Cách chữa ung thư tử cung gồm những phương pháp nào?

Ung thư tử cung là bệnh lý phụ khoa ác tính thường gặp ở nữ giới. Tuy được xem là căn bệnh nguy hiểm, nhưng nếu được phát hiện và điều trị sớm thì khả năng chữa khỏi cao. Vậy cách chữa ung thư tử cung nào là phổ biến?

Cách chữa ung thư tử cung gồm những phương pháp nào? Cách chữa ung thư tử cung gồm những phương pháp nào?

Ung thư tử cung là bệnh lý phụ khoa ác tính thường gặp ở nữ giới. Trong đó phổ biến nhất là 2 dạng: ung thư cổ tử cung và ung thư nội mạc tử cung. Tuy được xem là căn bệnh nguy hiểm, nhưng nếu được phát hiện và điều trị sớm thì khả năng chữa khỏi cao. Do vậy, cách chữa ung thư tử cung hiện nay luôn được người bệnh quan tâm và tìm hiểu kỹ lưỡng.

1. Các giai đoạn phát triển của ung thư tử cung

Ung thư tử cung hình thành từ các tế bào biểu mô vảy, biểu mô tuyến hay các tế bào mô đệm. Trong đó, ung thư biểu mô vảy chiếm đa số. Nguy cơ dẫn đến ung thư tử cung thường do lây nhiễm 2 loại HPV là HPV 16, HPV 18. Độ tuổi dễ mắc ung thư tử cung là 40 – 60 tuổi, tuy nhiên hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa.

Ung thư tử cung và mức độ tiến triển của bệnh thường chia thành các giai đoạn sau:

  • Giai đoạn 0: đây là giai đoạn hình thành sớm nhất và các tế bào ung thư biểu mô vẫn còn tại chỗ. Bệnh vẫn chưa có dấu hiệu tấn công tử cung rõ rệt.
  • Giai đoạn 1: tế bào ung thư giới hạn tại chỗ, những thương tổn vẫn nằm trong phạm vi của tử cung.
  • Giai đoạn 2: ở giai đoạn này ung thư đã lấn qua tử cung nhưng chưa lây lan đến thành xương chậu, vẫn còn nằm ở khoảng 1/3 dưới âm đạo. Đến cuối giai đoạn 2 thì dây chằng rộng đã bị xâm lấn.
  • Giai đoạn 3: bệnh tiến triển nặng hơn một bước so với giai đoạn 2. Thành xương chậu đã có sự xuất hiện của tế bào ung thư tử cung. Lúc này niệu quản hay thận đã bị ảnh hưởng.
  • Giai đoạn 4: ung thư tử cung đã ở mức độ nặng nhất, xâm lấn ra ngoài thành xương chậu và lan sang bàng quang hay trực tràng, xương, gan, phổi, ... của người bệnh.

2. Cách chữa ung thư tử cung tương ứng với từng giai đoạn

Cách chữa ung thư tử cung phụ thuộc vào: kích thước, khối lượng khối u ác tính, tình trạng sức khỏe và đặc biệt là giai đoạn bệnh. Dựa trên mức độ xâm lấn của các tế bào ung thư được nêu ở trên, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cách chữa ung thư tử cung phù hợp và tốt nhất cho bệnh nhân.

vicare.vn-cach-chua-ung-thu-tu-cung-gom-nhung-phuong-phap-nao-body-1
Mỗi giai đoạn ung thư tử cung có cách điều trị phù hợp

Giai đoạn 0 (tiền ung thư):

Việc điều trị ở giai đoạn này nhằm khống chế sự phát triển của tế bào ung thư mà vẫn bảo tồn được chức năng của tử cung, buồng trứng. Cách chữa ung thư tử cung được khuyến khích áp dụng là:

  • Khoét chóp: là hình thức can thiệp bằng phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vùng chuyển tiếp có hình chóp nón nằm ở cổ tử cung nằm trong âm đạo. Hiện nay, phương pháp khoét chóp mới nhất là sử dụng dao LEEP. Đây là loại dao điện được làm từ vòng kim loại rất mảnh, đưa vào vùng tổn thương để cắt khối u. Phương pháp này được ưu tiên sử dụng cho bệnh nhân có nhu cầu sinh con sau khi điều trị xong bệnh. Phương pháp phẫu thuật cắt bỏ LEEP phổ biến nhờ đơn giản, không tốn kém và ít tác dụng phụ.
  • Phương pháp đốt điện hoặc laser: sử dụng dòng điện có tần số cao hoặc tia laser nhằm mục đích phá hủy và tiêu diệt các tế bào biểu mô ở bề mặt tử cung. Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ được đốt diệt tuyến để ngăn chặn sự hình thành, sinh trưởng của tế bào ung thư tử cung.
  • Phương pháp áp lạnh: bác sĩ dựa trên nguồn cung cấp khí lạnh nén (nitơ lỏng), dẫn qua một dụng cụ chuyên biệt bằng kim loại để áp sát vào tổn thương trên bề mặt tử cung. Nhiệt độ cực thấp sẽ làm các tế bào ung thư đông lại và chết đi. Các mô bệnh ở tử cung dính chặt vào dụng cụ, chờ một khoảng thời gian mới có thể rút ra được. Người bệnh không cần gây tê cục bộ, ít nguy hiểm và không đau đớn.

