Con gái có ria mép - sức khoẻ có vấn đề gì không?

Con gái có ria mép có nhiều nguyên nhân, có thể do hormone giới tính, do di truyền, do tác dụng phụ của thuốc,... Có ria mép làm cho nhiều bạn gái thấy tự ti trong giao tiếp, buồn phiền trong cuộc sống.

Con gái có ria mép - sức khoẻ có vấn đề gì không? Con gái có ria mép - sức khoẻ có vấn đề gì không?

Con gái có ria mép là do chứng tăng lông

Ria mép là một biểu hiện của chứng tăng lông ở phụ nữ, với biểu hiện mọc nhiều lông bất thường ở các vùng như mép, gò má, quanh núm vú, giữa ngực, từ mỏ ức đến rốn, từ rốn đến mu, tay chân... Theo nhiều nghiên cứu, phụ nữ Trung Đông, Nga, Nam Âu bị chứng tăng lông nhiều hơn phụ nữ châu Á. Tăng lông có thể kèm theo trứng cá hoặc một số triệu chứng khác gọi là “nam giới hóa”: Giọng nói trầm ồ ồ, tác phong, tính tình cứng rắn, thậm chí vô kinh. Nhưng đại đa số chứng tăng lông là lành tính, không gây cảm giác và ảnh hưởng gì xấu đến sức khỏe, nhưng lại ảnh hưởng đến tâm lý của rất nhiều bạn gái, khiến họ buồn phiền, thiếu tự tin trong giao tiếp, nhất là khi phải mặc áo ngắn tay, quần cộc (đi tắm biển, tập thể thao thể dục nơi công cộng).

Nguyên nhân của chứng tăng lông

Nguyên nhân của chứng tăng lông này thường phức tạp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mọc ria mép ở các bạn gái. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ và làm bạn gái thiếu tự tin chứ không ảnh hưởng đến chuyện lệch lạc giới tính như nhiều bạn gái hiểu lầm. Trong đó, nguyên nhân thường gặp nhất là do di truyền. Có nghĩa là bạn gái thừa hưởng sự “rậm rạp” này từ bố mẹ.

Một thủ phạm khác cũng gây chuyện râu ria đáng buồn này cho phái đẹp là do sự mất cân bằng các hormone trong cơ thể. Sự mất cân bằng này có thể là do sự rối loạn chức năng tuyến thượng thận, buồng trứng, tuyến yên, làm tăng nồng độ nội tiết tố nam (testosteron) trong máu, dẫn đến kích thích mọc nhiều lông ở một số vùng phụ thuộc. Như chúng ta đã biết, trong cơ thể nam và nữ đều tồn tại cả hai loại hormone giới tính là testosterone và estrogen. Với nam, hormone testosterone thường áp đảo hơn, còn trong cơ thể bạn gái, hormone estrogen luôn luôn chiếm thế thượng phong. Khi “bộ máy” sản xuất hormone nữ (tuyến thượng thận và buồng trứng) ở bạn gái gặp trục trặc, khiến lượng hormone nam hoạt động mạnh, bạn gái cũng sẽ có... râu.

Có trường hợp tăng lông do u lành tính hoặc ác tính ở buồng trứng, thượng thận, tuyến yên (thường biểu hiện bằng tăng lông mạnh rải rác ở nhiều vùng, kèm theo nhiều triệu chứng toàn thân khác...).

Bên cạnh đó, khi mắc các bệnh nội tiết như: Cushing, bệnh tuyến giáp... bạn gái cũng có thể gặp vấn đề với lông trên mép.

Ngoài ra, tác dụng phụ của thuốc (thuốc chứa corticoide – thường là các loại thuốc trị mụn, thuốc ngừa thai...) cũng có thể gây mọc ria mép ở bạn gái.

con-gai-co-ria-mep-noi-len-dieu-gi-cua-suc-khoe

Ảnh minh họa.

Chọn cách “triệt” hiệu quả

Trong thời đại mà công nghệ làm đẹp phát triển như hiện nay, việc “triệt” phần râu ria khó ưa này đối với các bạn gái không khó. Tuy nhiên, tùy vào cơ địa mỗi người và nguyên nhân gây “bệnh” mà các nàng có thể lựa chọn biện pháp xử lý phù hợp.

+ Kem rụng lông có chứa chất có khả năng bẻ gãy các liên kết của sợi ria khiến chúng tự rụng nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng được loại kem này, nhất là với những bạn gái có làn da nhạy cảm.

+ Cạo bằng dao cạo là biện pháp tiện lợi nhưng lại khiến nhiều nàng khó xử hơn bởi vùng mép bạn gái thường sẫm màu hơn so với các vùng da còn lại trên mặt. Sau khi cạo, lớp ria mới mọc thường sậm màu và cứng hơn lớp ria cũ nên gây mất thẩm mỹ.

+ Wax hay thoa thuốc làm nhạt màu lông... cũng là biện pháp được nhiều bạn gái lựa chọn, tuy nhiên, cách này thường gây kích ứng da.

+ Các phương pháp tẩy lông vĩnh viễn như: Đốt điện, điện phân, laser... cũng rất tốt. Tuy nhiên, chúng rất dễ để lại sẹo. Vì vậy, trước khi áp dụng biện pháp này, bạn gái cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể.

Lời kết

Trước khi áp dụng bất kỳ biện pháp tẩy ria nào, bạn gái nên đi khám để xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng này. Bởi, trong một số trường hợp, tình trạng mọc ria sẽ tự khỏi sau khi giải quyết các vấn đề liên quan. Ví dụ nếu bị mọc ria do tình trạng mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể (do “trục trặc” ở thượng thận hay buồng trứng) thì chỉ cần điều trị dứt điểm tình trạng mất cân bằng, bộ ria mọc bất thường cũng dần dần biến mất.

Trong trường hợp ria mép xuất hiện do tác dụng phụ của thuốc, khi ngưng sử dụng loại thuốc gây tác dụng phụ một thời gian, tình trạng mọc ria mép cũng sẽ được cải thiện. Riêng với yếu tố di truyền, không có cách điều trị hiệu quả. Tốt nhất, bạn gái cần tỉnh táo để có được giải pháp phù hợp với mình.

Theo Web Phụ Nư

Xem thêm:

  • 3 cách trị ria mép đơn giản hiệu quả từ tự nhiên
  • Top 5 cách trị ria mép ở phụ nữ bạn nhất định nên biết