Cách phòng tránh các bệnh thường gặp vào mùa đông

Mùa đông thường là thời điểm không thuận lợi cho sức khỏe, đặc biệt với trẻ em và người già. Những bệnh nào là phổ biến? Nguyên nhân và cách phòng tránh để không mắc phải các bệnh thường gặp vào mùa đông? Cùng tìm hiểu những vấn đề đó qua thông tin bổ ích dưới đây.

Cách phòng tránh các bệnh thường gặp vào mùa đông Cách phòng tránh các bệnh thường gặp vào mùa đông

Một số bệnh thường gặp vào mùa đông

Các bệnh phổ biến thường gặp trong mùa đông là các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, vấn đề về da và xương khớp.

Cảm lạnh và cúm

vicare.vn-cach-phong-tranh-cac-benh-thuong-gap-vao-mua-dong-body-1
Những người có sức đề kháng kém đều dễ bị cảm lạnh và cúm khi vào mùa đông

Đây là hai chứng bệnh phổ biến nhất trong mùa đông mà bất kỳ ai cũng có thể mắc phải. Sức đề kháng giảm sút do hệ miễn dịch hoạt động kém hiệu quả vào những ngày mùa đông đã tạo cơ hội cho virus rhinovirus xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. Nguy hiểm hơn, bệnh cúm là loại bệnh lây lan qua việc tiếp xúc với mầm bệnh như hắt hơi, ho rất nhanh. Chính vì thế, người làm việc trong văn phòng hoặc trẻ đi học thường hay bị lây cúm từ người xung quanh. Thông thường, triệu chứng cảm lạnh, cảm cúm, sổ mũi sẽ khỏi trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, nếu bạn chủ quan không điều trị và phòng tránh thì bệnh có thể tái phát hoặc gây ra một số biến chứng nặng cho sức khỏe.

Viêm họng

Tương tự như cảm cúm, viêm họng cũng dễ lây từ người này sang người khác. Theo chuyên gia, sự thay đổi nhiệt độ (chênh lệch nhiệt độ) giữa ngoài trời và trong nhà là nguyên nhân dẫn đến đau, viêm họng.

vicare.vn-cach-phong-tranh-cac-benh-thuong-gap-vao-mua-dong-body-2
Bị viêm họng khi trời lạnh

Đau khớp

Một số người bị đau khớp sẽ thấy triệu chứng của bệnh rõ rệt hơn trong mùa đông. Các cơn đau nhức gây khó chịu cho người bệnh. Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học xác định nguyên nhân của hiện tượng này, nhưng nhiều ý kiến cho rằng thời tiết lạnh làm các mô bị sưng, cơ bắp thu hẹp và co thắt dẫn đến đau khớp.

Khô da

Mùa đông là “khắc tinh” của làn da với rất nhiều biểu hiện như: da khô, nứt nẻ, hình thành nếp nhăn, da bị xỉn màu, thâm sạm, ... Nguyên nhân là do da trong tình trạng mất nước, thiếu ẩm. Thời tiết lạnh khiến da ít tiết mồ hôi và các acid hữu cơ để bảo vệ da.

Viêm mũi – xoang

Nhiệt độ giảm đột ngột hoặc quá lạnh khiến nhiều người bị viêm đường hô hấp, dẫn đến viêm mũi và viêm xoang. Dấu hiệu thường thấy của viêm mũi – xoang là chảy nước mũi, nghẹt mũi (tùy vào tình trạng bệnh nhẹ hay nặng mà sẽ tắc một hoặc cả hai bên mũi), nghẹt về đêm, đau nhức mũi. Nước mũi chảy ra thường có màu vàng xanh, đặc, có thể lẫn máu do niêm mạc mũi bị tổn thương. Bệnh giảm dần thì nước mũi trong và ít chảy hơn. Bệnh cần điều trị dứt điểm và phòng ngừa khi mùa đông đến cẩn thận để không tái phát.

Đau tim

Nhiều người hay bị các cơn đau tim vào mùa đông. Nguyên nhân có thể là do nhiệt độ lạnh là tác nhân dẫn đến bệnh lý này. Các mạch máu khi trời lạnh bị co lại, thân nhiệt giảm gây ra tăng huyết áp. Đối với những người cao tuổi hoặc bị xơ vữa động mạch vành thì đau tim sẽ dễ xảy ra.

Đau dạ dày

Sự gia tăng lượng histamine trong máu vào mùa đông sẽ khiến dịch vị dạ dày tiết ra và co bóp mạnh hơn. Bên cạnh đó là thói quen ăn đồ cay nóng khi trời lạnh cũng gây ra hiện tượng đau bao tử nhiều hơn.

Hen suyễn

Những người bị hen suyễn, hen phế quản sẽ dễ bị tái phát trong mùa đông. Thở khò khè, tiếng thở rít, khó khăn khi thở gây nguy hiểm cho rất nhiều người. Chính vì vậy, hãy hạn chế ra ngoài khi trời lạnh và dùng máy làm ẩm không khí để không khí không bị khô.

