Cách trị ghẻ ngứa ở trẻ em an toàn, hiệu quả
Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm các bệnh ngoài da nhất vì sức đề kháng của trẻ còn quá yếu ớt và chưa được hoàn thiện. Bệnh ghẻ ngứa tuy không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng lại gây ra khó chịu cho người bệnh. Vì vậy, việc chăm sóc và điều trị bệnh ghẻ ngứa cho trẻ là điều mà bậc phụ huynh nên lưu ý.
Cách trị ghẻ ngứa ở trẻ em an toàn, hiệu quả
Sau đây, HoiBenh sẽ giúp bạn tìm ra cách trị ghẻ ngứa ở trẻ em an toàn, hiệu quả.
Bệnh ghẻ ngứa là gì?
Ghẻ ngứa là căn bệnh khá thường gặp ở trẻ nhỏ do vấn đề vệ sinh cá nhân không tốt hoặc do nguồn nước sử dụng bị ô nhiễm dẫn tới nguy cơ nhiễm ký sinh trùng gây bệnh ghẻ ngứa. Ký sinh trùng gây nên bệnh ghẻ ngứa là cái ghẻ. Loại kí sinh trùng này một khi đã xâm nhập vào da thì chúng sẽ sinh sôi và phát triển liên tục trong vòng 4-6 tuần, mỗi ngày lại đẻ trứng tại lớp biểu bì của người bệnh. Nếu không được điều trị tận gốc bệnh sẽ thường xuyên tái phát và gây ra sự ngứa ngáy khó chịu cho người bệnh.
Biểu hiện của bệnh ghẻ ngứa ở trẻ em
Việc chẩn đoán bệnh ghẻ ngứa ở những tuần đầu tiên thường rất khó bởi những ký sinh trùng cái ghẻ gây bệnh khi mới bắt đầu xâm nhập vào da của con người sẽ không có biểu hiện ngứa ngáy.
Nhưng sau 2 tuần trở đi khi mà cái ghẻ bắt đầu đào hầm và đẻ trứng dưới da của bé gây ra những vết đỏ, ngứa thì cha mẹ mới có thể quan sát được bằng mắt thường. Tuy nhiên vẫn xảy ra trường hợp nhầm lẫn do cái ghẻ phát triển lâu ngày chuyển thành eczema, gây bội nhiễm hoặc ghẻ vảy.
Để chẩn đoán bệnh ghẻ ngứa ở trẻ em, bạn có thể dựa vào những triệu chứng của bệnh dưới đây:
- Ngứa nhiều về đêm, cơn ngứa tăng khi vận động, trời nắng và khi cơ thể ra nhiều mồ hôi.
- Bắt đầu xuất hiện nhiều mụn nước trên cơ thể, nhất là những vùng tay, chân, thắt lưng, háng, bụng, đùi... Ở trẻ nhỏ mụn nước có thể xuất hiện ở cả lòng bàn tay, chân, sau mông, tại những vị trí có nếp gấp như nách, bẹn,... Đặc biệt là cái ghẻ thường không làm tổ tại các vị trí như mặt, đầu và phần lưng trên. Tuy nhiên trẻ dưới 2 tuổi có thể bị ghẻ toàn thân nếu cha mẹ chăm sóc không đúng cách.
Ngứa là biểu hiện rõ nhất của bệnh ghẻ khiến người bệnh không thể nào chịu được, vì thế gãi chính là phản xạ tự nhiên của trẻ. Tuy nhiên điều này vô hình chung đã làm cho da bé bị tổn thương, trầy xước do vết gãi, gây ra sẹo thâm.
Cách trị bệnh ghẻ ngứa ở trẻ em an toàn, hiệu quả
Ghẻ ngứa là bệnh tương đối dễ điều trị, chỉ cần tiêu diệt sạch cái ghẻ và tuân thủ theo một số biện pháp phòng tránh bệnh tái phát là được. Nếu áp dụng đúng các phương pháp điều trị cái ghẻ thì bệnh thường khỏi hoàn toàn sau 2-3 tuần điều trị. Một số cách điều trị bệnh ghẻ ngứa ở trẻ an toàn và hiệu qủa bạn có thể tham khảo như sau:
Sử dụng thuốc tây
- Một nghiên cứu gần đây cho thấy Ivermectin - vốn là một loại thuốc dùng để điều trị giun, sán có tác dụng trong việc điều trị bệnh ghẻ. Thuốc chỉ sử dụng một liều duy nhất tương đương với 100-200μg/ 1kg trọng lượng cơ thể.
