Cách “chung sống” với bệnh tâm thần phân liệt

Theo thống kê, có khoảng 1% người Mỹ bị tâm thần phân liệt, và phần lớn trong số họ được chẩn đoán trước tuổi 30. Đây có thể là một từ đáng sợ khi được bác sĩ khẳng định, nhưng với tiến bộ của y học về thuốc và điều trị, việc sống chung với căn bệnh này trở nên dễ dàng hơn.

Cách “chung sống” với bệnh tâm thần phân liệt Cách “chung sống” với bệnh tâm thần phân liệt

Nếu có sự chăm sóc phù hợp, một người bị tâm thần phân liệt có thể sống một cuộc sống đầy đủ, khỏe mạnh, tìm được công việc phù hợp và các mối quan hệ có ý nghĩa.

Chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt

Bác sĩ chuyên khoa tâm thần là người khám và đưa ra chẩn đoán về tình trạng bệnh. Họ sẽ xem xét hồ sơ bệnh án, hỏi bệnh nhân các câu hỏi về các triệu chứng hiện tại và quá khứ, quan sát các chức năng cơ thể, có thể hỏi thêm tiền sử gia đình về bệnh tâm thần của người bệnh.

Để nhận được chẩn đoán tâm thần phân liệt, một người phải trải qua các triệu chứng bệnh trong hơn một tháng, các triệu chứng bao gồm:

  • Có những suy nghĩ ảo tưởng
  • Gặp ảo giác
  • Có lời nói hoặc hành vi vô tổ chức
  • Không vệ sinh sạch sẽ
  • Không có hứng thú với các hoạt động
  • Thiếu biểu cảm trên khuôn mặt

Bác sĩ tâm thần cũng sẽ loại trừ các chẩn đoán cho bệnh khác, ví dụ như: rối loạn phân liệt cảm xúc, rối loạn lưỡng cực, và kiểm tra chắc chắn các triệu chứng không phải do thuốc đang sử dụng hoặc một bệnh nào khác.

Khi một người được chẩn đoán tâm thần phân liệt, bác sĩ tâm thần có thể kê đơn thuốc cho người đó để bắt đầu điều trị các triệu chứng. Bác sĩ cũng có thể giới thiệu bệnh nhân đến một chuyên gia trị liệu hoặc tư vấn viên về tâm lý trị liệu, hoặc một nhóm điều trị, để hỗ trợ điều trị hoặc giám sát.

vicare.vn-cach-chung-song-voi-benh-tam-than-phan-liet-body-1

Tầm quan trọng của trị liệu

Trong buổi trị liệu đầu tiên sau khi chẩn đoán, người bệnh sẽ được hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh. Một trong những nhiệm vụ của chuyên gia trị liệu là đánh giá các rủi ro và đảm bảo cho người bệnh an toàn và khỏe mạnh khi tham gia điều trị.

Buổi trị liệu đầu tiên cũng là cơ hội để người bệnh đặt câu hỏi về quá trình điều trị và về nhà trị liệu. Chuyên gia trị liệu sẽ cho người bệnh biết những lý thuyết và kỹ thuật được áp dụng trong điều trị cho các bệnh nhân tâm thần phân liệt. Bác sĩ trị liệu sẽ cùng người bệnh phác thảo một vài mục tiêu muốn đạt được trong 3-6 tháng đầu điều trị. Các mục tiêu có thể bao gồm các lĩnh vực như sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất, công việc, các mối quan hệ và các khía cạnh khác của cuộc sống mà người bệnh muốn cải thiện.

Chấp nhận sự giúp đỡ cho bệnh tâm thần phân liệt

Nhận được chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt có thể là một tin sét đánh đối với bất cứ ai. Nếu từ trước đến giờ bạn luôn tự kiểm soát được sức khỏe tâm thần của mình, thì thật khó có thể chấp nhận rằng bạn cần phải điều trị và dùng thuốc để cảm thấy tốt hơn. Tuy nhiên, càng sớm nhận được sự giúp đỡ cho bệnh tâm thần phân liệt, bạn càng ít gặp phải các triệu chứng nặng hơn, ít gây sụt giảm nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần và thể chất hơn.

Nếu đã từng trải qua các triệu chứng như hoang tưởng hoặc các ảo giác khác, bạn sẽ cảm thấy nghi ngại khi cung cấp thông tin cá nhân của mình cho bất kỳ ai hoặc phải sử dụng một loại thuốc mà bạn không biết. Đó là lý do bạn cần đến chuyên gia trị liệu, công việc của họ là giúp bạn cảm thấy an toàn và được lắng nghe, vì vậy đừng bao giờ ngần ngại bày tỏ những quan ngại về bệnh tâm thần phân liệt của bạn. Nếu có thể, bạn hãy nhờ người thân đi cùng đến các buổi trị liệu, khi đó bạn có thể đặt câu hỏi và tập trung vào nhà trị liệu, còn người thân sẽ giúp ghi chú lại thông tin để bạn có thể xem lại nếu cần.

Khi bạn cảm thấy khá hơn, cần tiếp tục tuân thủ liệu trình dùng thuốc. Nếu bạn ngừng thuốc đột ngột hoặc không dùng thuốc theo quy định, các triệu chứng sẽ quay trở lại và có khả năng trở nên tồi tệ hơn. Việc tự ý ngừng thuốc cũng dẫn đến trường hợp tự điều trị bằng chất kích thích hoặc rượu, điều này có thể làm cho các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt tồi tệ hơn nhiều.

Cách nói với người khác về chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt

Sau khi nhận được chẩn đoán bệnh, một nỗi sợ hãi, lo lắng nữa của bạn đó là về cách người khác sẽ phản ứng, nhìn nhận bạn như thế nào. Sự thật là nếu chứng kiến các triệu chứng xảy ra với bạn không được điều trị trong một thời gian, mọi người xung quanh cũng sẽ biết rằng bạn đang phải vật lộn với những vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Mặc dù thông tin về sức khỏe của bạn và các cuộc tư vấn giữa bạn và bác sĩ trị liệu của bạn là riêng tư, nhưng còn có một hệ thống hỗ trợ vững chắc, đóng vai trò quan trọng để quá trình điều trị bệnh tâm thần phân liệt thành công. Ví dụ, bạn bè và gia đình đã biết được các dấu hiệu suy giảm sức khỏe tâm thần của bạn, có thể có những can thiệp giúp bạn ít gặp phải các triệu chứng tái phát nghiêm trọng. Chuyên gia trị liệu có thể gợi ý giúp bạn những cách để thông báo với người thân và đồng nghiệp về tình trạng bệnh của bạn.

vicare.vn-cach-chung-song-voi-benh-tam-than-phan-liet-body-2

Xử lý những kỳ thị đối với bệnh tâm thần phân liệt

Mặc dù mọi người đã hiểu biết nhiều hơn về những bệnh liên quan đến tâm thần nói chung, khi nói đến tâm thần phân liệt vẫn còn tồn tại nhiều kỳ thị. Một số người tin rằng tất cả những người bị tâm thần phân liệt thường có xu hướng bạo lực, hoặc họ không thể làm việc ổn định. Họ có thể cho rằng những hành vi của một người bị tâm thần phân liệt có thể thay đổi đột ngột và bất ngờ. Tuy nhiên không có điều nào trong số những hiểu lầm trên là đúng, cần tìm hiểu để biết về căn bệnh này thay vì có những nghi ngại không có cơ sở.

Việc tham gia các nhóm hỗ trợ cho bệnh tâm thần phân liệt (tại bệnh viện, trong cộng đồng) sẽ giúp bạn có một nơi để chia sẻ nỗi thất vọng khi bị kỳ thị và nhận được sự khích lệ từ những người khác đang đối mặt với những thách thức tương tự. Không nên ngần ngại chia sẻ với bác sĩ trị liệu những lo lắng của bạn về việc đối phó với sự kỳ thị.

Những quan ngại về thuốc điều trị

Thuốc là một yếu tố quan trọng trong điều trị bệnh tâm thần phân liệt, nhưng thường có những thắc mắc, câu hỏi về việc dùng các loại thuốc này. Bác sĩ tâm thần sẽ có nhiệm vụ giúp bạn tìm ra loại thuốc tốt nhất phù hợp với bạn và cũng có ít tác dụng phụ nhất.

Thuốc chống loạn thần không điển hình là loại thuốc được kê phổ biến nhất cho bệnh tâm thần phân liệt hiện nay, chúng có nguy cơ gây tác dụng phụ nghiêm trọng thấp hơn nhiều so với các thuốc chống loạn thần thế hệ trước.

Thông thường phải mất vài lần dùng thử trước khi tìm ra sự kết hợp đúng của các loại thuốc để điều trị hiệu quả các triệu chứng của bạn, vì thuốc có thể có tác dụng khác nhau đối với mỗi người bị bệnh tâm thần phân liệt.

Cách giúp bản thân ngoài giờ trị liệu

Những người bị tâm thần phân liệt có nguy cơ tử vong sớm, và một trong những lý do là họ có xu hướng có thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Họ thường ít tập thể dục và ăn uống lành mạnh; thay vào đó họ thường hút thuốc và lạm dụng các chất kích thích nhiều hơn. Tăng cân cũng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc.

Cần thảo luận với bác sĩ để có một chế độ ăn uống và tập thể dục lành mạnh, điều này có thể giúp cải thiện tâm trạng chung và giảm khả năng tái phát các triệu chứng của bệnh. Chuyên gia trị liệu cũng có thể giúp bạn tạo ra một danh sách các hoạt động lành mạnh để đối phó và làm tăng mức năng lượng tích cực, thay đổi tâm trạng. Chúng có thể bao gồm:

  • Các bài tập thư giãn (các bài tập thể dục cho não, tập yoga)
  • Xây dựng những sở thích cá nhân
  • Dành thời gian với bạn bè và gia đình
  • Tham dự một nhóm hỗ trợ

Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể bị tâm thần phân liệt và không biết phải làm gì, hãy đi khám với bác sĩ hoặc chia sẻ suy nghĩ của mình với bạn bè, người thân. Những người này có thể giúp bạn lên kế hoạch điều trị hoặc hỗ trợ tốt nhất cho bạn.

Xem thêm:

  • Một số hội chứng rối loạn tâm thần phổ biến ở người trẻ
  • Chủ quan với mất ngủ, vào viện tâm thần như chơi
  • Trầm cảm, tâm thần phân liệt vì nghiện facebook