Cảm giác khát khô cổ cũng là dấu hiệu bệnh lý? Bạn có tin không?
Cảm giác khát khô cổ xuất hiện khi cơ thể không được cung cấp đủ 2 - 2,5l nước mỗi ngày. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn đã uống đủ lượng nước cần thiết mà vẫn cảm thấy khát, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh lý không nên bỏ qua.
Cảm giác khát khô cổ cũng là dấu hiệu bệnh lý? Bạn có tin không?
Cảm giác khát khô cổ có thể cảnh báo tiểu đường
Trong bệnh tiểu đường, do cơ thể không kiểm soát được lượng glucose trong máu nên nồng độ tăng cao, tạo áp lực khiến cho thận phải làm việc nhiều hơn để tăng đào thải glucose qua đường nước tiểu. Việc đi tiểu nhiều khiến cơ thể bị mất nước, cảm thấy khát thường xuyên, đồng thời hệ quả là cơ thể muốn uống nước nhiều hơn.
Đó cũng chính là hai trong bốn triệu chứng cơ năng đặc trưng của bệnh tiểu đường bao gồm “ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sút cân nhiều”. Do vậy, nếu bạn uống nước và đi tiểu thường xuyên hơn, đồng thời cảm thấy mệt mỏi kèm theo cân nặng giảm rõ rệt, bạn nên tới bệnh viện để được kiểm tra nồng độ glucose trong máu và làm các xét nghiệm cần thiết khác.
Đái tháo nhạt
Đái tháo nhạt là một rối loạn ít gặp gây ra sự mất cân bằng nước trong cơ thể. Người mắc bệnh đái tháo nhạt thường xuyên cảm thấy khát khô cổ và đi tiểu rất nhiều. Tuy nhiên, khác với đái tháo đường, cảm giác khát trong bệnh đái tháo nhạt rất dữ dội, người bệnh đặc biệt thèm nước lạnh. Lượng nước tiểu được bài tiết trong bệnh đái tháo nhạt rất lớn, có thể lên tới 15l mỗi ngày (trung bình ở người trưởng thành là 1,5 - 3l mỗi ngày), nước tiểu loãng và không có glucose.
Khi bạn nhận thấy hai dấu hiệu này, việc đi khám bác sĩ là cần thiết để chẩn đoán chính xác tình trạng của bạn là đái tháo nhạt, đái tháo đường hay một bệnh lý khác, từ đó có kế hoạch điều trị phù hợp.
Bệnh lý tuyến giáp
Tuyến giáp sản xuất hormon T4 và T3 có vai trò tăng cường quá trình trao đổi chất, kích thích hoạt động của các tuyến ngoại tiết như tuyến nước bọt, tuyến sinh dục, tuyến sữa. Các vấn đề về tuyến giáp ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến nước bọt, gây hiện tượng giảm tiết nước bọt dẫn tới cảm giác khát, khô miệng, ngoài ra có thể kèm theo khô mắt, khô da, tóc khô xơ, móng tay giòn, dễ gãy,...
Bệnh lý tuyến nước bọt
Tuyến nước bọt có thể chịu ảnh hưởng từ sự rối loạn của tuyến giáp gây giảm tiết nước bọt. Bên cạnh đó, các bệnh lý tuyến nước bọt như viêm hay sỏi tuyến đều làm giảm dòng chảy nước bọt trong miệng, gây khô miệng. Sỏi trong ống tuyến nước bọt tạo thành nút chặn ngăn cản nước bọt đổ vào miệng. Việc giảm tiết nước bọt làm tăng nặng tình trạng sâu răng, ngoài ra có thể gây khó khăn cho hoạt động nuốt, nói.
Thiếu máu
Thiếu máu mạn tính thường không khiến bạn cảm thấy khát khô cổ. Tuy nhiên, tình trạng mất máu đột ngột như bị thương chảy máu hay phụ nữ trong những ngày “đèn đỏ” thường cảm thấy khát nước hơn bình thường. Nguyên nhân là tình trạng này gây ra sự mất mát hồng cầu, đồng thời mất cân bằng hệ thống dịch trong cơ thể và cảm giác khát chính là tín hiệu được gửi về não để cơ thể đáp ứng bằng các hành động khắc phục như bổ sung nước, cầm máu, nằm nghỉ ngơi,...
Một số loại thuốc
Thuốc lợi tiểu làm tăng sự bài tiết nước từ cơ thể nên có thể khiến bạn cảm thấy khát nước, mặc dù cảm giác khát không nghiêm trọng đến nỗi khát khô miệng và cổ họng. Tác dụng phụ này sẽ giảm dần khi có thể làm quen với thuốc.
Một số loại thuốc chống trầm cảm có tác dụng phụ là giảm dòng chảy nước bọt trong miệng, gây khô miệng. Bên cạnh đó, bản thân tình trạng căng thẳng, lo âu quá độ cũng tác động đến khả năng tiết của các tuyến nước bọt, có thể gây khô miệng trầm trọng và các vết loét niêm mạc miệng. Cách giải quyết tốt nhất cho tình trạng này đó là xây dựng lối sống lành mạnh và vui vẻ để tránh những tác động tiêu cực của stress.
Chế độ dinh dưỡng
Một chế độ ăn mặn chắc chắn sẽ khiến bạn cảm thấy khát khô cổ. Sau khi ăn quá nhiều muối, lượng muối được hấp thu vào cơ thể tạo nên một áp suất kéo nước từ bên trong tế bào ra ngoài tế bào, khiến cho tế bào bị mất nước và cơ thể dần cảm thấy mất cân bằng.
Một số loại thực phẩm có tác dụng lợi tiểu như măng tây, củ cải đường, cần tây, gừng,... khiến cho bạn đi tiểu nhiều hơn, gây ra cảm giác khát và cơ thể muốn bổ sung nước. Mặc dù những thực phẩm này không có hại cho sức khỏe, bạn nên kiểm soát hàm lượng để tránh những bất tiện do chúng gây ra và lựa chọn những thực phẩm thay thế mà vẫn đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cần thiết hàng ngày.
Cảm giác khát khô cổ ngay cả khi bạn đã uống đủ nhu cầu nước hàng ngày cho thấy sự mất cân bằng của hệ thống dịch và nước trong cơ thể. Đó có thể là dấu hiệu phản ánh bệnh lý tiềm ẩn trong một số trường hợp mà bạn không nên bỏ qua. Vì vậy, khi có cảm giác khát nhiều mà việc uống nước không làm bạn cảm thấy dễ chịu hơn, hãy đến gặp bác sĩ để được làm xét nghiệm và tư vấn các biện pháp cần thiết.
Xem thêm:
- Những biểu hiện không ngờ gây nên ung thư vòm họng
- Phân biệt ung thư vòm họng và viêm họng hạt
- 6 dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường