Câu chuyện về vị bác sĩ quy y cửa Phật
Phòng khám nhỏ nép mình giữa không gian tu trì yên bình, tĩnh lặng, phảng phất mùi trầm hương và nữ bác sĩ khoác áo blouse trắng bên ngoài tu phục. Đó sẽ là những ấn tượng đầu tiên mà bạn có thể dễ dàng nhận thấy khi tới thăm khám tại Phòng khám Đa khoa từ thiện chùa Hà Tiên
Câu chuyện về vị bác sĩ quy y cửa Phật
(TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
Nữ bác sĩ quy y cửa Phật và ước nguyện điều trị bệnh cho người nghèo
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà nguyên là Phó chủ nhiệm khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương và đã hai lần sang Pháp làm nghiên cứu sinh. Những tưởng rằng đây sẽ là nền tảng để bác sĩ Hà tiếp tục phát triển và thăng tiến hơn trong sự nghiệp. Nhưng, nhờ mối cơ duyên hơn 10 năm trước, khi lần đầu tiên đến lễ ở chùa Hà Tiên và được nghe Thượng tọa Thích Minh Trí chia sẻ về dự định sẽ xây một bệnh viện từ thiện tại chùa để khám và điều trị bệnh miễn phí cho những người nghèo khó, đã khiến cho vị nữ bác sĩ này quyết định để cuộc đời mình bước đi theo một hướng hoàn toàn khác. Năm 2014, từ bỏ công việc ổn định, vị trí làm việc nhiều người mơ ước, bác sĩ Hà đã quy y tại chùa Hà Tiên, trở thành sư bác Thích Nữ Diệu Nhân.
Bởi ước nguyện xây dựng bệnh viện như dự định ban đầu chưa thể thực hiện ngay lập tức, nên sư thầy Thích Minh Trí và sư bác Thích Nữ Diệu Nhân đã quyết định thành lập trước Phòng khám Đa khoa chùa Hà Tiên. Phòng khám được bố trí 2 tầng trong khuôn viên rộng hàng nghìn mét vuông của chùa Hà Tiên. Với phương châm hoạt động xuyên suốt “từ bi trong hành động” cùng mục tiêu chính là chia sẻ khó khăn với bệnh nhân nghèo, các đối tượng chính sách, phòng khám Đa khoa chùa Hà Tiên đã và đang góp sức cùng ngành Y tế chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng như các vùng lân cận. Hiện nay, sư bác Thích Nữ Diệu Nhân đang điều hành trực tiếp và đảm nhận nhiệm vụ khám, điều trị bệnh chính tại phòng khám
Phòng khám và điều trị bệnh miễn phí ở chùa
Tại Phòng khám đa khoa chùa Hà Tiên, mặc dù lượng bệnh nhân tới khám hàng ngày cũng như lưu lại điều trị rất đông nhưng không hề có sự nhộn nhạo, chen lấn hay ồn ào giống như tại các phòng khám bình thường khác. Người bệnh khi tới khám và trị bệnh tại đây đều rất ý thức, trật tự và quy phép, giữ gìn bầu không khí trang nghiêm, tôn kính nơi cửa Phật. Bệnh nhân tới khám lần lượt, ai đến trước sẽ được khám trước.
Về đội ngũ y bác sĩ, ngoài sư bác Thích Nữ Diệu Nhân điều hành và chịu trách nhiệm chuyên môn chính, phòng khám đa khoa chùa Hà Tiên còn có 3 bác sỹ chuyên khoa nội, ngoại và chẩn đoán hình ảnh, họ đều là những người đã từng công tác, nắm giữ các chức vụ cao tại các cơ sở y tế tỉnh Vĩnh Phúc, sau khi nghỉ chế độ đã phát tâm tình nguyện ra giúp nhà chùa. Đồng thời, hàng tháng rất nhiều bác sĩ, tiến sĩ thuộc các bệnh viện lớn như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện 108, Bệnh viện 103, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương... vẫn định kỳ đến chùa Hà Tiên thăm khám, điều trị bệnh miễn phí cho những người nghèo.
Từ khi thành lập tới nay, phòng khám đa khoa chùa Hà Tiên đã trở thành địa chỉ khám và điều trị bệnh tin cậy dành cho người dân TP Vĩnh Yên và các khu vực lân cận. Theo chia sẻ của bà mẹ trẻ Nguyễn Thu Hồng: “Dù nhà tôi ngay cạnh Trung tâm y tế huyện nhưng vẫn bắt taxi để đưa con tới đây. Nhà tôi có con nhỏ nên phải đưa con đến các bệnh viện, các phòng khám tư nhiều rồi nhưng tôi chưa thấy ở đâu thái độ phục vụ lại nhẹ nhàng, thân thiện như phòng khám từ thiện này.
Cảm giác như con mình đang được chính người thân khám cho vậy. Ở đây sư bác cùng với các y bác sĩ khác không chỉ khám, điều trị bệnh mà còn hỏi han, trò chuyện. Ở đây còn sử dụng thuốc cũng kết hợp cả Đông, Tây y chứ không dùng kháng sinh liều cao cho nhanh khỏi bệnh như nhiều nơi khác”.
Khi mà giữa cuộc sống đời thường, vấn đề y đức đang là một dấu hỏi lớn chưa có lời đáp thì sự hiện diện của phòng khám đa khoa từ thiện chùa Hà Tiên cùng với tấm lòng của sư bác Thích Nữ Diệu Nhân thực sự đã làm đẹp hơn cho hình ảnh những lương y chân chính, hết lòng phụng sự nhân dân. Ở nơi đây, các y, bác sỹ vẫn đang được người bệnh yêu mến gọi bằng những cái tên: “cô tiên”, “mẹ hiền”.