Cách phòng ngừa và kiểm soát bệnh cao huyết áp

Cao huyết áp là bệnh mãn tính phổ biến nhất và trở thành một vấn đề của xã hội hiện đại. Tỉ lệ mắc bệnh rất cao và hầu như phải dùng thuốc suốt đời. Bài viết sau đây sẽ trang bị cho bạn những kiến thức để phòng ngừa và kiểm soát bệnh cao huyết áp nhé.

Cách phòng ngừa và kiểm soát bệnh cao huyết áp Cách phòng ngừa và kiểm soát bệnh cao huyết áp

Cao huyết áp là gì?

Bệnh cao huyết áp còn gọi là tăng huyết áp, là tình trạng áp lực máu đẩy vào thành động mạch khi tim bơm tống máu đi quá cao, theo thời gian có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác. Ở các nước phát triển, tỷ lệ cao huyết áp ở người lớn (>18 tuổi) là khoảng 30% dân số và trên một nửa dân số > 50 tuổi có cao huyết áp. Theo thống kê ở Việt Nam những năm cuối thập kỷ 80, tỷ lệ cao huyết áp ở người lớn là khoảng 11% thì thống kê gần đây, tỷ lệ cao huyết áp người lớn ở Hà Nội đã lên đến khoảng 20%.

Huyết áp thường được đo bằng hai chỉ số: huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Chỉ số này dựa trên 2 giai đoạn co bóp và giãn nghỉ của cơ tim ứng với áp lực cao nhất và áp lực thấp nhất của dòng máu trong động mạch. Cho đến nay, Tổ chức Y tế thế giới và Hội Cao huyết áp quốc tế (World Health Organization-WHO và International Society of Hypertension-ISH) đã thống nhất gọi là cao huyết áp khi:

  • Huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg.
  • Và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg.

Cao huyết áp được phân thành 2 loại chính: cao huyết áp nguyên phát và thứ phát, trong đó cao huyết áp nguyên phát chiếm 95%. Cao huyết áp nguyên phát là các trường hợp không xác định được nguyên nhân gây bệnh rõ ràng (vô căn). Khoảng 5% số ca còn lại (cao huyết áp thứ phát) có nguyên nhân do một số bệnh tác động lên thận, động mạch, tim và hệ nội tiết. Ngoài ra còn có cao huyết áp tâm thu đơn thuần và tiền sản giật (còn gọi là cao huyết áp thai kì).

vicare.vn-cach-phong-ngua-va-kiem-soat-benh-cao-huyet-ap-body-1

Người có nguy cơ mắc cao huyết áp

  • Tuổi và giới tính: người lớn tuổi có nguy cơ cao huyết áp cao hơn người trẻ, phụ nữ mãn kinh có khả năng mắc cao huyết cao nhiều hơn trước khi mãn kinh, nam giới dưới 45 tuổi dễ mắc cao huyết áp hơn so với phụ nữ cùng tuổi.
  • Chủng tộc người Mỹ gốc Phi nguy cơ cao huyết áp nhiều hơn các chủng tộc khác.
  • Tiền sử gia đình có cha, mẹ hoặc anh, chị, em mắc bệnh cao huyết áp.

Yếu tố nguy cơ cao

  • Thừa cân béo phì, ít vận động thể dục thể thao.
  • Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi không lành mạnh.
  • Tiêu thụ nhiều muối trong thức ăn.
  • Nghiện rượu, thuốc lá.
  • Căng thẳng kéo dài.
vicare.vn-cach-phong-ngua-va-kiem-soat-benh-cao-huyet-ap-body-2

