Chửa trứng là gì và phương pháp điều trị

Theo thống kê, số lượng chị em phụ nữ mắc phải chửa trứng ở Việt Nam khá cao, chiếm tỷ lệ 1/500 sản phụ. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu như thế nào gọi là chửa trứng, những hệ lụy và phương pháp điều trị hiệu quả, đúng hướng nhất.

Chửa trứng là gì và phương pháp điều trị Chửa trứng là gì và phương pháp điều trị

Chửa trứng là gì?

Theo WikiMed, chửa trứng là hiện tượng nhau thai sản sinh quá mức (gai nhau bị thoái hóa), một phần hoặc toàn bộ bánh rau phát triển khó kiểm soát thành các túi chứa dịch có kích thước khác nhau (đường kính 1mm đến vài chục mm) tồn tại trong buồng tử cung. Hình thù của chúng được ví giống như chùm nho hoặc trứng ếch. Quá trình thai nghén bất thường này khiến phôi thai không thể phát triển được nhưng gai rau vẫn tiếp tục hoạt động, sinh trưởng nhờ vẫn được cung cấp dưỡng chất từ máu của người mẹ.

Chửa trứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi trong giai đoạn sinh sản nhưng có nguy cơ xuất hiện nhiều ở phụ nữ trong độ tuổi dưới 20 và trên 40. Đa số các trường hợp bị chửa trứng đều lành tính, tuy nhiên một phần nhỏ trong số đó (chiếm khoảng 10 – 30%) có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, trong đó nặng nhất là ung thư nhau thai (ung thư tế bào nuôi).

Các chuyên gia phân chia chửa trứng thành 2 dạng:

  • Chửa trứng hoàn toàn (toàn phần): phôi thai bị chèn ép toàn bộ nên không hình thành tổ chức thai, các gai rau phình to, không có mạch máu lông rau, lớp tế bào nuôi gia tăng và sinh trưởng mạnh.
  • Chửa trứng không hoàn toàn (một phần): hình thành tổ chức thai hoặc một phần thai, thai có thể còn sống hoặc chết lưu, có màng ối, các gai rau phù nề.

Vì sao có hiện tượng chửa trứng?

Cũng giống như một số bệnh lý khác, các nhà nghiên cứu vẫn còn bỏ ngỏ nguyên nhân gây ra hiện tượng chửa trứng ở sản phụ. Tuy nhiên, một số tác nhân làm gia tăng nguy cơ dẫn đến chửa trứng đã được đưa ra, có thể kể đến vài yếu tố ảnh hưởng sau đây:

  • Bất thường trong yếu tố di truyền: bộ nhiễm sắc thể có sai sót trong quá trình thụ tinh, trong đó từ người cha chiếm 90% và ở mẹ khoảng 10%
  • Tuổi của thai phụ: mang thai quá sớm khi cơ quan sinh sản chưa hoàn thiện hoặc quá trễ (trên 35 tuổi) đều có khả năng mắc thai trứng cao hơn độ tuổi khác
  • Thiếu chất dinh dưỡng: không bổ sung đầy đủ dưỡng chất quan trọng như vitamin A, protein, axit folic, carotene trong quá trình mang thai khiến cho sản phụ dễ mắc thai trứng
  • Mang thai nhiều lần: một số vấn đề do sinh đẻ nhiều lần cũng tăng tỷ lệ thai trứng ở lần sau
  • Một số bất thường ở dạ con hoặc sai sót ở trứng, tiền sử thai nghén lần đầu không bình thường, ...

Dấu hiệu của sản phụ bị chửa trứng

Khi bước vào giai đoạn đầu của thai kỳ, sản phụ chửa trứng vẫn sẽ có hiện tượng bình thường như tất cả mọi phụ nữ khác là ngưng kinh và có triệu chứng ốm nghén. Tuy nhiên, càng về sau sẽ càng xuất hiện một số biểu hiện khác thường.

  • Ra máu âm đạo: thường diễn ra ở tuần thứ 6 – 16 của thai kỳ. Dịch máu tiết ra có màu đen hoặc đỏ, không ra nhiều nhưng kéo dài, sau đó có thể tự khỏi. Do vậy, thai phụ bị chảy máu âm đạo sẽ dễ cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, người xanh xao, mệt mỏi. Nhiều trường hợp sảy thai trứng còn dẫn đến băng huyết, đau bụng dưới rất phức tạp.
  • Thai phụ bị nghén nặng: nôn ói liên tục, ăn uống không được, nôn mửa ra dịch xanh dịch vàng. Thể trạng của mẹ bầu giảm đi rõ rệt, người gầy gò, ốm yếu.
vicare.vn-chua-trung-la-gi-va-phuong-phap-dieu-tri-body-1
Sản phụ bị ốm nghén nặng là biểu hiện điển hình của chửa trứng
  • Chảy dịch đầu vú bất thường.
  • Bụng to nhanh khác với tiêu chuẩn về kích thước vòng bụng thông thường.
  • Tử cung của thai phụ mở to hơn so với tuổi thai. Tuy nhiên, sờ vào vùng bụng dưới lại không cảm nhận được khối thai tồn tại.
  • Một số trường hợp còn có triệu chứng bị phù hoặc huyết áp tăng cao. Nếu không can thiệp sớm dễ dẫn đến khó thở, co giật.