Giai đoạn 1:

Ở giai đoạn này, bệnh nhân cần có phác đồ điều trị tích cực để chữa dứt điểm, tránh các tế bào ung thư khu trú sang cơ quan khác. Các mô chính của tử cung bị xâm lấn nên bác sẽ sẽ có chỉ định cắt một phần hay toàn bộ tử cung (dựa trên nguyện vọng của bệnh nhân có muốn sinh con thêm không, tuổi tác, sức khỏe, ...). Cùng với phẫu thuật, cách chữa ung thư tử cung giai đoạn 1 có thêm phương pháp xạ trị. Xạ trị là dùng tia X, gamma, ... mang năng lượng cao để tiêu diệt khối u, hạn chế khả năng lây lan của tế bào ung thư.

Giai đoạn 2 và 3:

Với hiện trạng khối u lan nhanh và lây lan ra một số cơ quan quanh tử cung thì cách chữa ung thư tử cung ở 2 giai đoạn này thường là phẫu thuật và tiến hành thêm liệu pháp hóa – xạ trị trước và sau phẫu thuật. Căn cứ trên mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ cắt bỏ tử cung và buồng trứng để ngăn ngừa ung thư di căn. Hóa trị, xạ trị trước phẫu thuật có thể giúp thu nhỏ kích thước khối u, sau phẫu thuật giúp tiêu diệt tận gốc các tế bào ung thư còn sót lại. Quá trình điều trị cần có thăm khám thường xuyên để theo dõi tình trạng đáp ứng phác đồ điều trị của bệnh nhân và đưa ra các chỉ định tiếp theo.

Giai đoạn 4:

Đây là giai đoạn cuối của ung thư tử cung và cũng là giai đoạn nặng nhất khi ung thư di căn đã tấn công vào các cơ quan của người bệnh. Hầu như các cách chữa ung thư tử cung vào lúc này đều ít hiệu quả, khó thực hiện vì thể trạng bệnh nhân đi xuống. Việc phẫu thuật hay hóa trị, xạ trị chỉ nhằm giảm triệu chứng và kéo dài thời gian sống.

Ngoài ra, bệnh nhân mắc ung thư tử cung sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc để uống bổ trợ cùng với các phương pháp điều trị khác. Liệu pháp điều trị mục tiêu bằng loại thuốc pazopanib có tác dụng ngăn chặn các tác nhân làm tăng trưởng các tế bào ung thư. Nhờ vậy mà các bệnh nhân ung thư tử cung giai đoạn cuối có thời gian sống lâu hơn.

3. Một số tác dụng phụ từ cách chữa ung thư tử cung

Các trường hợp ung thư tử cung được phát hiện sớm, kịp thời, khả năng chữa khỏi bệnh hoàn toàn là rất cao. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị ung thư tử giai đoạn cuối hoặc ung thư tái phát thì ít khả quan hơn. Chưa kể đến các phương pháp điều trị đều tiềm ẩn những tác dụng phụ nhất định đến người bệnh.

Phương pháp LEEP cần tiêm một mũi nhằm kiểm soát cơn đau. Bệnh nhân sẽ có cảm giác đau nhẹ và co cứng trong vòng vài giờ đầu. Triệu chứng này có thể giảm nhẹ bằng cách tiêm tĩnh mạch hoặc uống thuốc. Bên cạnh đó, phương pháp áp lạnh có thể khiến chị em bị đau bụng dưới trong hoặc sau quá trình thực hiện. Đôi khi tình trạng chảy máu âm đạo, nhiễm trùng sau phẫu thuật, hẹp cổ tử cung xuất hiện nhưng rất hiếm. Đốt diệt tuyến thì gây đau, để lại sẹo, mất máu, lâu hồi phục và ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng mang thai sau này.

vicare.vn-cach-chua-ung-thu-tu-cung-gom-nhung-phuong-phap-nao-body-2
Bệnh nhân bị rụng tóc sau khi hóa xạ trị ung thư tử cung

Phẫu thuật loại bỏ khối u, tế bào ung thư dễ gây chuột rút, chảy máu âm đạo, đau bụng dưới. Bên cạnh đó, một điểm chung của bệnh nhân hóa trị hay xạ trị là họ luôn cảm thấy mệt mỏi. Bên cạnh, các triệu chứng khó chịu khác cũng xảy ra như tiêu chảy, khô miệng, ăn uống kém, buồn nôn. Hấp thụ nhiều các tia phóng xạ, chất hóa học, phẫu thuật có thể gây suy giảm chức năng tình dục, tiểu tiện mất kiểm soát. Một thách thức không kém phần quan trọng của hóa – xạ trị là không phân biệt được tế bào khối u và mô khỏe mạnh. Vì vậy, các mô khỏe mạnh cũng gặp nguy hiểm, có thể bị tiêu diệt cùng với tế bào ung thư.

Xem thêm:

  • Phụ nữ cần biết 5 căn bệnh về cổ tử cung thường gặp này
  • Chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị ung thư cổ tử cung