Chỉ vì tiết kiệm tái sử dụng chai nhựa mà mắc bệnh ung thư
Nhiều người có thói quen sau khi mua nước uống thường giữ lại vỏ chai để đựng nước mà không hề biết rằng thói quen tưởng chừng như vô hại đó lại chứa đựng rất nhiều hiểm họa đến sức khỏe. Một trong số đó là nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Chỉ vì tiết kiệm tái sử dụng chai nhựa mà mắc bệnh ung thư
Hiểm họa ung thư từ tái sử dụng chai nhựa
Mặc dù Bộ Y tế đã có quy định nhựa nào dùng cho thực phẩm, nhựa nào không được dùng, nhưng công tác kiểm các loại đồ nhựa đựng thực phẩm trên thị trường chưa được quan tâm nhiều. Các loại nhựa tổng hợp của nhiều loại nhựa khác nhau sẽ làm thay đổi tính chất, hóa dẻo... nếu dùng lại không đúng cách sẽ rất nguy hiểm.
Hầu hết chai nhựa có sẵn trên thị trường được sản xuất để sử dụng một lần. Chất liệu của hầu hết các loại chai soda, nước khoáng hiện nay là polyethylene terephthalate (viết tắt là PET hay PETE) - một loại nguyên liệu nhẹ, xốp, giá rẻ, dễ tái chế khá an toàn, tuy nhiên bề mặt xốp có thể cho phép vi khuẩn và mùi vị tích tụ lại. Loại nhựa này có thể bị “rò rỉ” hóa chất trong những điều kiện “khắc nghiệt”, chẳng hạn như tiếp xúc với ánh nắng Mặt Trời hay hơi nóng, vì vậy không nên tái sử dụng.
Thêm vào đó, sự hư hỏng thông thường do việc rửa và tái sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới sự xuống cấp của nhựa, chẳng hạn như nhựa mỏng đi hoặc bị rạn, nứt có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Vi khuẩn có thể ẩn náu trong những vết nứt đó, đe dọa tới sức khỏe của người sử dụng.
Những hiểm họa tiềm ẩn khác
Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
Các nhà khoa học đã chứng minh, chất BPA trong nhựa có thể gây ra các biến chứng về nhiễm sắc thể đối với thai nhi và dẫn đến các khuyết tật bẩm sinh. Ngoài ra, các chất hóa học trong nhựa có thể rối loạn các hormone giới tính như estrogen, dẫn đến hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người sử dụng nước đóng chai chất lượng thấp có thể tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú và ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.
Nhiễm trùng
Thực tế cho thấy, nước đóng chai không hoàn toàn đảm bảo vệ sinh. Vi khuẩn có thể xâm nhập nếu quy trình tiệt trùng và đóng chai không đảm bảo. Thiết kế của vỏ chai cũng đóng vai trò quan trọng. Những loại chai có thiết kế cầu kỳ thường rất khó để làm sạch. Đặc biệt nên chú ý các đặc điểm của chai nhựa khi quyết định sử dụng nước uống đóng chai thường xuyên trong gia đình.
Chính vì vậy, từ giờ trở đi sau khi uống xong nước ngọt, đừng vì tiết kiệm mà tái chế lại chai nhựa mà phải đánh đổi bằng sức khỏe của cả gia đình.