Chia sẻ kinh nghiệm điều trị ung thư phổi tại Bệnh viện ung bướu Hà Nội
Khi tôi ngồi gõ những dòng này để chia sẻ với các bạn về kinh nghiệm điều trị ung thư phổi tại bệnh viện ung bướu Hà Nội cũng là lúc bố tôi đã chiến đấu với căn bệnh này được một năm rồi. Đúng vậy, người bị bệnh không phải là tôi mà là bố tôi.
Chia sẻ kinh nghiệm điều trị ung thư phổi tại Bệnh viện ung bướu Hà Nội
Kinh nghiệm mà tôi chia sẻ dưới đây có thể chỉ là những điều múa rìu qua mắt thợ đối với những người chuyên môn nhưng với gia đình tôi, kinh nghiệm này đã được đánh đổi bằng rất nhiều nước mắt.
Sút cân kinh khủng – mở đầu cho giai đoạn tồi tệ
Có thể thời gian chống chọi của bố tôi có thể là không dài so với nhiều bệnh nhân khác nhưng đối với một trường hợp được coi là nặng và thời gian sống không quá 6 tháng thì đó quả thật là một cố gắng rất lớn của bố và gia đình tôi.
Đầu tiên chắc phải kể đến chính là hiện tượng sụt cân trầm trọng của bố tôi. Lúc đầu ông thấy tự nhiên đau lưng và sau nửa tháng thì thì bị sút tới 6 cân. Cả nhà tôi cảm thấy lo lắng nên đưa bố đi khám. Sau một tuần khám và theo dõi ở viện Đống Đa thì bố tôi được kết luận là bị xẹp đĩa đệm và vẹo cột sống. Nhưng uống thuốc mãi lại không thấy đỡ. Sau đó bố tôi được chuyển sang điều trị ở khoa Đông y thì bác sĩ trưởng khoa mới nghi ngờ, yêu cầu bố tôi chụp cộng hưởng từ ngực có cản quang. Lúc này mới phát hiện bố tôi bị ung thư phổi di căn xương sống và di căn hạch.
Lúc nhận kết quả, chỉ một mình tôi biết. Suy sụp, bàng hoàng, ngạc nhiên,... mọi cảm xúc lẫn lộn khiến tôi không tin vào kết quả mình nhìn thấy nữa. Tại sao triệu chứng bệnh ban đầu của bố tôi lại mờ nhạt đến vậy? Tại sao khi phát hiện đã là giai đoạn cuối? Sau này khi tìm hiểu các tài liệu y học tôi mới biết căn bệnh ung thư phổi nếu phát hiện ở giai đoạn đầu thì còn có thể sống nhiều năm nhưng đã chuyển sang giai đoạn cuối như bố tôi thì thời gian chỉ có thể tính bằng tháng.
Thời gian điều trị tại bệnh viện ung bướu Hà Nội
Tôi chỉ dám nói với bố là bố tôi bị nghi có khối u ở phổi nên chuyển sang bệnh viện ung bướu Hà Nội để điều trị. Khoảng thời gian này bố tôi đau đớn kinh khủng, cả về thể xác lẫn tinh thần. Việc đi lại của bố phải có người hỗ trợ ngồi lên xe lăn vì bác sĩ bảo di căn xuống nên xương yếu, rất dễ gãy nên di chuyển phải cẩn thận.
Việc bị bệnh của bố tôi không thể giấu gia đình mãi được. Người duy nhất không biết tình trạng bệnh cụ thể là bố tôi. Lúc đầu tôi xin cho bố về nhà, xin bác sĩ kê cho đơn thuốc giảm đau để tinh thần bố tôi kịp hồi phục. Nhưng ăn không được, không ngủ được, lại bị những cơn đau hành hạ khiến chỉ trong vài ngày ở nhà tóc bố tôi bạc trắng, tinh thần suy sụp. Gia đình lại cho bố nhập viện.
Suốt ba tháng đầu bố tôi phải nằm viện hoàn toàn (trừ thứ 7 và chủ nhật trốn về nhà để thay đổi không khí). Tôi phải viết cam kết với bệnh viện thì mới được đưa bố về. Chứ nằm liên tục trong viện chứng kiến người này thở oxy , người kia nôn ọe rồi kêu la đau đớn thì thần kinh căng thẳng lắm.
Sau khi nhập viện, 2 tuần đầu bố tôi phải thực hiện rất nhiều những xét nghiệm, chụp chiếu như xét nghiệm máu, nội soi dạ dày, nội soi khí quản kết hợp lấy mẫu sinh thiết, nội soi đại tràng, siêu âm ổ bụng, cộng hưởng từ não có cản quang,.... Kết luận của hàng loạt các xét nghiệm này là bố tôi bị u phổi tế bào lớn đã bị di căn xương sống, xương sườn và đùi, di căn hạch, và cả di căn não. Tôi vẫn giấu bố những gì có thể giấu để tinh thần bố tôi ổn định, có thể tiếp tục chiến đấu với căn bệnh quái ác này.