- Lindane (kwell, gamma-benzen hexachlorid) là loại thuốc dạng xịt, dùng để xịt vào những chỗ bị ghẻ ngứa trên khắp cơ thể trẻ. Mỗi ngày xịt 2 lần, mỗi lần xịt cách nhau 8-12 tiếng. Loại thuốc này có tác dụng nhanh nhưng gây độc cho hệ thần kinh nên chống chỉ định cho trẻ dưới 12 tuổi và phụ nữ đang mang thai.
- D.E.P (dietyl phtalat) là dạng thuốc bôi để chống côn trùng nhưng cũng có tác dụng trị ghẻ ngứa khá tốt và an toàn. Mỗi ngày bạn bôi lên vùng da bị nhiễm bệnh của trẻ từ 2-3 lần. Thuốc không áp dụng cho trẻ dưới 1 tuổi và không bôi vào bộ phận sinh dục.
- Eurax (crotamintan) 10%, là thuốc bôi trị ghẻ ngứa rất tốt. Ngày bôi hai lần, mỗi lần bôi cách nhau từ 6-10 tiếng. Eurax là loại thuốc đã được các bác sĩ chứng nhận về độ an toàn. Có thể dùng cho cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Benzyl benzoat (zylate, scabitox, ascabiol) là loại thuốc có cả thuốc bôi và thuốc dạng xịt với độ an toàn cao và trị ghẻ rất tốt. Bạn hãy bôi thuốc cho trẻ tối thiểu hai lần/ngày, mỗi lần cách nhau 15 phút. Dạng xịt cũng sử dụng tương tự như vậy.
- Ngoài ra còn có loại thuốc Permethrin dạng bôi, là loại thuốc được các bác sĩ khuyên dùng nhiều nhất vì nó ít gây ra tác dụng phụ và có tác dụng trị bệnh ghẻ ngứa rất tốt. Loại thuốc này có thể bôi ở bất cứ vị trí nào bị ngứa trên cơ thể của trẻ (trừ mặt).
Sau khi điều trị khỏi bệnh thì các triệu chứng ngứa đôi khi vẫn có thể xảy ra 1 vài ngày sau đó nhưng cuối cùng cũng sẽ khỏi hẳn. Nếu bệnh tái phát thì bạn có thể tiếp tục điều trị cho trẻ đến khi nào bệnh khỏi hẳn thì thôi.
Nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng những loại thuốc này để điều trị ghẻ ngứa cho trẻ.
Sử dụng thuốc nam
- Cách 1: Sử dụng các loại lá như: lá trầu không, lá khế, lá khổ sâm, lá xoan, lá diếp cá, lá bạc hà để đun nước tắm cho trẻ mỗi ngày. Lưu ý là các loại lá này dùng riêng lẻ chứ không được sử dụng chung với nhau.
- Cách 2: Hòa tan 100g thuốc lào và 100ml rượu trắng vào một cái bát, sau đó cho vào nồi đun kỹ đến khi cô đặc lại. Dùng phần nước này thoa lên những vùng da bị ghẻ của trẻ ngày 2-3 lần, sử dụng liên tục trong một tuần bệnh sẽ khỏi hẳn.
- Cách 3: Dùng 30g hạt máu chó đem tán thành bột mịn, trộn cùng với 20g bột nghệ và dầu lạc. Dùng hỗn hợp này bôi trực tiếp lên vùng da bị ghẻ của trẻ mỗi ngày một lần. Nên bôi trước khi trẻ đi ngủ và sau khi đã tắm gội sạch sẽ.
Bên cạnh đó, bạn phải luôn giữ vệ sinh sạch sẽ cho bé mỗi ngày. Tập cho con thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Ngâm quần áo, khăn mặt, bát đũa, đồ chơi của trẻ vào nước sôi hoặc dung dịch cloramin B 2% để khử trùng và diệt khuẩn.
Trên đây là những cách điều trị ghẻ ngứa ở trẻ em an toàn, hiệu quả mà cha mẹ nên tham khảo. Ghẻ ngứa có tính chất lây lan từ người này sang người khác vì vậy cần điều trị bệnh cẩn thận để tránh lây nhiễm cho cả nhà.