Các nhóm bệnh về u vú lành tính

Tuy không đáng sợ như ung thư vú nhưng u vú lành tính ở phụ nữ là một trong những bệnh phổ biến và ngày càng gia tăng. Cho đến nay nhiều chị em vẫn chưa rõ u vú lành tính có nguy hiểm không, biểu hiện bệnh như thế nào và mắc bệnh u vú lành tính có đau không? Để giải đáp câu hỏi này chúng tôi sẽ cùng bạn tìm hiểu sâu hơn về bệnh u vú lành tính.

Các nhóm bệnh về u vú lành tính Các nhóm bệnh về u vú lành tính

Xin mời quý bạn đọc theo dõi thông tin sau đây nhé.

1. Thế nào là ung vú lành tính và nguyên nhân dẫn đến bệnh u vú lành tính

U vú lành tính là căn bệnh hình thành bởi sự phát triển vượt trội hơn mức bình thường của một số tế bào ở tuyến vú, tạo nên các khối tế bào hay còn gọi là các u, cục có thể cảm nhận thấy khi sờ vào và chúng thường không có chức năng gì hoặc lan rộng. Theo nghiên cứu, có khoảng 80% u vú được phát hiện là u lành tính và chỉ khoảng 0,08% trong số đó chuyển biến sang ung thư vú.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và tiền mãn kinh (khoảng từ 20 đến 50 tuổi) là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh liên quan đến u vú lành tính. Nguyên nhân dẫn đến u vú lành tính hiện vẫn chưa rõ ràng. Nhưng một trong những lý do được cho là có khả năng gây ra bệnh là tình trạng rối loạn nội tiết tố hoocmon estrogen, progesteron và prolactin. Yếu tố mất cân bằng này tác động đến cấu trúc mô liên kết tại vú, tạo nên các khối u vú lành tính. Ngoài ra bệnh còn có thể do di truyền, chế độ sinh hoạt, nhiễm trùng hoặc tổn thương tại vùng ngực gây ra. Vì vậy lời khuyên đối với chị em trong lứa tuổi từ 20 - 50 tuổi nên thường xuyên thăm khám nhũ định kỳ tại bệnh viện chuyên khoa uy tín để phát hiện sớm dấu hiệu bất thường.

vicare.vn-cac-nhom-benh-ve-u-vu-lanh-tinh-body-1
U vú lành tính là căn bệnh phổ biến ở phụ nữ

2. Dấu hiệu của bệnh u vú lành tính

Biểu hiện và sự hình thành của u vú lành tính thường không giống nhau ở mỗi người. Rất nhiều người mắc bệnh u vú lành tính trong thời gian dài nhưng không hề xuất hiện triệu chứng liên quan đến bệnh. Do vậy, dưới đây là một số triệu chứng điển hình, dễ nhận biết nhất của u vú lành tính để chị em lưu ý và tham khảo:

+ Có các cục u xuất hiện trong vú, có thể tự thăm khám bằng tay để xác định vị trí cục u tồn tại.

+ Một số người sẽ thấy các cục u nổi cộm lên tại vú. Đụng vào có thể cảm thấy đau tùy tình trạng loại bệnh.

+ Vú hay bị đau, rát hoặc nhạy cảm hơn so với bình thường, ít nhiều gây khó chịu cho người bệnh.

+ Tiết dịch có màu xanh lá cây hoặc xanh thẫm từ núm vú không rõ nguyên nhân.

+ Cơ thể hay bị ớn lạnh, mệt mỏi, giảm cân, sốt, đổ mồ hôi về đêm, ăn uống không còn cảm giác ngon miệng.

vicare.vn-cac-nhom-benh-ve-u-vu-lanh-tinh-body-2
U vú lành tính có thể gây đau hoặc không đau tùy vào tình trạng bệnh ở mỗi người

3. Bệnh u vú lành tính có đau không?

Những người bệnh u vú lành tính sẽ có hiện tượng bị đau hoặc không đau tùy thuộc vào loại khối u, mức độ diễn tiến của bệnh.

Nhóm u vú lành tính gây đau

U diệp thể

Đa số u diệp thể là lành tính, nhưng để an toàn thì người mắc bệnh u diệp thể cần tiến hành biện pháp chuẩn đoán xét nghiệm sàng lọc để biết chính xác tình trạng. U diệp thể hình tròn và không ngừng gia tăng kích thước. Vùng da trên vú có u diệp thể thường căng bóng, đụng vào cảm giác đau. Do đó cách điều trị là tiến hành cắt rộng để tránh tái phát và giảm xâm lấn ra các mô vú khác.

U xơ tuyến vú

Đây là dạng tổn thương ở vú lành tính và gây đau. U cục trong vú bị sưng, đau tức với các khối u kích thước lớn khoảng 2cm trở lên. Khi thấy triệu chứng bất thường tại vú chị em nên đến bệnh viện để được chuẩn đoán, điều trị kịp thời. Dùng máy hỗ trợ hút áp lực âm là phương pháp hiện đại trong chữa bệnh u xơ tuyến vú.

U bọc sữa

Một tên gọi khác là tắc tia sữa đối với bà mẹ đang trong thời kỳ cho con bú. U bọc sữa có hình dạng tròn, mềm, có thể sờ thấy bằng tay. Tình trạng u bọc sữa nếu không chữa trị dứt điểm dẫn đến tái phát, lâu ngày sẽ bị bội nhiễm khiến chị em bị đau nhức rất khó chịu. Bà mẹ không nên tự ý nặn hoặc rạch u bọc sữa vì dễ nhiễm khuẩn mà nên nhờ hỗ trợ của bác sĩ. Khi ngừng cho em bé bú thì u bọc sữa cũng sẽ tự mất đi.

