Cách chăm răng sữa mẹ cần biết
Các bố mẹ thường cho rằng chăm sóc răng vĩnh viễn mới thực sự cần thiết mà bỏ qua việc chăm răng sữa cho con. Nhưng trên thực tế, chăm sóc răng sữa cũng quan trọng không kém răng vĩnh viễn. Vệ sinh răng miệng ngay từ những chiếc răng sữa đầu tiên không chỉ giúp cho trẻ có một hàm răng đẹp mà còn hình thành một thói quen chăm sóc răng miệng về sau.
Cách chăm răng sữa mẹ cần biết
Răng sữa còn được gọi là răng tạm thời vì chúng sẽ chỉ tồn tại vài năm rồi được thay thế bởi những chiếc răng vĩnh viễn.
Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết cách chăm răng sữa cho bé đúng cách nhé!
1. Vai trò của răng sữa
Ngay từ khi bé còn ở trong bụng mẹ, những mầm mống của răng sữa đã xuất hiện và dần dần phát triển khi bé được ra đời. Bố mẹ sẽ phát hiện ra những chiếc răng sữa đầu tiên được nhú lên khi trẻ khoảng 4 đến 8 tháng tuổi, thường sẽ nằm ở vị trí hàm dưới. Sau đó cứ cách 4 tháng trẻ sẽ mọc thêm những chiếc răng tiếp theo. Khi trẻ được khoảng 24 đến 30 tháng, trẻ sẽ mọc răng sữa đầy đủ với số lượng 20 cái (10 cái ở hàm trên và 10 cái ở hàm dưới).
Những chiếc răng sữa có vai trò giúp cho trẻ dễ dàng hơn trong việc ăn, nhai những thức ăn cứng hơn. Răng sữa còn giúp cho xương hàm phát triển, giúp việc phát âm tốt hơn. Đặc biệt, nó còn giúp giữ chỗ trên xương hàm để sau này những chiếc răng vĩnh viễn mọc lên đều, đẹp.
Nếu răng sữa bị sâu, sún sớm không chỉ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn làm hôi miệng, khiến trẻ phát âm bị ngọng. Không chỉ vậy, việc răng sữa bị rụng sớm hay rụng quá chậm có thể khiến cho việc mọc răng vĩnh viễn sau này bị lệch, mọc lộn xộn, không đều nhau gây xáo trộn khớp cắn.
Chính vì vậy, việc chăm răng sữa là một việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết mà các bố mẹ cần quan tâm.
2. Chăm sóc răng sữa đúng cách cho trẻ
Răng sữa rất dễ bị sâu nên các bố mẹ nên có ý thức chăm sóc răng miệng thật kỹ cho trẻ ngay từ đầu, khi chiếc răng sữa đầu tiên mọc lên. Dưới đây là những cách vệ sinh răng cho trẻ để các bé có một hàm răng khỏe đẹp:
Vệ sinh răng sữa cho trẻ thường xuyên ngay từ ban đầu
Khi bé có dấu hiệu chuẩn bị mọc răng bằng việc chảy nhiều nước dãi kèm theo sở thích nhai các đồ vật thì mẹ nên bắt đầu bằng việc vệ sinh nướu cho trẻ. Trước khi đi ngủ và sau khi ăn, các mẹ chỉ cần sử dụng một chiếc khăn xô sạch hoặc một miếng gạc nhỏ quấn xung quanh ngón tay rồi chà nhẹ lên nướu của trẻ là đã có thể ngăn ngừa những vi khuẩn phá vỡ bề mặt của răng sữa. Các mẹ nên thực hiện việc này hàng ngày cho đến khi trẻ được 12 tháng, khi số lượng răng sữa có khoảng 8 chiếc. Đặc biệt các mẹ cũng cần chú ý vệ sinh luôn cả phần lưỡi cho trẻ vì đây là nơi chứa nhiều vi khuẩn gây sâu răng.
Khi được 12 tháng, lúc này các bố mẹ nên dạy trẻ cách sử dụng bàn chải đánh răng và kiểm tra xem con có đánh răng đúng cách hay không. Các mẹ nên chọn những loại bàn chải dành cho trẻ em, có lông mềm, đồng thời sử dụng loại kem đánh răng dành cho trẻ em có mùi thơm, vị ngọt dịu và có các hợp chất giúp phòng ngừa bệnh về răng cho trẻ. Bố mẹ cũng nên dạy con vệ sinh vùng lưỡi để tránh vi khuẩn và mảng bám gây hôi miệng. Tập cho trẻ thói quen đánh răng ít nhất 2 lần một ngày và chú ý thay thế bàn chải khi lông bị mòn đi.
Hình thành thói quen ăn uống đúng cách cho trẻ
Ngoài việc vệ sinh răng miệng sạch sẽ, các bố mẹ cũng nên chú ý đến thói quen ăn uống hàng ngày của trẻ. Không được để trẻ đi ngủ vẫn ngậm bình sữa hay nước ngọt, nước trái cây trong miệng. Nếu trẻ uống sữa vào ban đêm thì sau khi uống sữa xong các bố mẹ vẫn phải súc miệng cho trẻ bằng nước lọc. Các bố mẹ nên tập cho trẻ sử dụng cốc khi uống sữa khi được 1 tuổi để không bị đọng sữa trên răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Các bố mẹ cũng hạn chế cho trẻ ăn những thức ăn ngọt, nhiều đường vào ban đêm. Đồng thời khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả để bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, răng miệng vì thế cũng được khỏe hơn.
Thăm khám bác sĩ định kì
Bố mẹ cũng nên thường xuyên đưa trẻ đến khám nha sĩ định kì 6 tháng 1 lần để phát hiện sớm những vấn đề về răng miệng và được các bác sĩ đưa ra những cách xử lí kịp thời, tránh những ảnh hưởng về sau này.
Việc chăm răng sữa cho trẻ là một việc làm không hề đơn giản. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các bố mẹ hãy thường xuyên để ý đến việc vệ sinh răng miệng của trẻ vì một tương lai con có một hàm răng khỏe, đẹp.
Xem thêm:
- Lợi ích từ chiếc răng sữa của trẻ bố mẹ nên biết
- Bé mọc chiếc răng sữa đầu tiên khi nào?
- Những lưu ý khi nhổ răng sữa cho bé