vào bụng dưới hoặc 2 bắp đùi để bớt đau.
- Nên dùng nước ấm pha thêm muối khi tắm hoặc vệ sinh vùng kín, vừa sạch sẽ, thư giãn cơ bắp và giảm đau bụng kinh.
- Luôn giữ tinh thần thoải mái, thư giãn, hạn chế căng thẳng và stress.