Cách nhận biết tiếng khóc của trẻ sơ sinh để chăm sóc bé tốt hơn
Trẻ sơ sinh chưa biết nói chuyện, chưa có hoạt động chủ động nên tiếng khóc là phương tiện gần như duy nhất để trẻ kết nối với thế giới bên ngoài. Tiếng khóc của trẻ trong từng trường hợp khác nhau sẽ khác nhau. Bố mẹ nên tìm hiểu cách nhận biết tiếng khóc của trẻ sơ sinh để chăm sóc bé tốt hơn.
Cách nhận biết tiếng khóc của trẻ sơ sinh để chăm sóc bé tốt hơn
Trẻ sơ sinh chưa biết nói chuyện, chưa có hoạt động chủ động nên tiếng khóc là phương tiện gần như duy nhất để trẻ kết nối với thế giới bên ngoài. Tiếng khóc của trẻ trong từng trường hợp khác nhau sẽ khác nhau. Bố mẹ nên tìm hiểu cách nhận biết tiếng khóc của trẻ sơ sinh để chăm sóc bé tốt hơn.
Khi nào thì trẻ khóc?
Trẻ sơ sinh sẽ khóc thường xuyên trong khoảng 3 tháng đầu. Bé khóc khi muốn được bế, được cho ăn, hoặc khi bé không thoải mái, bé bị đau. Bé cũng khóc khi có những kích động về tinh thần, buồn chán, giận dữ. Càng lớn dần lên, tiếng khóc của trẻ sơ sinh sẽ càng dễ để nhận biết nhu cầu của bé hơn.
Ngay cả khi bố mẹ không dám chắc, bố mẹ vẫn luôn phải có những hành động đáp lại tiếng khóc của bé. Phản ứng nhanh chóng của bố mẹ không những giúp bé thoải mái, dễ chịu mà còn thể hiện là bố mẹ hiểu bé, đồng thời có thể hình thành tốc độ phản xạ cho bé.
Bé sẽ ngừng khóc khi nhu cầu được đáp ứng hoặc khi bé quá mệt.
Cách nhận biết tiếng khóc của trẻ sơ sinh
1.Tiếng khóc khi bé đói
Cách nhận biết: Bé mở mắt, khóc rất to, có thể gào lên, lặp lại liên tục, ngày càng to hơn. Kết hợp với những động tác như miệng chóp chép, quơ tay tìm nắm vào vú mẹ, mút ngón tay, dụi mặt vào ngực mẹ. Bé há miệng, có thể thấy nước miếng chảy ra.
Cách xử trí: Cho bé bú ngay. Nếu để bé khóc quá lâu bé sẽ mệt vì đói và vì phải khóc, khi đó bé vừa khóc vì đói lại vừa khóc vì mệt mỏi. Ngoài ra, nếu bé gào khóc quá nhiều, sẽ nuốt không khí vào bụng, làm bé đầy hơi, khó chịu và càng khóc to hơn.
Do đó, tốt nhất là cho bé bú nhanh nhất có thể khi bé đói.
2. Tiếng khóc khi bé mệt mỏi, buồn ngủ
Cách nhận biết: Bé mắt nhắm, mắt mở và khóc. Tiếng khóc vừa phải, không quá to, không chảy nước mắt. Bé khóc ngắt quãng, nếu được dỗ thì bé ngừng khóc. Nhưng nếu không ngủ thì bé lại khóc tiếp ngay sau đó.
Có thể có những biểu hiện khác như bé kém hoạt bát hơn khi đang chơi đùa, bé ngừng chơi, dụi mắt, ngáp.
Cách xử trí: Khi đã nhận biết được là bé buồn ngủ, bố mẹ dỗ cho bé ngừng khóc, ngừng chơi đùa, tắt nhạc, tắt tivi, tắt đèn, rồi tìm không gian yên tĩnh cho bé ngủ.
3. Tiếng khóc khi bé cảm thấy không thoải mái
Cách nhận biết: Bé khóc vừa phải, ngắt quãng. Tiếng khóc giống như có thêm âm mũi. Bé đột nhiên khóc khi đang chơi đùa, không có dấu hiệu buồn ngủ.
Có thể đi kèm động tác sờ tay vào quần áo, gãi,...
Cách xử trí: Kiểm tra bỉm cho bé. Có thể bé vừa đại tiện hoặc bỉm quá đầy hay quá bí, gây khó chịu cho bé. Nếu như vậy bố mẹ nên vệ sinh và thay bỉm ngay cho bé.
Đôi khi ở trẻ ăn dặm thức ăn vương vào quần áo gây ngứa ngáy. Trong trường hợp này bố mẹ nên lau người và thay quần áo cho bé.
4. Tiếng khóc khi bé bị kích thích quá mức
Tiếng khóc xuất hiện khi bé nhận được những kích thích quá mức như quá ồn ào, quá sáng, hay khi bé không muốn người lạ bế,...
Cách nhận biết: Tiếng khóc có vẻ cáu kỉnh, đôi khi nghe lẫn tiếng cười, có lúc bé lại gào lên.
