Có nên thoa dầu lên thóp trẻ sơ sinh không?

Thoa dầu là thói quen của nhiều bà mẹ Á châu nhằm giữ ấm cho trẻ. Vùng thóp của trẻ sơ sinh lại là nơi khá mong manh và nhạy cảm. Vậy có nên thoa dầu lên thóp trẻ sơ sinh hay không? Đây là nỗi băn khoăn của không ít phụ huynh nuôi con nhỏ.

Có nên thoa dầu lên thóp trẻ sơ sinh không? Có nên thoa dầu lên thóp trẻ sơ sinh không?

Vùng thóp của trẻ sơ sinh là gì?

Hộp sọ của bé sơ sinh rất mềm và dễ bị ọp ẹp. Các đường nối khớp giữa các bản xương sọ chưa hoàn chỉnh. Nơi giao nhau giữa các đường nối khớp này là vùng thóp. Mục đích của cấu tạo này là để giúp đầu của bé uốn chỉnh theo phần phụ của mẹ để đi ra ngoài trong quá trình chuyển dạ.

Sau khi sinh ra, mẹ có thể sờ thấy hai thóp của bé chỉ là lớp da đầu mỏng che đậy mà chưa thấy phần nền sọ cứng bên dưới, dễ thấy ở vùng thóp trước hơn là thóp sau. Thông thường, thời gian đóng thóp hoàn chỉnh trung bình là khoảng 14 tháng. Bởi trong giai đoạn đầu đời, các bé có xu hướng bị thương nhiều, nhất là khi bé bắt đầu học lẫy, bò hay học đứng, dễ bị ngã và bị thương ở đầu. Lúc này, thóp có tác dụng như cái đệm khi bé bị ngã, nhằm giảm áp suất trong hộp sọ và bảo vệ bé khỏi chấn thương não.

Chính vì vậy, vùng thóp của trẻ rất nhạy cảm và tuy chỉ chiếm một phần diện tích rất nhỏ trên đầu, nhưng lại có thể phản ánh tình trạng sức khỏe cơ bản của bé. Khi bé bị ốm và đến bác sĩ, việc sờ thóp có thể biết được bé đang gặp vấn đề gì.

Ngoài ra, khi chăm sóc bé, cha mẹ và người thân cần hết sức thận trọng khi tiếp xúc vùng thóp của bé sơ sinh. Nếu chỉ sờ chạm nhẹ nhàng thì có thể không nguy hiểm gì cho trẻ. Tuy nhiên, nếu người lớn che đậy mũ nón quá mức, tác động lực quá mạnh hay bôi thoa các sản phẩm không rõ nguồn gốc lên vùng này của trẻ là việc nên tránh.

HoiBenh.vn-co-nen-thoa-dau-len-thop-tre-so-sinh-khong-body-2
Hộp sọ của bé sơ sinh rất mềm và dễ bị ọp ẹp

Có nên thoa dầu lên thóp trẻ sơ sinh hay không?

Dầu bôi ngoài da là một loại dược liệu có tính sinh nhiệt, dùng để giữ ấm cho cơ thể khi tiết trời lạnh giá hay giảm đau khi có chấn thương. Đồng thời, thói quen bôi dầu cho bé sơ sinh để giữ ấm cũng khá phổ biến trong cộng đồng. Tuy nhiên, bôi dầu gì, bôi ở đâu và bôi như thế nào? là những điều mà mẹ cần lưu tâm, tránh làm nguy hại thêm cho trẻ.

Dầu được chọn dùng cho trẻ cần phải thích hợp với làn da của bé sơ sinh, vốn rất mỏng manh và nhạy cảm. Tuyệt đối không dùng các loại dầu gió, dầu nóng của người lớn để bôi cho trẻ, sẽ làm da trẻ bị bỏng. Chỉ bôi vào vùng da lành, không bôi vào vùng da đang tổn thương, chảy dịch, máu và nhất là vùng rốn của trẻ. Thời điểm bôi dầu có thể là sau khi tắm trẻ, trước khi ngủ hay vào mùa đông, nhiệt độ thấp.

Như đã trình bày bên trên, vùng thóp trẻ vốn rất mềm mại nên khi bôi dầu lên vùng này cũng cần nhẹ nhàng, cẩn thận để tránh tác động lực mạnh, làm sang chấn cho trẻ. Chỉ nên cho một lượng dầu rất ít vào ngón tay và bôi một lớp thật mỏng lên vùng da trên thóp trẻ. Không được bôi nhiều dầu và nhiều lần trong ngày vì sẽ có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Bởi lẽ, dầu có tính chất sinh nhiệt, làm nóng cơ thể; nhiều bà, mẹ chăm sóc cho trẻ, bôi nhiều dầu lên thóp rồi cho trẻ đội mũ kín, làm thân nhiệt vùng đầu của trẻ khó thoát ra ngoài, trẻ dễ bức bối, khó chịu hay có thể gây sốt. Mặt khác, dầu cũng có tính chất bay hơi, da vùng thóp mỏng càng làm cho hiện tượng bay hơi nhanh hơn, làm cho bé hạ thân nhiệt đột ngột và sẽ gây những ảnh hưởng khác không tốt cho bé.

Tóm lại, bôi dầu là một thói quen “kinh điển” để giữ ấm cho trẻ. Nhưng các mẹ bỉm sữa cũng cần phải học cách bôi dầu thông minh, đặc biệt là đối với vùng thóp, để việc này phát huy trọn vẹn tác dụng, giúp bé yêu khỏe mạnh và mau lớn từng ngày.

Xem thêm:

  • Chăm sóc và giữ an toàn cho trẻ sơ sinh
  • Điểm danh những cách thay tã cho trẻ sơ sinh bạn cần biết
  • Cần lưu ý những gì về sự tăng cân ở trẻ sơ sinh