Phòng ngừa bệnh cao huyết áp

  • Duy trì cân nặng hợp lí: cố gắng đừng tăng cân, hãy giảm cân nếu bạn đang có cân nặng vượt quá bình thường, giảm cân một cách từ từ và khoa học. Kiểm soát vòng eo của mình trong giới hạn cho phép của người Châu Á: nam giới <90cm và nữ giới <80cm.
  • Siêng năng vận động: vận động nhẹ ít nhất 2 tiếng rưỡi mỗi tuần. Bạn có thể đi bộ, chơi thể thao, khiêu vũ hoặc tập môn thể dục yêu thích. Vận động mạnh ít nhất 2 ngày mỗi tuần và đảm bảo hoạt động toàn cơ thể như đẩy tạ, tập thái cực quyền, yoga...
  • Hạn chế ăn mặn (giảm Natri): nêm nếm thức ăn ít muối, hạn chế chấm thêm nước tương, nước mắm khi ăn. Nên tránh ăn các thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh vì chúng chứa rất nhiều muối.
  • Chọn lựa những thực phẩm bổ dưỡng: các loại rau xanh và trái cây, gạo nguyên hạt, bánh mì, ngũ cốc, sữa và các sản phẩm từ sữa nhưng không có chất béo hoặc ít chất béo. Hãy bổ sung thêm Kali bằng cách ăn 3-5 trái chuối chín mỗi ngày.
  • Giảm các thức uống có cồn: nam giới không uống quá 1 hay 2 ly rượu mỗi ngày, phụ nữ không uống quá 1 ly rượu mỗi ngày, phụ nữ mang thai không được uống rượu.
  • Bỏ thuốc lá: hút thuốc lá có hại cho sức khỏe trong nhiều mặt kể cả bệnh cao huyết áp. Chỉ số huyết áp của bạn sẽ ngay lập tức bị rối loạn sau khi bạn hút một điếu thuốc. Cai thuốc lá là điều cấp thiết bạn nên làm để bảo vệ sức khỏe của mình cũng như những người xung quanh.
  • Tránh xa căng thẳng: căng thẳng dù ít hay nhiều đều làm huyết áp tăng lên, hãy giữ cho tinh thần thư giãn và thoải mái nhất có thể.
  • Ngủ đủ giấc: mất ngủ cũng có liên quan đến chứng tăng huyết áp, hãy cố gắng tránh xa cà phê vào buổi tối, hạn chế điện thoại, ipad và dẹp bỏ mọi căng thẳng để có một giấc ngủ ngon.
vicare.vn-cach-phong-ngua-va-kiem-soat-benh-cao-huyet-ap-body-3

Kiểm soát tình trạng cao huyết áp

  • Áp dụng những lời khuyên để phòng ngừa cao huyết áp nêu trên.
  • Tư đo huyết áp tại nhà: đa số mọi người đợi đến khi huyết áp tăng cao đột ngột mới chịu đi bệnh viện. Cách tốt nhất để kiểm soát là tự đo huyết áp ở nhà mỗi ngày, thời điểm lý tưởng nhất là vào buổi sáng ngay sau khi thức dậy.
  • Uống thuốc hạ huyết áp theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt đối với những loại thuốc có cách dùng cụ thể như dùng trong bữa ăn, dùng trước bữa ăn 1 giờ, không sử dụng thuốc cùng rượu bia...
  • Không tự ý bỏ thuốc hoặc giảm liều thuốc mặc dù chỉ số huyết áp của bạn đã về lại bình thường.
  • Không tự ý mua thuốc tự điều trị kể cả vitamin, thảo dược... mà không có sự hướng dẫn của thầy thuốc. Không áp dụng đơn thuốc của người khác cho bản thân mình hoặc ngược lại.
  • Khi uống thuốc để điều trị bệnh khác, hãy báo cho bác sĩ biết về toa thuốc huyết áp của mình, tránh các tương tác thuốc có thể xảy ra làm giảm hiệu quả của thuốc.

Xem thêm:

  • Mô tả chi tiết về bệnh cao huyết áp
  • 10 cách đơn giản để kiểm soát chứng huyết áp cao
  • Phòng ngừa huyết áp cao trong mùa lạnh