Bé cố gắng giãy giụa khỏi người lạ, vươn người về phía người thân quen, hoặc quay mặt tránh khỏi nguồn kích thích âm thanh, ánh sáng,...
Cách xử trí: Dừng ngay kích thích mà con không muốn. Đưa con đến nơi ánh sáng vừa phải, xa tiếng ồn ào, tốt nhất là những nơi có ánh sáng và âm thanh tự nhiên như phòng ngủ, bóng râm,... để bé bình tĩnh trở lại.
5. Tiếng khóc khi bé đau bụng sau khi ăn
Cách nhận biết: Bé khóc to sau khi ăn. Bé bớt khóc sau khi ợ hơi được.
Cách xử trí: Mẹ bế bé dựa đầu vào vai, vuốt và vỗ lưng nhẹ nhàng cho bé. Hoặc đặt bé lên đầu gối, lót một chiếc khăn mỏng dưới cằm đề phòng bé trớ khi ợ hơi. Một tay mẹ đỡ ngực, nâng cằm cho bé, tay kia vuốt và vỗ nhẹ lưng cho đến khi bé ợ hơi được.
6. Tiếng khóc khi bé bị ốm
Cách nhận biết: Bố mẹ cảm thấy tiếng khóc của bé khác hẳn thường ngày. Tiếng khóc như những tiếng tiếng rên khe khẽ, với âm vực thấp, như thể bé không có sức để khóc to. Bé khóc kéo dài suốt vài giờ không dứt.
các triệu chứng đi kèm của bệnh lý có thể xuất hiện sớm hoặc muộn như: sốt, tiêu chảy, nổi mề đay, khó ngủ...
Cách xử trí: Đưa con đến khám bác sĩ sớm nhất có thể.
7. Tiếng khóc khi bé muốn ‘đòi quyền lợi’ hay muốn được chú ý
Cách nhận biết: Tiếng khóc bắt đầu như nũng nịu, sau chuyển dần sang quấy khóc và giận dữ nếu bé bị phớt lờ. Tiếng khóc này thể hiện bé muốn có sự tương tác với người thân. Kèm theo các động tác như giơ tay về phía người thân, bé muốn được bế. Hoặc bé vừa khóc vừa chỉ vào món đồ chơi mà bé muốn. Hay bé quấy khóc khi đang chơi mà phải dừng lại.
Cách xử trí: Bố mẹ nhìn vào mắt và dỗ dành bé. Tùy trường hợp có thể đáp ứng nhu cầu của bé hoặc không, nhưng phải luôn dịu dàng, nói những lời yêu thương để bé không làm nũng nữa.
8. Tiếng khóc đặc biệt khi bé mắc hội chứng Colic: khóc dạ đề
Colic là hội chứng khóc kéo dài, không ngừng ở những trẻ khỏe mạnh, không có dấu hiệu bệnh lý hay tổn thương. Bé quấy khóc từ khoảng 18h đến đêm, kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần mà bố mẹ không thể dỗ nín. Ở những thời điểm khác trong ngày, bé vẫn ăn ngoan, ngủ ngon.
Colic thường xuất hiện ở trẻ dưới 5 tháng tuổi, với các mốc nhận biết như bé khóc trên 3 giờ mỗi ngày, trên 3 ngày mỗi tuần và trên 3 tuần mỗi đợt. Hội chứng này sẽ giảm dần khi bé lớn lên. Đây không phải là bệnh, không ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của bé, nhưng sẽ khiến bé và bố mẹ đều mệt mỏi, đôi khi che lấp những triệu chứng của bệnh lý khác.
Cách xử trí: Bố mẹ đưa con đến khám bác sĩ để khẳng định hội chứng Colic. Nếu đúng thì chỉ có thể cố gắng dỗ con tốt nhất có thể. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý nếu con xuất hiện các triệu chứng khác như sốt, ỉa chảy, táo bón,... có thể là bệnh lý bị che lấp bởi Colic.
9. Bé khóc ngay cả khi không có lý do gì
Có đến 80-90% trẻ sơ sinh có những đợt khóc khoảng 15 phút mà người lớn chưa thể giải mã. Các đợt khóc này thường xuất hiện vào buổi tối. Có ý kiến cho rằng, khóc cuối ngày cũng là một phương pháp để bé thư giãn và dễ ngủ hơn.
Trên đây là một số cách nhận biết tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, với từng đứa trẻ, biểu hiện có thể sẽ khác nhau. Cách tốt nhất là bố mẹ luôn quan tâm, chăm sóc, giao tiếp với bé, thậm chí ghi nhớ từng tiếng khóc của bé. Khi đó, tiếng khóc của trẻ sơ sinh sẽ không còn là khó khăn đối với các ông bố bà mẹ nữa.
Xem thêm:
- Tại sao trẻ sơ sinh ít ngủ hay quấy khóc?
- Mẹo lạ dỗ trẻ sơ sinh khóc mẹ nào cũng nên biết