Chỉ số đường huyết bao nhiêu là bình thường?

Chỉ số đường huyết dao động không ổn định ở người mắc bệnh tiểu đường, có thể sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng. Do đó việc kiểm soát sao cho chỉ số đường huyết ở mức bình thường và ổn định sẽ giúp người bệnh có thể sống khỏe mạnh và ngăn ngừa các biến chứng.

Chỉ số đường huyết bao nhiêu là bình thường? Chỉ số đường huyết bao nhiêu là bình thường?

Chỉ số đường huyết là gì?

Chỉ số đường huyết là chỉ số thể hiện nồng độ đường trong máu của bạn. Và dựa vào chỉ số này mà các bác sĩ có thể chẩn đoán bạn có đang bị mắc bệnh tiểu đường hay không.

Đường huyết bao nhiêu là bình thường?

Mức đường huyết trong máu sẽ thay đổi theo những hoạt động hằng ngày của chúng ta và được xác định là bình thường khi:

  • Đường huyết trước ăn: < 100 mg/dl
  • Đường huyết sau ăn < 140 mg/dl
  • Đường huyết trước khi đi ngủ: khoảng 110-150 mg/dl
vicare.vn-chi-so-duong-huyet-bao-nhieu-la-binh-thuong-body-1

Đường huyết bao nhiêu thì được chẩn đoán tiểu đường?

Để chẩn đoán xác định một người có bị bệnh tiểu đường hay không. Các bác sĩ sẽ dựa vào mức đường huyết trong máu của bệnh nhân. Có 3 cách để xác định bệnh:

Xét nghiệm đường huyết lúc đói

Đường huyết lúc đói tức là xét nghiệm đường trong máu sau khi nhịn ăn qua đêm

  • Nồng độ đường huyết khi đói bình thường: < 100 mg/dl (5,6 mmol/l).
  • Đường huyết đói từ 100 đến 125 mg/dl (5,6 đến 6,9 mmol/l) : tiền tiểu đường ( rối loạn đường huyết lúc đói)
  • Nếu lớn hơn hoặc bằng 126 mg/dl (7 mmol/l) qua hai lần xét nghiệm liên tiếp có thể chẩn đoán bệnh tiểu đường type 2.

Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên (không nhịn đói)

Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên tức là xét nghiệm nồng độ đường trong máu mà có thể được thực hiện bất cứ lúc nào, không liên quan bữa ăn. Mức đường huyết bình thường nếu xét nghiệm ngẫu nhiên là <140 mg/dl (7,8 mmol/l).

Nếu kết quả đường huyết lớn hơn hoặc bằng 200 mg/dl (11.1 mmol/l) cho thấy rằng bạn bị bệnh tiểu đường.

Hoặc đường huyết trong khoảng 140 mg/dl (7,8 mmol/l) - 199 mg/dl (11.0 mmol/l): gọi là giai đoạn tiền tiểu đường.

Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống

Nghiệm pháp này được thực hiện như sau: Bệnh nhân sẽ phải nhịn đói qua đêm. Sau đó, người bệnh sẽ được uống một lượng nước đường. Sau hai giờ, xét nghiệm nồng độ đường trong máu

  • Mức đường huyết bình thường là < 140 mg/dl (7,8 mmol/l).
  • Nếu đường huyết > 200 mg/dl (11.1 mmol/l) có thể chẩn đoán bệnh tiểu đường
  • Đường huyết: từ 140 mg/dl - 200 mg/dl: giai đoạn tiền tiểu đường.

Nghiệm pháp này cũng được sử dụng để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ.

vicare.vn-chi-so-duong-huyet-bao-nhieu-la-binh-thuong-body-2

Theo dõi đường huyết như thế nào?

Theo khuyến cáo, người bệnh tiểu đường nên đo đường huyết vào 4 thời điểm trong ngày, đó là:

  • Sáng sớm sau khi thức dậy
  • Sau bữa ăn sáng
  • Sau ăn trưa
  • Trước khi đi ngủ buổi tối.

Tuy nhiên có một số trường hợp bệnh nhân có đường huyết lúc đói bình thường nhưng vẫn gặp phải những biến chứng, do đường huyết sau ăn ở mức cao, chưa được kiểm soát tốt.

Mức đường huyết bao nhiêu thì nguy hiểm?

Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo các bệnh nhân đái tháo đường nên theo dõi đường huyết thường xuyên. Cần lưu ý mức đường huyết quá cao hoặc quá thấp có thể gây ra những nguy hiểm cho người bệnh:

Đường huyết thấp

  • Hạ đường huyết: < 2,8 mmol/l.
  • Có nguy cơ bị hạ đường huyết: < 3,5 mmol/l.

Đường huyết cao

  • Đo trước ăn > 7 mmol/l
  • Đo sau ăn > 11 mmol/l.
vicare.vn-chi-so-duong-huyet-bao-nhieu-la-binh-thuong-body-3

Đường huyết quá cao hoặc quá thấp sẽ gây ra những hậu quả gì?

Nếu đường huyết quá thấp dưới 60 mg/dL (3.5 mmol/l) có thể dẫn đến những biến chứng như: hôn mê, co giật, thậm chí tử vong nếu không được xử lý và điều trị kịp thời.

Đường huyết tăng cao trên 180 mg/dL (10 mmol/l) và kéo dài sẽ gây ra các biến chứng ở mắt, thận, mạch máu, tim, não, thần kinh...

Đường huyết quá cao có thể gây ra các biến chứng cấp như: hôn mê do nhiễm toan ceton, hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu...

