Có thai ngoài tử cung nguy hiểm thế nào?
Nhiều chị em sau khi đi khám thai hoặc xem kết quả của bạn bè, người thân được bác sĩ chẩn đoán là thai ngoài tử cung. Tuy nhiên chị em vẫn không biết rõ có thai ngoài tử cung là sao? Bài viết sau đây sẽ giúp chị em phần nào định hình được khái niệm này.
Có thai ngoài tử cung nguy hiểm thế nào?
Có thai ngoài tử cung là sao?
Thai ngoài tử cung (Grossese Extra Uterine - GEU) là trường hợp trứng được thụ tinh, làm tổ và phát triển ở ngoài buồng tử cung.
Tần suất: thai ngoài tử cung chiếm 1-2% thai nghén. Đây là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong sản khoa trong 3 tháng đầu thai kỳ (4-10%). Tuy nhiên tỷ lệ tử vong mẹ giảm trong những năm trở lại đây do chẩn đoán sớm và điều trị sớm.
Tỷ lệ thai ngoài tử cung tăng có liên quan tới các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là nhiễm Chlamydia trachomatis, viêm nhiễm tiểu khung, tiền sử nạo phá thai, sử dụng một số biện pháp tránh thai như đặt dụng cụ tử cung hay mẹ lớn tuổi...
Có thai ngoài tử cung là tình trạng y khoa có thể đe dọa tính mạng thai phụ, thai lạc chỗ không thể giữ lại và buộc phải loại bỏ.
Xác định có thai ngoài tử cung bằng dấu hiệu nào?
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
- Có các dấu hiệu có thai (có quan hệ, trễ kinh, test thử thai dương tính).
- Đau đột ngột dữ dội, có thể người lạnh vã mồ hôi, chân tay lạnh.
- Ra huyết âm đạo màu sẫm và kéo dài.
- Siêu âm không thấy túi thai trong lòng tử cung, có khối cạnh tử cung, có dịch ổ bụng,
- Chọc dò túi cùng Douglas có máu không đông.
Nguyên nhân có thai ngoài tử cung
Nguyên nhân có thai ngoài tử cung bao gồm tất cả những nguyên nhân ngăn cản hoặc làm chậm cuộc hành trình của trứng qua vòi tử cung (vòi trứng) để vào buồng tử cung. Thường gặp là do biến dạng và thay đổi nhu động vòi tử cung:
- Viêm vòi tử cung (hay gặp nhất).
- Các khối u trong lòng hoặc bên ngoài đè ép.
- Dị dạng vòi tử cung, hoặc vòi tử cung bị co thắt bất thường.
- Xơ dính do phẫu thuật đã thực hiện trước đó trên vòi tử cung, các phẫu thuật vùng bụng, hoặc hậu quả của lạc nội mạc tử cung.
- Thuốc ngừa thai đơn thuần progestin.
- Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như kích thích rụng trứng bằng Gonadotropin, thụ tinh trong ống nghiệm...
- Tiền sử vô sinh.
Phân loại thai ngoài tử cung theo vị trí
Thai ngoài tử cung có thể là ở vòi tử cung, buồng trứng hoặc trong ổ bụng, trong ống cổ tử cung. Thai ở buồng trứng và trong ổ bụng rất hiếm gặp.
- Vòi tử cung: 95 - 98% (cao nhất)
- Buồng trứng: 0.7 - 1%
- Ống cổ tử cung: 0.5 - 1%
- Ổ bụng: hiếm gặp
Nếu thai ở vòi tử cung, phôi có thể làm tổ ở 4 vị trí khác nhau:
- Đoạn bóng: 78%
- Đoạn eo: 12%
- Đoạn loa: 5%
- Đoạn kẽ: 2%.
Vì sao thai ngoài tử cung nguy hiểm?
Tỉ lệ thai ở vòi tử cung chiếm 95-98%. Vòi tử cung không đảm bảo cho thai làm tổ, vì niêm mạc của vòi tử cung ít biến đổi so với niêm mạc tử cung và lớp cơ vòi tử cung rất mỏng, do đó thai chỉ phát triển được một thời gian ngắn rồi những biến chứng sẽ xảy ra như:
- Vỡ vòi tử cung: do gai rau ăn sâu vào lớp cơ làm thủng vòi tử cung hoặc do vòi tử cung căng to gây vỡ vòi, đồng thời các nhánh mạch máu cũng bị vỡ gây chảy máu vào ổ bụng.
- Sẩy thai: vì thai làm tổ lạc chỗ nên dễ bị bong ra gây sẩy và chảy máu.
Xử trí thai ngoài tử cung
Nguyên tắc điều trị:
- Giải quyết khối thai ngoài tử cung.
- Giảm tối đa lý lệ tử vong người mẹ.
- Ngừa tái phát thai ngoài tử cung.
- Duy trì khả năng sinh sản.
