Có thể mang thai khi mắc bệnh lạc nội mạc tử cung không?

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý lành tính nhưng có thể gây ra nhiều bất tiện và đau đớn cho người bệnh mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt. Một điều nữa mà chị em phụ nữ thường băn khoăn là có thể mang thai khi mắc bệnh lạc nội mạc tử cung không? Hãy theo dõi bài viết sau đây.

Có thể mang thai khi mắc bệnh lạc nội mạc tử cung không? Có thể mang thai khi mắc bệnh lạc nội mạc tử cung không?

Lạc nội mạc tử cung là bệnh gì?

Nội mạc tử cung là lớp lót bên trong tử cung, có nhiệm vụ bảo vệ thai nhi tránh khỏi những tác động từ bên ngoài. Khi phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt, lớp nội mạc này thường bong ra và sẽ được tái tạo lại sau đó.

Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi các mô hay tế bào nội mạc xuất hiện bên ngoài tử cung, khiến cho người bệnh gặp phải những cơn đau, ra máu nhiều trong mỗi kỳ kinh nguyệt. Mặc dù là một căn bệnh lành tính, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của người bệnh.

Theo thời gian, lớp lạc nội mạc tử cung ngày càng dày thêm khiến cho các triệu chứng đau bụng kinh ngày càng dữ dội hơn, có thể gây ra rối loạn kinh nguyệt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc thụ thai của phụ nữ trở nên khó khăn hơn do tinh trùng khó đi vào buồng trứng. Bệnh cũng có thể làm giảm chất lượng trứng cũng như khả năng thụ tinh và khả năng di chuyển của tinh trùng.

Nguyên nhân chính xác của bệnh vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên có một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những phụ nữ có nồng độ estrogen trong cơ thể cao có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người có nồng độ estrogen thấp. Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng tỷ lệ người mắc bệnh tăng lên cũng có liên quan đến yếu tố di truyền.

HoiBenh.vn-co-the-mang-thai-khi-mac-benh-lac-noi-mac-tu-cung-khong-body-2
Lạc nội mạc tử cung cũng có liên quan đến yếu tố di truyền

Có thể mang thai khi mắc bệnh lạc nội mạc tử cung không?

Theo các chuyên gia nghiên cứu, có khoảng 10 - 15% phụ nữ bị vô sinh do lạc nội mạc tử cung, nhất là với trường hợp lớp mô dày và dính chặt vào nhau. Lạc nội mạc tử cung cũng là một căn bệnh rất khó để điều trị dứt điểm và có khả năng tái phát lại. Các triệu chứng của bệnh thường dễ bị nhầm lẫn nên khiến nhiều chị em chủ quan không thăm khám, để đến khi lớp nội mạc ngày càng dày hơn thì cơ hội mang thai cũng thấp hơn.

Vậy có thể mang thai khi mắc bệnh lạc nội mạc tử cung không? Câu trả lời là không phải cứ mắc lạc nội mạc tử cung là có thể gây vô sinh. Nếu bệnh vẫn còn ở giai đoạn sớm thì chị em vẫn có khả năng mang thai. Nhưng khi lớp nội mạc dày lên thì khả năng gây vô sinh là rất lớn. Lúc này sẽ cần phải sử dụng các phương pháp can thiệp để thụ thai.

Khả năng mang thai của phụ nữ mắc lạc nội mạc tử cung

Khi phát hiện mình bị lạc nội mạc tử cung, trước khi chuẩn bị mang thai, bạn nên đến bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán tình trạng bệnh. Thông thường, các bác sĩ sẽ khuyên bạn để có thai tự nhiên trong vòng 6 tháng. Nếu không thụ thai, bạn có thể tìm gặp các bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn. Một số phương pháp thụ thai cho những người bị lạc nội mạc tử cung:

  • Bảo quản trứng: Lạc nội mạc tử cung có thể ảnh hưởng đến dự trữ buồng trứng. Do vậy, bạn nên bảo quản trứng ngay nếu muốn có thai sau này.
  • Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI): Phương pháp này được áp dụng cho những phụ nữ có ống dẫn trứng bình thường, lạc nội mạc tử cung nhẹ, người chồng có chất lượng tinh trùng tốt. Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ kê thuốc điều trị Clomiphene và thuốc tiêm Progestin. Đây là những loại thuốc giúp người bệnh sản xuất 2 - 3 quả trứng trưởng thành. Khi trứng đã trưởng thành, bác sĩ sẽ tiến hành bơm tinh trùng vào buồng tử cung của bạn.
  • Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF): đây là phương pháp hỗ trợ sinh sản mang lại hiệu quả tốt nhất cho những bệnh nhân lạc nội mạc tử cung. Phương pháp này bao gồm việc lấy trứng từ buồng trứng của người phụ nữ và tinh trùng của người chồng, thụ tinh bên ngoài cơ thể và cấy vào tử cung. Tuy nhiên, IVF được khuyến cáo cho những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung ở mức độ trung bình đến nặng hoặc với những trường hợp không thành công trong những phương pháp điều trị khác.

Thông thường, tử cung của những phụ nữ mắc lạc nội mạc tử cung đủ tiêu chuẩn để nuôi dưỡng thai nhi, trừ một số trường hợp đặc biệt lạc nội mạc tử cung trầm trọng không chỉ ở vòi tử cung, buồng trứng mà còn lan rộng ra toàn bộ tử cung. Lúc này người mẹ phải tính đến phương pháp mang thai hộ. Tuy nhiên trường hợp này thì rất ít.

HoiBenh.vn-co-the-mang-thai-khi-mac-benh-lac-noi-mac-tu-cung-khong-body-3
Lạc nội mạc tử cung có thể ảnh hưởng đến dự trữ buồng trứng

Điều trị lạc nội mạc tử cung

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và nguyện vọng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị bệnh thích hợp. Một số phương pháp điều trị bệnh có thể kể đến như:

  • Sử dụng thuốc giảm đau: Phương pháp này không thể điều trị dứt điểm bệnh được mà chỉ giúp bạn giảm bớt các cơn đau khó chịu. Bạn có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường. Trong trường hợp đau quá mức thì có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau mạnh theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Liệu pháp hormone: Bổ sung nội tiết tố cũng là một cách để giảm đau hữu hiệu và có thể ngăn chặn được sự tăng trưởng của các mô nội mạc tử cung phát triển phía bên ngoài. Phương pháp được áp dụng phổ biến nhất là sử dụng thuốc ngừa thai hoặc các loại hormone phối hợp chứa progesterone. Tuy nhiên đây cũng không phải là phương pháp có thể điều trị lâu dài.
  • Phẫu thuật: Đây là phương pháp có thể giúp bạn điều trị được tận gốc những cơn đau, loại bỏ hoàn toàn các triệu chứng và giúp bạn tăng khả năng thụ thai. Ở phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi để loại bỏ các tế bào lạc nội mạc tử cung. Vì là nội soi nên vết mổ rất nhỏ, không ảnh hưởng nhiều đến tính thẩm mỹ của người bệnh. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp phải mổ hở thì vết mổ sẽ lớn hơn.

Xem thêm:

  • Lạc nội mạc tử cung - căn bệnh dẫn đến vô sinh
  • Viêm nội mạc tử cung - căn bệnh nguy hiểm đối với phụ nữ
  • Lạc nội mạc tử cung nên ăn uống thế nào để tốt cho sức khỏe?