Đường huyết dao động, không ổn định, lúc quá cao, lúc quá thấp cũng sẽ đưa đến các biến chứng trên các hệ cơ quan và làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Chỉ số đường huyết thay đổi do những nguyên nhân gì?

Chế độ ăn uống

Mỗi loại thức ăn chứa một hàm lượng đường khác nhau. Nồng độ đường trong máu sẽ thay đổi tùy theo loại thức ăn, giờ ăn. Do đó bạn cần chú ý đến hàm lượng đường chứa trong các loại thực phẩm khi lựa chọn.

Cần tham khảo và lựa chọn những loại thực phẩm có hàm lượng đường thấp hơn 70 sẽ tốt hơn cho bệnh nhân. Ví dụ: đậu xanh, khoai lang, cà rốt, bún, bưởi, đào, cam...

Do tập thể dục thể thao

Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh tiểu đường nên thường xuyên tập thể dục thể thao . Tuy nhiên nếu hoạt động cơ thể quá sức có thể làm ảnh hưởng đến các cơ trong cơ thể, gia tăng việc tiêu thụ đường, dẫn đến hạ đường huyết. Hơn nữa, hoạt động thể lực quá sức còn làm tiêu hao nhiều năng lượng, dẫn đến việc kích thích cơ thể ăn nhiều hơn để bù đi phần năng lượng tiêu hao dẫn đến rối loạn đường huyết.

Do uống thuốc điều trị bệnh tiểu đường

Việc tự ý sử dụng thuốc, thay đổi liều lượng thuốc trị bệnh đái tháo đường hoặc tự ý ngưng thuốc khi có chỉ định bác sĩ dễ dẫn đến nhưng nguy hiểm cho bệnh nhân

Do căng thẳng tâm lý

Những căng thẳng về tâm lý, stress kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân làm cho mức đường huyết của bệnh nhân tăng cao

Do mắc các bệnh lý khác

Một số bệnh lý như cảm cúm, đau dạ dày, viêm phổi, tiêu chảy... sẽ làm tăng hiện tượng stress trong cơ thể, khiến thay đổi lượng đường trong máu, xuất phát từ:

Uống nhiều rượu bia hoặc thức uống có cồn

Sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau và thuốc corticoid...

Làm tăng lượng đường trong máu.

Làm gì khi có đường huyết bất thường?

Người bệnh đái tháo đường cần thường xuyên theo dõi chỉ số đường huyết nếu:

  • Đường huyết thấp: các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân đái tháo đường nên chuẩn bị sẵn bên một ít bánh ngọt, kẹo, uống sữa hoặc nước đường. khi có các triệu chứng của hạ đường huyết hoặc khi đường huyết thấp bạn nên sử dụng ngay để tránh tình trạng hạ đường huyết nặng hơn và trước khi được sự trợ giúp từ các bác sĩ.
  • Khi đường huyết tăng: bệnh nhân nên xem lại chế độ ăn, loại thức ăn, tình trạng quên uống thuốc không. Sau đó nên đi gặp các bác sĩ để được tư vấn và điều chỉnh thuốc.

Làm sao để tránh được vùng đường huyết nguy hiểm?

Việc theo dõi và điều trị bệnh đái tháo đường là một quá trình kéo dài và liên tục. Do đó, ngay từ lúc vừa được chẩn đoán bệnh, người bệnh cần phải biết cách tự chăm sóc và theo dõi bệnh hằng ngày bằng cách:

  • Thường xuyên theo dõi chỉ số đường huyết mỗi ngày và biết được mức đường huyết thế nào là an toàn và khi nào nguy hiểm.
  • Biết cách nhận ra các triệu chứng và xử lý ban đầu khi mức đường huyết quá cao hoặc quá thấp.
  • Xây dựng một chế độ ăn hợp lý, khoa học và đầy đủ dinh dưỡng.
  • Thường xuyên tập thể dục: người bệnh lựa chọn hoạt động thể lực an toàn và hiệu quả và phù hợp với bản thân. Các chuyên gia khuyến cáo hình thức đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày sẽ phù hợp với đa số bệnh nhân mắc bệnh.
  • Sử dụng thuốc điều trị bệnh ( đường tiêm hoặc uống) đúng cách, đúng chỉ định và liều lượng của bác sĩ. Không tự ý ngưng thuốc hay thay đổi liều lượng thuốc.
  • Ngưng thuốc lá, rượu bia.
  • Luôn làm cho cuộc sống trở nên lạc quan, tránh các căng thẳng.
vicare.vn-chi-so-duong-huyet-bao-nhieu-la-binh-thuong-body-4

Kết luận

Chỉ số đường huyết chính là chỉ số thể hiện nồng độ đường trong máu. Dựa vào chỉ số này các bác sĩ có thể chẩn đoán và giúp người bệnh có thể theo dõi bệnh tốt hơn

Do đó, để có một chỉ số đường huyết ổn định và an toàn, bản thân người bệnh cần phải thường xuyên theo dõi lượng đường trong cơ thể. Bên cạnh đó cần phải kết hợp với một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý. Đồng thời gia tăng các hoạt động vận động cơ thể, tránh xa các loại chất kích thích( thuốc lá, rượu bia), tránh stress và giữ cho cuộc sống được thoải mái, tránh áp lực.

Việc kiểm soát đường huyết tốt, sẽ giúp người bệnh có một cuộc sống khỏe mạnh , cân bằng và giảm các biến chứng của bệnh gây ra.

Xem thêm:

  • Đường huyết cao có phải bị tiểu đường hay không?
  • Chi phí xét nghiệm đường huyết thai kỳ là bao nhiêu?
  • Có thể tự theo dõi đường huyết ở nhà không?