Chửa trứng có nguy hiểm không?

Dấu hiệu của sản phụ chửa trứng thường dễ nhầm lẫn với một số hiện tượng khác như thai ngoài tử cung, thai chết lưu, u xơ tử cung, ... Việc chẩn đoán, xác định tình trạng bệnh cần cẩn thận và chính xác, nhanh chóng để kịp thời can thiệp.

Biến chứng nguy hiểm nhất của thai trứng là chuyển từ lành tính sang ác tính với căn bệnh ung thư nguyên bào nuôi. Theo nhận định, phụ nữ có tiền sử chửa trứng có nguy cơ mắc bệnh ung thư nguyên bào nuôi cao gấp 1000 lần so với các trường hợp mang thai bình thường. Ung thư nguyên bào nuôi là một trong những ung thư di căn theo đường máu với mức độ xâm lấn nhanh tới não, gan, phổi, ...

Ngoài ra, chửa trứng khi ăn sâu vào lớp cơ tử cung dễ xảy ra băng huyết hoặc thủng tử cung gây tổn hại nhiều cho sức khỏe và an toàn của chị em phụ nữ.

Phương pháp điều trị cho thai phụ chửa trứng

Trước khi đưa ra cách chữa trị chửa trứng phù hợp, bác sĩ sẽ tiến hành làm các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh: siêu âm ổ bụng, xét nghiệm nồng độ HCG, nồng độ estrogen máu, nước tiểu hoặc chụp X-quang ổ bụng.

Dựa trên mức độ phát triển của bệnh và ý muốn của từng người mà bác sĩ sẽ tiến hành:

  • Nạo hút thai: việc nạo hút thai trứng càng sớm càng tốt để giảm thiểu việc bám sâu vào lớp cơ tử cung gây băng huyết. Việc nạo hút thai phải thực hiện triệt để kết hợp dùng thêm kháng sinh để tránh nhiễm trùng. Sản phụ sau khi nạo hút thai trứng cần phải theo dõi chặt chẽ và khám định kỳ theo đúng khuyến cáo của bác sĩ để theo dõi diễn tiến và nguy cơ biến chứng. Đặc biệt, người bị thai trứng sau khi điều trị nên ngưng có thai sau 2 năm để ngăn ngừa ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi.
  • Cắt toàn bộ tử cung: đối với trường hợp thai trứng bị biến chứng gây nguy hiểm cho tính mạng hoặc thai phụ không có nhu cầu sinh con thì bác sĩ sẽ cắt toàn bộ tử cung nhằm ngăn chặn hình thành ung thư nguyên bào gốc. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần điều trị nội trú đến khi vết mổ lành. Sau khi ra viện, cần tái khám theo chỉ dẫn nhằm đảm bảo không để lại di chứng và phục hồi tốt.

Cách phòng tránh để không bị chửa trứng khi mang thai

Nhằm hạn chế tối đa nguy cơ mắc phải thai trứng, phụ nữ cần đặc biệt chú ý đến những biện pháp bảo vệ dưới đây:

  • Cần lên kế hoạch mang thai trong độ tuổi phù hợp: bởi việc mang thai khi còn quá trẻ và trên 40 tuổi đều ít nhiều làm gia tăng tỷ lệ mắc thai trứng. Vì vậy, bạn cần suy nghĩ kỹ trước khi quyết định mang thai vào những thời điểm này.
vicare.vn-chua-trung-la-gi-va-phuong-phap-dieu-tri-body-2
Chế độ dinh dưỡng cân bằng và khoa học giúp giảm thiểu tỷ lệ mắc chửa trứng
  • Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất trước và trong thời kỳ mang thai. Việc cung cấp chất dinh dưỡng giúp mẹ có đủ sức khỏe để nuôi dưỡng thai nhi phát triển. Ăn đa dạng các nhóm thực phẩm. Không nên quá kiêng cữ sẽ dẫn đến suy kiệt thể chất.
  • Có kế hoạch về việc sinh con hoặc sử dụng các biện pháp tránh thai để không mang thai ngoài ý muốn và sinh đẻ quá nhiều lần.
  • Khi mang thai, sản phụ cần khám thai đúng hướng dẫn của bác sĩ để kịp thời phát hiện và can thiệp những bất thường.
  • Với các sản phụ đã có tiền sử phẫu thuật thai trứng cần tuân thủ đúng khuyến cáo của bác sĩ và theo dõi mọi bất thường của cơ thể nhằm hạn chế tối đa những nguy cơ xấu ảnh hưởng đến mẹ và bé.

Xem thêm:

Tư vấn của BSCK II.Ths Nguyễn Thị Hương Linh (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City) về chửa trứng:

  • Chửa trứng và những điều bạn chưa biết
  • Chửa trứng - thần chết tiềm ẩn nếu mẹ bầu không biết!
  • Chửa trứng thoái triển và chửa trứng xâm lấn