Có những dấu hiệu này, ngừng ngay tập thể dục vì có thể bạn mắc bệnh tim

Khi tập thể dục thể thao, nếu thấy có một số triệu chứng lạ, có thể là bạn đã bị mắc bệnh tim. Lúc này, bạn nên dừng tập ngay và tìm đến bác sĩ sớm nhất có thể. Nếu bị chẩn đoán là mắc bệnh tim, bạn vẫn có thể tập thể thao, nhưng nên chọn những môn thể thao tốt cho người bệnh tim.

Có những dấu hiệu này, ngừng ngay tập thể dục vì có thể bạn mắc bệnh tim Có những dấu hiệu này, ngừng ngay tập thể dục vì có thể bạn mắc bệnh tim

Các dấu hiệu cảnh báo bạn bị bệnh tim khi tập thể dục

Tập thể dục thể thao là rất quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người. Tập thể dục giúp tăng tuần hoàn máu, giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, và tăng cường cơ bắp. Tuy nhiên, khi tập thể dục thể thao, nếu bạn thấy những dấu hiệu sau, thì có thể bạn đã bị bệnh tim. Khi có triệu chứng này, bạn nên đến bác sĩ kiểm tra sức khỏe tim mạch của mình:

  • Khó chịu vùng ngực: Các cơn đau tim thường bắt đầu với cơn đau dữ dội ở vùng ngực. Tuy nhiên, có thể bắt đầu từ những cảm giác khó chịu, tức ngực hay áp lực ở vùng ngực.
  • Khó thở: Cảm giác khó thở khi đang tập thể dục có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm nhất cho một cơn đau tim.
  • Chóng mặt hoặc choáng váng: Cảm thấy chóng mặt hay choáng váng là dấu hiệu bất thường khi tập thể dục. Bạn nên ngừng ngay nếu thấy những dấu hiệu này.
  • Nhịp tim bất thường: Nếu bạn sử dụng các loại đồng hồ hoặc máy đo nhịp tim khi hoạt động, và thấy tim đập quá nhanh, loạn nhịp thì có thể bạn đang có bất thường về tim.
  • Đổ mồ hôi bất thường: Nếu có dấu hiệu đổ mồ hôi lạnh, đi kèm với buồn nôn, thì có lẽ bạn đang bị bệnh tim. Bạn nên ngừng tập ngay, và đi khám bác sĩ.
  • Khó chịu ở các cơ quan khác: Cơn đau tim còn có thể gây khó chịu ở những vùng khác như cảm thấy áp lực ở vùng cánh tay, lưng, cổ, hay dạ dày, hoặc một cơn đau từ ngực lan đến xương vai, cổ, cánh tay.

Môn thể thao tốt cho người bị bệnh tim

HoiBenh.vn-co-nhung-dau-hieu-nay-ngung-ngay-tap-duc-vi-co-ban-mac-benh-tim-body-2
Khi phát hiện mình bị bệnh tim, bạn không nên tập những môn thể thao mất sức

Khi phát hiện mình bị bệnh tim, bạn không nên tập những môn thể thao mất sức như trước. Bạn thắc mắc không biết bị bệnh tim có nên tập thể thao. Câu trả lời là có. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để chọn một môn thể thao phù hợp với tình trạng bệnh của bạn. Những môn thể thao đòi hỏi vận động tứ chi thích hợp với những người bị bệnh tim. Khi tập, bạn nên xen kẽ thời gian nghỉ ngơi và tập với nhau. Một số môn thể thao tốt cho người bệnh tim là:

  • Đi bộ: Để tốt cho tim mạch, bạn nên đi bộ nhanh hơn bình thường một chút, để cho tim đập nhanh lên. Khi thấy ra mồ hôi và thở hơi gấp là được. Sau đó, bạn đi chậm dần lại. Đi bộ có thể chia ra nhiều lần mỗi ngày sao cho tổng thời gian đi bộ khoảng 30-60 phút.
  • Chạy bộ: Người bị bệnh tim có thể bắt đầu bằng việc chạy chậm và chạy quãng đường ngắn. Khi thấy mệt, bạn nên chạy chậm dần lại, hoặc nghỉ một chút. Quan trọng là bạn chăm chỉ tập chạy và quãng đường chạy ngày càng dài hơn. Một tuần, chỉ cần chạy khoảng ba đến bốn lần nếu như không có thời gian. Cần tránh chạy ở những nơi có không khí ô nhiễm, bởi việc hít thở không khí ô nhiễm cũng làm tăng nguy cơ chết vì bệnh tim.
  • Đạp xe đạp: Đạp xe cũng là một môn thể thao đòi hỏi vận động nhiều cơ trên cơ thể. Khi bạn đạp xe ở mức độ vừa phải, sẽ giúp thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu và giúp tim khỏe hơn. Nếu có thể, bạn nên sử dụng máy đạp xe trong nhà.
  • Bơi: Việc bơi cũng rất tốt cho tim mạch, nếu như bạn bơi nhẹ nhàng, không bơi quá nhanh và gắng sức. Đặc biệt, không nên lặn sâu vì việc nín thở rất không tốt cho tim mạch. Với việc đi bơi, cần hỏi ý kiến bác sĩ để biết chắc mức độ vận động cho phép của bạn.
  • Yoga, khí công: Đây là các môn tập nhẹ nhàng, tốt cho người bị bệnh tim bởi nó giúp thư giãn tinh thần, có ảnh hưởng tốt đến tâm lý.

Xem thêm:

  • Sống lành mạnh có thể ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh tim di truyền
  • Caffeine có thực sự gây ra nhịp tim bất thường và bệnh suy tim
  • Ngồi nhiều có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch