Chăm sóc, điều trị ung thư di căn như thế nào?

Chào Bác sĩ!

Ba tôi năm nay 60 tuổi, khoảng một năm trở lại đây, cảm thấy đau ở vùng gáy và lan xuống cánh tay trái, có cảm giác tê, lâu dần ảnh hưởng tới hoạt động hàng ngày. Ba tôi có đi chụp X-Quang thì Bác sĩ kết luận là thoái hóa đốt sống cổ, X-Quang phổi thì cho kết quả là "mờ đỉnh phổi trái, nghi do lao". Gần đây triệu chứng đau của ba tôi ngày càng trầm trọng, tôi có đưa ba đi làm các xét nghiệm MRI và CT scanner (tại 1 bệnh viện lớn ở TPHCM) thì kết quả là "K đỉnh phổi trái, xâm lấn đốt sống cổ D1, D2 và xương sườn", Bác sĩ có chỉ định làm Xét nghiệm đàm trực tiếp và nội soi phế quản (lấy mẫu sau khi nội soi đi xét nghiệm), kết quả xét nghiệm đàm là "âm tính", nội soi bình thường, còn mẫu lấy đi xét nghiệm thì lại không cho kết quả gì cả (Bác sĩ có giải thích, nhưng tôi chưa hiểu rõ lắm). 

Vậy các Bác Sĩ cho tôi hỏi: Kết quả xét nghiệm mẫu đó sao lại như vậy? Nó phản ánh gì? Và tôi phải làm gì tiếp theo để biết rõ ràng bệnh của ba mình?

Cảm ơn Bác sĩ!

Điều trị, chăm sóc bệnh nhân ung thư

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh cho biết: "Như vậy là bệnh nhân bị ung thư phổi, nghi ngờ có tổn thương lao phổi kèm theo (vì dấu hiệu mờ ở đỉnh phổi).

Tình trạng bệnh là rất nặng nề, cần phải có sự chăm sóc động viên tích cực, cần sự thống nhất trong quan điểm điều trị của mọi người thân trong gia đình. Tùy từng nhận thức, sự hiểu biết và tinh thần của người bệnh mà có thể dần dần giải thích cho bệnh nhân biết cụ thể tính chất của bệnh, hoặc giấu bệnh đến cùng.

Khái niệm “Chăm sóc động viên tích cực” tức là sự quan tâm chăm sóc phục vụ của gia đình tạo xu hướng tích cực cho người bệnh, làm người bệnh lạc quan hoặc bình tĩnh chấp nhận, không căng thẳng lo âu, chán nản,... Tích cực ở đây không có nghĩa là tập trung đông người, úp úp mở mở, xì xào bàn tán, ân cần thái quá hoặc có những phát ngôn không hợp lý....nếu như vậy là sự chăm sóc “tiêu cực”. Vấn đề là ở chỗ tạo sự thoải mái nhất cho bệnh nhân trong những ngày cuối trên giường bệnh".

Nên thực hiện hóa trị và tự chăm sóc bệnh nhân tại nhà?

Bác sĩ Thảnh cũng nhấn mạnh: "Bạn nên đưa bệnh nhân đi khám ở bệnh viện ung bướu thành phố Hồ Chí Minh và xin tư vấn ở bác sĩ trực tiếp khám bệnh cho bệnh nhân, vì không trực tiếp biết kết quả thăm khám lâm sàng và phi lâm sàng thì không thể có tư vấn chính xác được, nhất là tiên lượng. Ung thư phổi thường là ung thư biểu mô biệt hóa nên sự xâm lấn và phát triển chậm hơn ung thư ở dạ dày và ung thư gan, tuổi thọ của bệnh nhân sẽ kéo dài hơn hai loại ung thư trên".

Chế độ dinh dưỡng cho người hóa trị

Theo Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh, chế độ dinh dưỡng cho người hóa trị không có yêu cầu đặc biệt, chỉ cần theo nguyên tắc dễ hấp thu, nhiều chất dinh dưỡng và hợp khẩu vị của người bệnh, truyền hóa chất chữa ung thư thường có tác dụng phụ là gây chán ăn, hoặc sợ ăn. Nếu hiện tượng sợ ăn xảy ra thì sử dụng thay thế bằng đường truyền tĩnh mạch, không nên quá ép vì càng quá ép biểu hiện sợ ăn càng nặng nề hơn.

Về mặt tinh thần, bệnh nhân thuộc dạng chán nản bi quan, buồn cho phận mình. Cách giải tỏa tình trạng ức chế này là bạn không nên nói nhiều, động viên vì mọi sự động viên đều vô nghĩa, bạn cần đôn đáo tìm thầy, tìm thuốc tạo cho bệnh nhân có ảo vọng là may ra gặp thầy, gặp thuốc bệnh sẽ khỏi, trong khi vẫn phải tuân thủ phác đồ điều trị của bệnh viện.
Chúc sức khỏe!