Có giấy chuyển viện lên Bệnh viện Bạch Mai, nếu khám theo yêu cầu BHYT có chi trả không?
Là một trong những cơ sở y tế hàng đầu tại Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một lượng rất lớn bệnh nhân tới thăm khám mỗi ngày. Trong đó, không ít người băn khoăn liệu trong trường hợp có giấy chuyển viện lên Bệnh viện Bạch Mai, nếu khám theo yêu cầu BHYT có chi trả không? Hãy cùng HoiBenh tìm câu trả lời chính xác nhất cho vấn đề này
Có giấy chuyển viện lên Bệnh viện Bạch Mai, nếu khám theo yêu cầu BHYT có chi trả không?
Là một trong những cơ sở y tế hàng đầu tại Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một lượng rất lớn bệnh nhân tới thăm khám mỗi ngày. Trong đó, không ít người băn khoăn liệu trong trường hợp có giấy chuyển viện lên Bệnh viện Bạch Mai, nếu khám theo yêu cầu BHYT có chi trả không? Hãy cùng HoiBenh đi tìm câu trả lời chính xác nhất cho vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Giới thiệu về Bệnh viện Bạch Mai
Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) là một trong các đơn vị y tế hàng đầu trong cả nước và đã được Bộ Y tế công nhận đạt chuẩn bệnh viện đa khoa. Theo đánh giá của đông đảo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, đây là cơ sở y tế sở hữu đội ngũ gần 1.500 bác sĩ giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn, được đào tạo tại các trường đại học y nổi tiếng trong và ngoài nước; cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế hiện đại nhập từ nước ngoài; tỷ lệ bệnh nhân tử vong rất thấp (chưa đầy 1% theo số liệu từ Wikipedia). Nhờ vậy lượng người tới thăm khám và điều trị tại đây hoặc lựa chọn chuyển viện lên Bệnh viện Bạch Mai đang ngày một tăng, dẫn tới tình trạng bệnh viện thường xuyên quá tải.
BHYT có chi trả cho trường hợp khám theo yêu cầu khi có giấy chuyển viện lên Bệnh viện Bạch Mai không?
Bên cạnh những băn khoăn về sức khoẻ và bệnh lý cụ thể mà mình mắc phải, người bệnh cũng đặc biệt quan tâm tới chi phí khám chữa bệnh và đặt câu hỏi: Trường hợp có giấy chuyển viện lên Bệnh viện Bạch Mai, nếu khám theo yêu cầu BHYT có chi trả không?
Giải thích về vấn đề này, đại diện ngành y tế cho biết: Giả sử bệnh nhân quê ở Nam Định, hiện đang điều trị tại Bệnh viện A ở địa phương và có nhu cầu chuyển viện lên Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân này đã mua bảo hiểm y tế (BHYT) ở quê, nghĩa là đang tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình. Do đó mức BHYT mà người này được hưởng là 80% tổng chi phí khám chữa bệnh đúng tuyến (theo điểm đ – khoản 1 – điều 22 – Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014).
Tuy nhiên, Bệnh viện A là bệnh viện tuyến tỉnh, còn Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện thuộc tuyến trung ương nên nếu bệnh nhân khám thường sẽ xảy ra 2 trường hợp sau:
- Trường hợp có giấy chuyển tuyến từ Bệnh viện A (bệnh viện tuyến dưới) lên Bệnh viện Bạch Mai: Căn cứ vào điều 22 và điều 27 trong Luật Bảo hiểm y tế (bản sửa đổi, bổ sung năm 2014), khi đi khám chữa bệnh, nếu có giấy chuyển tuyến từ các bệnh viện tuyến dưới lên các bệnh viện tuyến trên, bệnh nhân sẽ được xác định là khám chữa bệnh đúng tuyến và được hưởng mức BHYT là 80% chi phí điều trị nằm trong danh mục do BHYT chi trả.
- Trường hợp không có giấy chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai: Trong trường hợp muốn chuyển viện lên Bệnh viện Bạch Mai nhưng không có giấy chuyển tuyến do bệnh viện tuyến dưới cung cấp, bệnh nhân được xác định thuộc diện khám chữa bệnh trái tuyến và được hưởng mức chi trả BHYT trái tuyến. Do đó, khi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân sẽ được hưởng BHYT với mức 40% của 80% chi phí điều trị trong danh mục do BHYT chi trả (tương đương với 32%) nếu điều trị nội trú. Nếu chỉ điều trị ngoại trú, bệnh nhân sẽ không được hưởng mức BHYT.