Cách bảo vệ sức khỏe hiệu quả trong mùa đông

Giữ ấm cơ thể

Đây là biện pháp đơn giản mà hiệu quả nhất để phòng tránh các bệnh về đường hô hấp. Sử dụng khăn quàng cổ tránh gió và nhiệt độ lạnh, khẩu trang che miệng và bịt tai khi đi ra ngoài. Đeo bao tay, giày để giữ ấm chân tay. Tắm bằng nước ấm, vần hạn chế cho người già và trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai ở bên ngoài thời tiết lạnh.

Phòng ngủ cần được giữ ấm với nhiệt độ vừa phải, không quá nóng, dễ dẫn đến ngạt thở do thiếu oxy. Hạn chế mở cửa sổ, tuy nhiên nên thường xuyên dọn dẹp, có thể mở cửa phòng để không khí trong nhà lưu thông tốt hơn.

Uống tách trà nóng kèm với vài lát gừng tươi, mật ong hoặc trà thảo mộc là phương pháp giữ ấm cơ thể vừa tốt cho sức khỏe vừa dễ thực hiện. Mỗi ngày vào buổi sáng, tối, hãy duy trì thói quen này để bảo vệ sức khỏe.

Ăn nhiều trái cây và các loại rau họ cải

Vào mùa đông, bạn có xu hướng thích ăn đồ nướng, cay nóng nhiều hơn mà quên đi việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh mỗi ngày. Các loại hoa quả giàu vitamin C, chất chống oxy hóa có trong cam, quýt, dâu tây, cà rốt, táo, ổi, ... giúp tăng cường hệ miễn dịch, phòng lây nhiễm virus. Những loại củ quả phổ biến như cà rốt, củ cải, khoai tây, súp lơ xanh, ớt xanh, ... tốt cho mạch máu có thể được chế biến theo nhiều kiểu nghiền hoặc hầm thành những món canh, súp nóng hổi, thích hợp cho bữa ăn mùa đông lạnh giá và an toàn cho cả gia đình.

Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nước

Hãy cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể (4 nhóm chất cơ bản: chất đạm, chất bột, chất béo và vitamin – khoáng chất), nhất là vào mùa đông nhằm duy trì quá trình trao đổi chất. Một số loại thực phẩm giúp sản sinh ra lượng nhiệt, giúp cơ thể không bị cảm lạnh như thịt bò, thịt heo, thịt cừu, thịt gà, tôm và các đồ ăn giàu protein ít chất béo khác.

Những loại thịt và rau củ quả màu đỏ rất thích hợp để ăn vào mùa đông bởi chúng có chứa lycopen, vitamin A, nhóm B, axit amin có tác dụng làm ấm cơ thể hiệu quả, giúp tăng hệ miễn dịch, khả năng chịu lạnh.

Cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể vào mùa đông là thói quen cực kỳ quan trọng. Nên uống nước ấm để da không bị khô, mất nước, dễ bị lão hóa, quá trình bài tiết trong cơ thể không bị rối loạn.

Tập luyện thể dục vận động cơ thể

vicare.vn-cach-phong-tranh-cac-benh-thuong-gap-vao-mua-dong-body-3
Hãy tập luyện và vận động cơ thể đúng cách ngay cả khi vào mùa đông để bảo vệ sức khỏe

Đừng vì thời tiết lạnh giá mà bạn đóng cửa và ngồi ì trong nhà. Hãy duy trì thói quen tập luyện thể dục thể thao nhằm cải thiện vóc dáng, kiểm soát cân nặng, tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm đau hiệu quả. Chạy bộ, leo núi, yoga, aerobic, ... là những môn thể thao giúp cơ thể bạn được vận động thường xuyên và trở nên dẻo dai hơn.

Tránh xa trạng thái mệt mỏi

Chứng trầm cảm mùa đông (hay còn gọi là rối loạn khí sắc theo mùa) dễ khiến bạn có thái độ tiêu cực, chán nản và mệt mỏi, buồn ngủ. Vì vậy, để tránh không gặp phải trường hợp này, bạn hãy ra ngoài trời khi có thể để tận hưởng chút không khí se lạnh, chút ánh nắng ấm áp của mùa đông. Thư giãn đầu óc để có giấc ngủ ngon và sâu. Tránh làm việc quá nhiều, căng thẳng đầu óc. Tạo ra sở thích và theo đuổi chúng là gợi ý không tệ cho bạn trong mùa đông.

Xem thêm:

  • 6 cách giảm đau họng cấp tốc không cần dùng thuốc
  • Các bệnh mùa đông thường gặp khi thời tiết chuyển mùa
  • Xóa tan nỗi lo viêm xoang mãn tính trong mùa đông