Thai ngoài tử cung chưa vỡ:
Điều trị nội khoa
Điều kiện:
- Khối thai ngoài tử cung chưa vỡ.
- Lượng dịch trong ổ bụng dưới 100ml.
- Đường kính khối thai dưới 3.5cm.
- Chưa thấy tim thai trên siêu âm.
- Nồng độ ßhCG không vượt quá 6000 mIU/ml.
- Bệnh nhân không có chống chỉ định với Methotrexate.
Phẫu thuật
- Điều trị tận gốc: cắt bỏ vòi tử cung đến sát góc tử cung và giữ lại buồng trứng, lau sạch ổ bụng, nếu sản phụ đã sinh con nhiều lần và/hoặc sản phụ có tiền sử thai ngoài tử cung nhiều lần (không mong muốn sinh thêm con) thì cắt bỏ luôn vòi tử cung bên đối diện.
- Điều trị bảo tồn: chỉ đặt ra với những bệnh nhân còn trẻ, chưa có con, tình trạng vòi tử cung bên kia bất thường và tổn thương vòi tử cung cho phép xẻ vòi tử cung, hút hoặc lấy bọc thai ra.
Phẫu thuật nội soi
Là thủ thuật loại bỏ khối thai mà không cần phải cắt bỏ bất kì phần nào của vòi tử cung. Phương pháp này chỉ thích hợp khi phát hiện sớm thai ngoài tử cung và vòi tử cung chưa vỡ. Tiến hành khi bệnh nhân hôn mê tổng thể, sử dụng một ống nhỏ có gắn camera và đèn đưa qua vết mổ nhỏ.
Thai ngoài tử cung đã vỡ
- Phải ngay lập tức và nhanh hết sức có thể chuyển sản phụ vào bệnh viện cấp cứu.
- Mổ ngay không trì hoãn, mổ càng sớm càng tốt, vừa mổ vừa hồi sức tích cực bằng truyền máu, truyền dịch.
Thai trong ổ bụng
- Nếu thai đã chết phải phẫu thuật lấy khối thai ra ngoài.
- Nếu thai còn sống, phải phẫu thuật ngay vì nguy cơ xuất huyết trong ổ bụng rất cao. Lúc mổ lấy nhau chỉ lấy phần dễ lấy, không cố gắng lấy phần nhau bám chặt vào các cơ quan trong ổ bụng vì nguy cơ gây chảy máu rất nhiều. Phần thai còn lại sẽ tự hủy không cần can thiệp.
Thời gian phục hồi sau điều trị thai ngoài tử cung
- Phẫu thuật nội soi bụng: có thể về nhà ngay trong ngày, thời gian phục hồi khá nhanh nên đa số chị em đều có thể đi được. Cần từ 7-14 ngày sau là có thể tham gia vào các hoạt động bình thường, hồi phục hoàn toàn sau khoảng một tháng.
- Phẫu thuật mổ hở: bệnh nhân phải nằm viện nhiều ngày vì vết cắt khá dài, ảnh hưởng tới chức năng hoạt động của ruột. Bệnh nhân chỉ được uống nước trong buổi sáng sau khi phẫu thuật. Ăn thực phẩm rắn trong vòng 24-36 giờ sau đó. Vết mổ cần tới 6 tuần để lành hẳn.
- Một số ca không lấy hết khối thai, chị em vẫn phải nhận sự giám sát y tế để đảm bảo quá trình thai tự hủy.
Những lưu ý sau khi điều trị thai ngoài tử cung
- Hạn chế tập thể dục hoặc vận động quá mạnh, tránh các chuyển động làm căng hay kéo giãn vết mổ. Không nâng vật có khối lượng trên 9kg trong tuần lễ đầu tiên. Di chuyển chậm rãi khi leo cầu thang, không nên chạy.
- Có thể bị táo bón do phẫu thuật ảnh hưởng chức năng ruột, ngoài một số chỉ định dùng thuốc hỗ trợ của bác sĩ, bạn nên ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, ăn ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả rau xanh.
- Bắt buộc phải tái khám định kì theo lịch hẹn của bác sĩ.
- Báo cho bác sĩ khi có các biểu hiện sau:
- Sốt cao trên 38 độ C
- Ra huyết trắng âm đạo có mùi tanh hoặc mùi hôi nồng.
- Xung quanh vết mổ hay vết sẹo nổi các cục u màu đỏ hoặc sờ thấy nóng, vết mổ rỉ dịch.
- Buồn nôn và/hoặc nôn, chóng mặt hoặc ngất xỉu.
- Hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng biện pháp tránh thai: do điều trị thai ngoài tử cung, có một số biện pháp tránh thai không được sử dụng ví dụ: vòng tránh thai hoặc thuốc tránh thai chỉ chứa progesteron.
Xem thêm:
- Làm thế nào để phát hiện thai ngoài tử cung?
- Thai ngoài tử cung vỡ ảnh hưởng như thế nào và cách xử lý?