Bên cạnh đó, không ít bệnh nhân chuyển viện lên Bệnh viện Bạch Mai cũng băn khoăn nếu đăng ký khám theo yêu cầu thì liệu có được BHYT chi trả hay không. Trả lời vấn đề này, các chuyên gia y tế cho hay:
Theo Khoản 3, 4 - Điều 9 - Luật BHYT (Bản sửa đổi, bổ sung năm 2014), trường hợp bệnh nhân tự chọn buồng bệnh, tự chọn bác sĩ, BHYT chỉ chi trả trong phạm vi bệnh nhân được hưởng và mức hưởng đã quy định tại Khoản 1, 2. Phần chi phí ngoài phạm vi được hưởng sẽ do bệnh nhân tự thanh toán với cơ sở y tế.
Theo đó, trường hợp bệnh nhân chuyển viện lên Bệnh viện Bạch Mai và đăng ký khám theo yêu cầu, dù có giấy chuyển tuyến thì người bệnh vẫn phải tự chi trả nếu muốn tự chọn phòng bệnh, tự chọn thầy thuốc chứ không được BHYT hỗ trợ theo mức chênh lệch giữa phòng dịch vụ và phòng thường. Ngoài ra, các khoản chi phí còn lại thuộc danh mục được BHYT chi trả thì bệnh nhân vẫn sẽ được BHYT chi trả theo đúng mức hưởng.
Lịch làm việc và thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai
Là cơ sở y tế thuộc tuyến cuối của miền Bắc, chuyên phụ trách những ca bệnh khó và phức tạp nên mỗi ngày, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một lượng bệnh nhân tới thăm khám, điều trị rất lớn. Do đó, bệnh nhân muốn chuyển viện lên Bệnh viện Bạch Mai cần nắm rõ lịch làm việc của bệnh viện để quá trình đăng ký thủ tục khám bệnh diễn ra nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Thời gian làm việc của Bệnh viện Bạch Mai áp dụng cụ thể như sau với tất cả các ngày trong tuần, ngoại trừ Chủ nhật:
Sáng: 6h30 – 12h.
Chiều: 13h30 – 18h.
Thủ tục khám chữa và điều trị bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai theo chế độ BHYT
- Thẻ BHYT phải có ảnh. Trường hợp thẻ BHYT không có ảnh, bệnh nhân phải xuất trình thêm giấy tờ chứng minh nhân thân.
- Trẻ em dưới 6 tuổi tới khám chữa bệnh chỉ phải xuất trình thẻ BHYT. Nếu trẻ không có thẻ BHYT và phải xuất trình giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh, thủ trưởng đơn vị y tế và cha mẹ (hoặc người giám hộ) sẽ cần ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán sau này.
- Trường hợp thẻ BHYT đang trong thời gian chờ cấp lại, bệnh nhân tới khám chữa bệnh cần xuất trình giấy hẹn của cơ quan bảo hiểm và giấy tờ chứng minh nhân thân của mình.
Thủ tục khám bệnh theo yêu cầu tại Bệnh viện Bạch Mai
Để tránh phải xếp hàng khi đăng ký khám chữa bệnh hoặc muốn lựa chọn bác sĩ, giáo sư khám bệnh cụ thể, bệnh nhân chuyển viện lên Bệnh viện Bạch Mai cần truy cập vào trang web của bệnh viện để đăng ký khám sức khoẻ tại Khoa Khám bệnh theo yêu cầu. Chỉ với chi phí 30 nghìn đồng, mỗi bệnh nhân sẽ được cấp thẻ bệnh nhân để đăng nhập vào trang web và xem những thông tin trong hồ sơ bệnh án của mình. Ngoài ra, tấm thẻ này còn giúp bệnh nhân đăng ký khám qua mạng mà không cần phải xếp hàng, từ đó rút ngắn tối đa thủ tục chờ đợi khi khám bệnh.
Minh Thùy