U do viêm vú

Hầu hết các trường hợp u do viêm vú đều gây ra tình trạng đau nhức. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến viêm vú bên cạnh tắc tia sữa là do vi khuẩn xâm nhập qua da hoặc núm vú và gây ra tổn thương tại vú. Tình trạng viêm vú cần can thiệp sớm bằng thuốc kháng sinh và phẫu thuật để tránh gây mưng mủ, giảm đau nhanh cho người bệnh.

U do chấn thương

Vùng ngực là nơi dễ bị tổn thương từ tác động bên ngoài như va đập. Nếu nhẹ vú có thể bị bầm tím, tụ máu, nặng hơn là tình trạng các mô mỡ của vú bị phá vỡ cấu trúc, gây hoại tử và đau tức.

Nhóm u vú lành tính không đau

U mỡ

U mỡ được xếp vào loại u vú lành tính không đau. Bệnh hình thành do sự rối loạn chuyển hóa mỡ tạo nên một lớp dày chất béo tích tụ dưới da. Bệnh u mỡ không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng lại gây mất thẩm mỹ. Tuy nhiên, nếu thấy khối u mỡ có hiện tượng to lên hoặc sưng tấy thì cần đến ngay bệnh viện để kiểm tra.

U nang

Đây là dạng u vú lành tính có khối u ở thể nang (dạng túi rỗng và bên trong chứa chất dịch). Có thể có từ một đến nhiều u nang xuất hiện tại vú, mềm và chúng có thể di chuyển. Cách điều trị thông thường là chọc hút dịch để u nang xẹp xuống.

U tuyến sợi vú

Nguyên nhân gây ra bệnh là do sự phình ra của các tiểu thùy ở tuyến vú tạo nên các cục u có kích thước khoảng 1 – 5 cm. Khi bị u sợi tuyến thường không đau, một vài người cảm thấy đau nhẹ vào trước hoặc trong kỳ kinh. Ngoài phẫu thuật bóc tách khối u thì hiện nay có 2 phương pháp điều trị mới nhất đối với bệnh u tuyến sợi vú đó là: đốt bằng nhiệt lạnh hay đốt bằng sóng cao tần. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự quyết định phương pháp điều trị mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

U sợi tuyến khổng lồ

Một bên vú to hơn so với bên còn lại. Kích thước khối u khá lớn, có khi bằng trái cam. Bạn chỉ cần phẫu thuật loại bỏ khối u sợi tuyến khổng lồ.

4. U vú lành tính có nguy hiểm không?

Về bản chất, u vú lành tính không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ở một vài trường hợp khác thì bệnh gây khó chịu, tác động ít nhiều đến sinh hoạt và cuộc sống của người mắc bệnh. U vú lành tính tuy không nguy hiểm nhưng do chủ quan không điều trị sớm và dứt điểm sẽ khiến cho bệnh dễ tái phát hoặc có chiều hướng nặng hơn. Đối với u nang hoặc u xơ tuyến vú nếu không được điều trị đúng cách dễ chuyển sang u ác tính, gây ra ung thư vú.

Khi bị u vú lành tính kéo dài sẽ giảm chất lượng cuộc sống, khó khăn trong sinh hoạt cho chị em phụ nữ. Nguyên nhân là do cảm giác đau đớn, rối loạn nội tiết, dịch mủ tiết ra,... khiến cho người bệnh khó chịu, tự ti, căng thẳng về tinh thần dẫn đến stress. Do đó, khi phát hiện ra u vú lành tính người bệnh cần tiến hành thăm khám và chữa trị sớm để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

vicare.vn-cac-nhom-benh-ve-u-vu-lanh-tinh-body-3
Phụ nữ bị u vú lành tính cần được chuẩn đoán bệnh và điều trị đúng cách

5. Những phương pháp điều trị u vú lành tính

  • Uống thuốc đặc trị cân bằng nội tiết tố: đối với bệnh ở thể nhẹ có thể uống thuốc để điều hòa lại nội tiết tố, giúp làm giảm kích thước u vú và ngăn không cho cục u phát triển.
  • Chọc hút: u vú lành tính dạng u nang có thể điều trị bằng cách này. Khi đã xác định được đúng tình trạng bệnh, vị trí cục u, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên khoa hút dịch trong u nang ra và chúng sẽ xẹp đi. Phương pháp này không gây đau đớn cho người bệnh, không mất nhiều thời gian thực hiện và hồi phục, đồng thời tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân.
  • Phẫu thuật: người bị u vú lành tính cần tiến hành phẫu thuật để loại bỏ khối u khi đó là những khối u có kích thước lớn, gây ra những biến chứng và ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ. Việc phẫu thuật sẽ giúp cắt bỏ hoàn toàn khối u, giảm thiểu nguy cơ bệnh tái phát.
  • Ngoài ra, người mắc bệnh u vú lành tính có thể hạn chế sự phát triển của bệnh nhờ vào chế độ dinh dưỡng hợp lý. Theo đó, người bệnh cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là thực phẩm giàu vitamin C nhằm sinh ra kháng thể ngăn ngừa bệnh chuyển sang ung thư vú. Cần tránh ăn mặn hoặc đồ chiên xào không tốt cho sức khỏe. Nên ăn các loại thức ăn giàu chất chống oxy hóa như táo, cam, bông cải xanh, việt quất, đậu lăng, quả óc chó,....

Xem thêm:

  • Những thông tin từ A đến Z về bệnh ung thư vú ở phụ nữ
  • Tìm hiểu về các loại bệnh tuyến vú lành tính