Có nên chọc vết bỏng rộp?

Bị bỏng rộp nước xảy ra khá phổ biến trong chúng ta. Tuy nhiên không phải ai cũng biết xử trí đúng cách, khoa học đối với tổn thương bỏng rộp. Liệu có nên chọc vết bỏng rộp hay không? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

Có nên chọc vết bỏng rộp? Có nên chọc vết bỏng rộp?

Đặc điểm của tổn thương bỏng rộp nước

Khi da bạn tiếp xúc với nhiệt độ quá cao, quá ngưỡng chịu nhiệt của da nói riêng, của cả cơ thể nói chung, bỏng rộp là phản ứng đầu tiên đáp lại nhiệt độ này.

Khi bị bỏng, lớp da và mô dưới da nóng rát, phản ứng tiết dịch tức thời được diễn ra để làm mát cấp tốc, đồng thời ngăn cách lớp tế bào phía trong với mức nhiệt bên ngoài, hạn chế tối đa tổn thương do nhiệt.

Bên cạnh đó, tùy vào mức nhiệt mà bỏng gây chết một số loại tế bào. Các tế bào chết này trở thành dị vật hay kháng nguyên đối với cơ thể. Do đó kích hoạt phản ứng viêm, giải phóng các chất trung gian hóa học, kích thích giãn mạch, khu trú tổn thương. Vì vậy xuất hiện các nốt bỏng rộp.

Khi đã bị bỏng, lớp tế bào trên cùng của da cũng chết. Tuy nhiên, lớp phía dưới vẫn còn sống và bắt đầu lành thương. Trong giai đoạn này, những tế bào đã chết ở bề mặt da cùng với lượng dịch trong các nốt bỏng rộp chính là tấm lá chắn bảo vệ cho tổ chức phía dưới, duy trì môi trường dinh dưỡng, đặc biệt là vô khuẩn để quá trình lành thương diễn ra nhanh chóng, an toàn nhất.

Như vậy, vết bỏng rộp nước chính là cơ chế bảo vệ của cơ thể trước một nền nhiệt quá cao, có thể gây nguy hiểm. Từ đó, câu hỏi đặt ra là: Có nên chọc vết bỏng rộp hay có được chọc vết bỏng rộp hay không?

Có nên chọc vết bỏng rộp?

vicare.vn-co-nen-choc-vet-bong-rop-body-1

Một số người cho rằng, nên chọc vết bỏng rộp để dịch thoát ra, nhanh chóng lành thương sau bỏng. Tuy nhiên quan điểm này hoàn toàn bị bác bỏ bởi các nhà lâm sàng. Theo các bác sĩ, vết bỏng rộp là lớp ngăn cách bảo vệ, khu trú tổn thương khi bị bỏng, do đó bạn không nên chọc vết bỏng rộp. Dịch tại vết bỏng rộp là dịch trong hoặc vàng nhạt, vô khuẩn. Khác với dịch mủ đục, màu vàng hoặc trắng đục, có thể ngửi thấy mùi thối nếu đủ lượng. Đây mới là dịch mủ cần được chọc, trích rạch dẫn lưu để giải phóng ổ viêm.

Nếu vết bỏng rộp bị chọc thủng, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào lớp tế bào phía dưới của da. Thông thường, lớp tế bào này luôn được lớp phía trên bảo vệ, ngăn cách với môi trường ngoài. Khi bị bỏng, chúng có vai trò sản sinh tế bào mới, giúp cơ thể lành thương. Quá trình này cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cũng như môi trường hạn chế tối đa vi khuẩn. Vi khuẩn xâm nhập có thể làm lan rộng tổn thương, làm chậm hoặc làm rối loạn quá trình tạo da non, thậm chí gây bội nhiễm, hoại tử, nhiễm khuẩn toàn thân.

Ngược lại, nếu để dịch trong vết bỏng rộp tự tiêu, không chọc vỡ, thì trong thời gian tiêu dịch, da chết khô và tự bong, các tế bào mới thay thế cũng được sản sinh và hoàn thiện, là quá trình lành thương lý tưởng nhất đối với bệnh nhân bỏng.

Như vậy, vết bỏng rộp thông thường với dịch trong, thì không nên chọc. Nếu thấy dịch chuyển màu trắng đục hoặc vàng, kèm sưng, đỏ tại vị trí tổn thương, nóng tại chỗ hoặc sốt nhẹ, thì mới nên chọc vết bỏng rộp và theo dõi đáp ứng của bệnh nhân.

Xử lý vết bỏng rộp như thế nào?

vicare.vn-co-nen-choc-vet-bong-rop-body-2

Khi bị bỏng, bạn nên:

  • Ngay khi vừa bị bỏng, ngâm vùng da bị bỏng trong nước mát khoảng 30 phút hoặc đến khi bạn cảm thấy đỡ đau rát. Hành động này không chỉ giúp làm mát tức thì, “cứu” tối đa các tế bào bị tổn thương, mà còn giúp co mạch tại chỗ, ngừa chảy máu và giảm đau cho người bị bỏng.
  • Sau khi ngâm, lấy khăn sạch lau thấm khô, chú ý lau nhẹ nhàng, không cọ xát gây đau và gia tăng tổn thương trên bề mặt da.
  • Bôi kem mỡ kháng sinh như sulfadiazin, kem bạc, hoặc xịt chế phẩm dạng xịt như Nacurgo,... với lượng theo khuyến cáo của từng sản phẩm rồi băng lại bằng gạc y tế. Lưu ý băng chặt tay để giảm thoát dịch, hạn chế lan rộng tổn thương ở các vùng da trừ ngực, bụng, cổ vì dễ gây khó thở.
  • Khi vết bỏng rộp nước đã hình thành, lưu ý vệ sinh tại vj trí tổn thương thường xuyên. Dùng bông thấm nước muối sinh lý hoặc dung dịch thuốc tím, bôi nhẹ nhàng lên vị trí các vết bỏng rộp. Lưu ý vệ sinh nhẹ nhàng, tránh làm vỡ các vết bỏng rộp.
  • Lau khô vị trí vệ sinh. Bôi hoặc xịt các sản phẩm đã kể trên rồi băng lại bằng gạc sạch. Tuy nhiên lúc này bạn nên băng lỏng tay để tránh làm vỡ các vết bỏng rộp, và băng kín cho đến khi dịch tự tiêu hết. Tiến hành vệ sinh ít nhất 2 lần/ ngày.
  • Nếu vết bỏng rộp bị vỡ, cần vệ sinh tại chỗ bằng nước muối sinh lý, sau băng vết thương để tránh gây tổn thương da non.
  • Lưu ý không nên chọc vết bỏng rộp, không bóc lớp da chết tại vết bỏng.
  • Đi khám ngay nếu vết bỏng không tự tiêu, dịch đục, có mùi hôi,...

Như vậy, khi bị bỏng, không nên chọc vết bỏng rộp, mà trái lại, cần lưu ý để vết bỏng rộp đó không bị vỡ, vừa hoàn thành được nhiệm vụ bảo vệ tổ chức tổn thương, vừa tự tiêu dần hết. Hy vọng qua bài viết này, các độc giả của HoiBenh đã hiểu và sẽ xử trí tốt khi bản thân hoặc người thân, bạn bè bị bỏng rộp nước.

Xem thêm:

  • Có nên rắc thuốc kháng sinh lên vết thương?
  • Vết bỏng đã tróc mài nhưng bên trong vẫn còn dịch mủ thì phải làm sao?
  • Xử lý vết bỏng lâu lành, xung quanh nổi nhiều mụn nước thế nào?