Cách truyền dịch an toàn bạn nên biết
Truyền dịch là phương pháp phổ biến và được sử dụng rộng rãi nhằm cung cấp chất dinh dưỡng, nước và các chất điện giải... cho cơ thể, trong các trường hợp suy kiệt, ăn uống kém, mất nước... Tuy nhiên dịch truyền sẽ là liều thuốc hiệu quả khi được dùng đúng bệnh, đúng lúc, đúng liều. Việc lạm dụng dịch truyền hoặc dùng sai chỉ định có thể dẫn đến nhiều tai biến khó lường. Dịc...
Cách truyền dịch an toàn bạn nên biết
Truyền dịch là phương pháp phổ biến và được sử dụng rộng rãi nhằm cung cấp chất dinh dưỡng, nước và các chất điện giải... cho cơ thể, trong các trường hợp suy kiệt, ăn uống kém, mất nước... Tuy nhiên dịch truyền sẽ là liều thuốc hiệu quả khi được dùng đúng bệnh, đúng lúc, đúng liều. Việc lạm dụng dịch truyền hoặc dùng sai chỉ định có thể dẫn đến nhiều tai biến khó lường.
Dịch truyền là gì?
Dịch truyền là loại dung dịch hòa tan chứa nhiều chất khác nhau, có thể tiêm chậm hoặc truyền trực tiếp vào tĩnh mạch người bệnh. Phần lớn dung môi sử dụng là nước cất, ngoài ra có thể sử dụng một số loại dung môi khác để hòa tan dược chất.
Hiện có khoảng trên 20 loại dịch truyền được chia thành ba nhóm cơ bản đó là:
- Nhóm cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể: glucose các loại 5%, 10%, 20%, 30% và các dung dịch chứa chất đạm, chất béo và vitamin
- Nhóm cung cấp nước và các chất điện giải, dùng trong trường hợp mất nước, mất máu: dung dịch lactate ringer, natri clorua 0,9%, bicarbonate natri 1,4%...
- Nhóm đặc biệt dùng trong các trường hợp cần bù nhanh chất albumin hoặc lượng dịch tuần hoàn trong cơ thể: huyết tương tươi, dung dịch chứa albumin, dung dịch dextran, haes-steril, gelofusin hay dung dịch cao phân tử...
Các trường hợp cần truyền dịch
Trong cơ thể của chúng ta đều sẽ có các chỉ số trung bình trong máu, về các chất đạm, đường, muối, các chất điện giải... Sau khi đến thăm khám tại các cơ sở y tế và được các bác sĩ chẩn đoán, đo huyết áp... Và xác định một trong các chỉ số trung bình trên còn thấp hơn mức chỉ số bình thường cho phép thì lúc đó chúng ta mới cần truyền dịch. Tuy nhiên để có thể quyết định bệnh nhân có cần truyền dịch hay không, các bác sĩ thường hay dựa vào các kết quả của xét nghiệm để thấy được trường hợp nào cần thiết và trường hợp nào chưa cần thiết để truyền bổ sung và số lượng bổ sung là bao nhiêu.
Vì vậy thông thường dịch truyền chỉ được sử dụng trong các trường hợp cần thiết như:
- Bồi hoàn thể tích dịch cơ thể bị mất khi sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy, bỏng, chấn thương chảy máu...
- Cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể khi bệnh nhân không ăn uống được, bị suy kiệt, hôn mê, phẫu thuật đường ruột...
- Đưa thuốc vào cơ thể một cách từ từ với hàm lượng thuốc được pha loãng trong dịch truyền vì thực tế có một số loại thuốc không thể tiêm thẳng với tốc độ nhanh vào tĩnh mạch được.
- Bổ sung các chất điện giải như natri, kali, calci, clo... cho cơ thể khi các chất này được phát hiện thiếu hụt qua xét nghiệm máu.
Những nguy hiểm có thể xảy ra nếu truyền dịch không đúng
Việc truyền dịch cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có cán bộ chuyên môn, có dụng cụ và thiết bị xử lý các trường hợp rủi ro. Đồng thời nếu như bệnh nhân chưa được bác sĩ xác định có thể truyền dịch trong trường hợp nào mà tự ý quyết định thì sẽ xảy ra những nguy hiểm:
- Gây sưng phù, đau tại vùng tiêm, nhiễm trùng chỗ tiêm gây nhiễm trùng máu và sốc nhiễm trùng nếu như truyền không đúng kỹ thuật hoặc bằng các dụng cụ tiêm truyền nhiễm bẩn có thể làm nhiễm virut viêm gan B, viêm gan C, HIV, sốt rét...
- Nhưng một tai biến nguy hiểm có thể đến bất ngờ, đó là phản ứng toàn thân. Lúc đó, bệnh nhân cảm giác rét run, sắc mặt tái nhợt, vã mồ hôi, khó thở, đau ngực.
- Sốc phản vệ sốcó thể xảy ra trong trường hợp đang truyền dịch bệnh nhân đột nhiên bị lạnh run, sốt, toát mồ hôi. Trường hợp nặng hơn có thể làm tụt huyết áp, hôn mê, ngừng tim, ngừng thở và tử vong.
- Quá tải thể tích khi truyền dịch với số lượng lớn hoặc truyền với tốc độ nhanh quá sức chịu đựng của tim và phổi dẫn đến mệt, khó thở, suy tim, phù phổi cấp...
- Tắc khí do truyền hết dịch mà không biết hoặc để bóng khí lọt vào mạch máu gây thuyên tắc, trường hợp nặng có thể gây tử vong.
- Rối loạn thừa do không dùng đúng loại dịch truyền cần thiết, làm cơ thể mất cân bằng với các chất có trong dịch truyền.
Nguồn: Viện y học ứng dụng