Cảnh báo 5 dấu hiệu bị viêm cơ tim cấp

Viêm cơ tim cấp là một trong những bệnh nguy hiểm mà bất kỳ ai cũng có thể mắc phải. Tuy nhiên, với những triệu chứng nhẹ không quá đặc trưng, viêm cơ tim cấp sẽ khiến cho người bệnh dễ dàng bỏ qua và dẫn tới những hậu quả khó lường.

Cảnh báo 5 dấu hiệu bị viêm cơ tim cấp Cảnh báo 5 dấu hiệu bị viêm cơ tim cấp

Viêm cơ tim cấp là gì?

Viêm cơ tim cấp là tình trạng viêm cơ tim, hoại tử cơ tim do nhiễm trùng, bệnh mô liên kết, nhiễm độc hoặc không rõ nguyên nhân.

Cho đến nay, tỷ lệ mắc bệnh vẫn chưa được thống kê đầy đủ. Tuy nhiên, ước tính rằng có tới 5 - 10 % trường hợp mắc bệnh ở người lớn có thể tự lui bệnh, có đến 50% bệnh nhân chết trong vòng 2 năm và khoảng 80% bệnh nhân chết trong vòng 8 năm nếu không được thay tim.

Đối với trường hợp mắc bệnh là trẻ em, nguy cơ tử vong rất lớn và có thể làm suy giảm chức năng của cơ tim theo thời gian.

vicare.vn-canh-bao-5-dau-hieu-bi-viem-co-tim-cap-body-1

Nguyên nhân viêm cơ tim cấp

Qua những ca bệnh được chẩn đoán và điều trị, người ta nhận thấy vi rút là tác nhân gây bệnh hàng đầu ở bệnh nhân viêm cơ tim cấp. Trong đó, Adenovirus là một trong những vi rút chủ yếu gây bệnh ở mọi lứa tuổi. Đây còn là loại vi rút thường gây ra các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, đường tiêu hóa và rất dễ lây qua đường hô hấp khi người bình thường tiếp xúc với người bệnh.

Ngoài ra, các vi rút Herpes simplex, Varicella-zoster (gây bệnh thủy đậu và zona) và Coxsackievirus cũng là nguyên nhân gây bệnh thường gặp. Chúng đều là những vi rút phổ biến trong cộng đồng và có thể bùng phát thành dịch khi có cơ hội.

Chính vì vậy, việc nhận biết các triệu chứng viêm cơ tim cấp đồng thời hiểu rõ cách phòng ngừa căn bệnh này là chìa khóa giúp bạn tự bảo vệ bản thân và gia đình.

Dấu hiệu cho thấy bạn có nguy cơ mắc viêm cơ tim cấp

Thông thường, bệnh nhân viêm cơ tim cấp sẽ trải qua 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: tổn thương cơ tim và hoạt hóa đáp ứng miễn dịch của cơ thể
  • Giai đoạn 2: viêm cơ tim cấp.
  • Giai đoạn 3: phục hồi hoặc mắc bệnh cơ tim mạn tính.

Các dấu hiệu sẽ xuất hiện ở giai đoạn 1 và diễn biến nhanh chóng ở giai đoạn 2. Trong một số trường hợp, người mắc viêm cơ tim thể nhẹ không có triệu chứng đáng chú ý. Người bệnh có thể cảm thấy không khỏe nhưng tình trạng sẽ dần tốt hơn và tự lui bệnh sau một thời gian.

Đối với các trường hợp viêm cơ tim cấp điển hình, người mắc bệnh sẽ có một số dấu hiệu sau đây:

Sốt, lạnh người

Đây là triệu chứng đầu tiên xuất hiện khi cơ thể bị vi rút hoặc vi khuẩn tấn công. Tuy nhiên, sốt là một biểu hiện phổ biến trong nhiều bệnh, do đó cần theo dõi các biểu hiện xảy ra đồng thời khác.

Đau họng hoặc tiêu chảy

Các vi rút gây viêm cơ tim cấp đều là những vi rút gây bệnh quen thuộc ở đường hô hấp và tiêu hóa. Chính vì vậy, chúng sẽ tấn công đồng thời ở các cơ quan này và cả cơ tim khiến cho người bệnh có các triệu chứng như ho, đau họng hay đi ngoài liên tục.

Đau đầu, đau mỏi toàn thân

Bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau mỏi toàn thân đặc biệt các cơ, khớp. Người mắc bệnh thậm chí không muốn cử động tay chân, cảm thấy rất mệt khi hoạt động. Do đó, ăn uống sẽ kém hơn.

Huyết áp hạ, đau ngực, khó thở khi gắng sức

Sau khi có các biểu hiện trên từ 1 - 2 ngày, người mắc viêm cơ tim cấp bắt đầu có cảm giác đau ngực, khó thở khi làm việc nặng hay hoạt động thể chất, đôi khi cả những lúc nghỉ ngơi. Tim đập nhanh hơn hoặc bất thường, huyết áp hạ và thường xuyên thấy hồi hộp. Có trường hợp, người bệnh xỉu hoặc ngất đi.

Phù chân, đau tức vùng mạn sườn

Khi đã xuất hiện các triệu chứng này có nghĩa bệnh nhân đã đến giai đoạn suy tim. Hai chân dưới cảm thấy nặng, có thể thấy biểu hiện phù rõ. Người bệnh sẽ đau tức vùng gan, tĩnh mạch cổ nổi lên và khó thở nhiều hơn.

Tuy nhiên, viêm cơ tim cấp chỉ được chẩn đoán chính xác khi bệnh nhân có các biểu hiện lâm sàng như trên cùng với các kết quả cận lâm sàng như: siêu âm tim, điện tim, sinh thiết cơ tim, chụp XQ tim phổi, xét nghiệm tìm kháng thể ...Do vậy, khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của viêm cơ tim cấp, cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

vicare.vn-canh-bao-5-dau-hieu-bi-viem-co-tim-cap-body-2

Giải pháp dự phòng

Viêm cơ tim cấp không phải là một bệnh hiếm gặp nhưng lại là một căn bệnh gây khó khăn cho các nhân viên y tế trong việc chẩn đoán, điều trị. Vì thế, mỗi người trong chúng ta cần phải hết sức chú ý để bảo vệ mình khỏi căn bệnh nguy hiểm. Một số giải pháp dự phòng được khuyến cáo như sau:

  • Giữ gìn sức khỏe, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và tránh các yếu tố làm cơ thể yếu đi như sử dụng chất kích thích, stress, thức khuya, hoạt động quá sức...
  • Giữ gìn vệ sinh chung, hạn chế tiếp xúc với những bệnh nhân nhiễm những loại vi rút, vi khuẩn có nguy cơ cao gây ra bệnh viêm cơ tim cấp.
  • Thực hiện tiêm phòng đầy đủ đặc biệt là trẻ em và phụ nữ có thai.
  • Thực hiện khám sức khỏe 6 tháng/lần để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh.

Trên đây là các thông tin quan trọng giúp bạn nhận biết được các dấu hiệu sớm của căn bệnh viêm cơ tim cấp cũng như các biện pháp dự phòng căn bệnh. Hãy hành động ngay hôm nay để có một trái tim khỏe mạnh.

Xem thêm:

  • Viêm cơ tim: Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh
  • Bệnh viêm cơ tim: Điều trị nhanh tránh biến chứng nguy hiểm
  • Đột quỵ và nhồi máu cơ tim: Chúng khác nhau như thế nào?