Thực ra, lúc đầu khi biết căn bệnh của bố, gia đình tôi đã không nghĩ sẽ để bố điều trị tại bệnh viện ung bướu Hà Nội. Nhưng giờ nghĩ lại tôi lại thấy may mắn vì đã chuyển vào đây. Không dám nói là hơn nhưng tôi có thể khẳng định, chất lượng điều trị ở đây không hề thua ở bệnh viện ung bướu trung ương. Đội ngũ bác sĩ cốt cán ở đây đều từ bệnh viện trung ương ra, phác đồ điều trị cũng được cập nhật theo BVUB trung ương, và thiết bị máy móc cũng vẫn còn mới bởi bệnh viện thành lập không lâu. Hơn nữa vì là tuyến dưới nên số lượng bệnh nhân ở đây không bị quá tải, các phòng nội trú thì sạch sẽ cộng thêm thái độ nhiệt tình của các bác sĩ đã tiếp thêm không ít dũng khí cho bệnh nhân để chiến đấu với bệnh tật.
Lúc đầu bộ tôi được tiến hành xạ não 10 mũi liên tiếp trong vòng 10 ngày. Phương pháp này làm khối u nhỏ lại rất nhiều, thậm chí còn có người xạ liên tục mười mấy, hai mươi mũi. Sau 10 mũi xạ não này, bố tôi được chuyển sang khoa hóa chất I là để thực hiện phác đồ điều trị tiếp theo - thực hiện truyền hóa chất. Thời gian nay bố tôi vẫn phải dùng đều đặn 4 liều uống giảm đau mỗi ngày.
Phác đồ điều trị 21 ngày tiếp theo của bố tôi có nghĩa là cứ 21 ngày thì sẽ truyền hóa chất phổi một lần, 30 ngày truyền hóa chất xương một lần. Cũng vì thực hiện hai loại truyền hóa chất liên tục cùng các loại xét nghiệm chờ đợi trước khi truyền nên khoảng thời gian này dường như bố tôi ở viện liên tục. Cứ sau mỗi lần truyền hóa chất phổi thì các bác sĩ sẽ kê thêm một đơn thuốc giúp gia tăng sức đề kháng của cơ thể gồm thuốc uống canxi, thuốc tiêm kích dự phòng tụt bạch cầu, thuốc thải độc và hạ men gan.
Việc truyền hóa chất giúp tiêu diệt các tế bào ác nhưng đồng thời cũng tiêu diệt cả hồng cầu, bạch cầu...trong cơ thể nên làm giảm sức đề kháng chưa kể đến những tác hại cho gan, dạ dày của hóa chất,... Do đó, sau mỗi lần truyền, bố tôi được truyền muối, đường và chất điện giải liên tục trong 2 ngày để loại bỏ hóa chất dư thừa trong cơ thể. Tôi đã được chứng kiến một bệnh nhân khác cùng điều trị ở đây đã giảm được 7cm của khối u phổi sau vài tháng truyền hóa chất, điều này tôi dám chắc chắn là không phương pháp đông y nào làm được. Vì thế, chừng nào bố tôi còn có thể được truyền hóa chất thì tôi vẫn còn hy vọng vào khả năng khỏi bệnh của bố.
Sau một thời gian điều trị theo phác đồ 21 ngày tại đây, căn bệnh của bố tôi dường như có đã thuyên giảm rõ rệt. Bố không còn phải uống thuốc giảm đau nhiều lần nữa. Trừ việc tóc gần như đã bay hết thì bố tôi đã lững thững có thể đi bộ được, thậm chí có thể di chuyển xa như về quê chơi. Việc ăn uống cũng không thành vấn đề quá khó khăn nữa.
Sau 6 tháng tại bệnh viện ung bướu Hà Nội, khối u trong não bố tôi dường như không còn. Việc di căn xương được bác sĩ nói rằng không còn quá lo lắng bởi bản chất ung thư xương phát triển rất chậm. Khối u trong phổi cũng đã phát triển chậm lại. Nhìn thấy bố khỏe lại, gia đình tôi đều nhẹ cả người, cảm giác bất an lo lắng cũng bớt đi không ít.
Hiện tại mới hơn 1 năm điều trị, tôi không biết kết quả cuộc chiến đấu của bố tôi với căn bệnh này sẽ như thế nào nhưng hiện giờ, miễn sao được thấy bố vui vẻ, ăn ngon, ngủ ngon và ít bị đau đớn đã là quá tốt rồi. Thời gian chăm sóc bố tại bệnh viện ung bướu Hà Nội cũng giúp tôi cảm nhận rõ rệt được tình người ấm áp giữa bác sĩ với bệnh nhân, giữa các bệnh nhân với nhau và một tập thể lạc quan dù nguy hiểm bệnh tật vẫn luôn rình rập đâu đó quanh đây.
Ghi chú: Bài viết mang tính chất tham khảo độc giả vui lòng cân nhắc trước khi sử dụng phương pháp điều trị bệnh