Các giai đoạn phát triển của bệnh quai bị

Tuy là bệnh lành tính mà hầu như ai cũng từng trải qua một lần, nhưng nếu không phát hiện sớm và chăm sóc hợp lý thì bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng, thậm chí dẫn đến vô sinh. Vì thế, việc tìm hiểu các giai đoạn của bệnh quai bị là vô cùng cần thiết.

Các giai đoạn phát triển của bệnh quai bị Các giai đoạn phát triển của bệnh quai bị

Quai bị là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hồ hấp do virus quai bị (Mump virus) thuộc giống Rubulavirus, họ Paramyxoviridae gây ra. Tuy là bệnh lành tính mà hầu như ai cũng từng trải qua một lần, nhưng nếu không phát hiện sớm và chăm sóc hợp lý thì bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng, thậm chí dẫn đến vô sinh. Vì thế, việc tìm hiểu các giai đoạn của bệnh quai bị là vô cùng cần thiết.

1. Các giai đoạn của bệnh quai bị

Giai đoạn ủ bệnh:

Thời gian ủ bệnh của bệnh quai bị là tương đối dài, khoảng 15 - 21 ngày. Từ khi nhiễm virus cho đến trước khi phát bệnh 1 - 2 ngày người bệnh hoàn toàn không có bất kỳ biểu hiện gì khác lạ. Trong khoảng 1 - 2 tuần trước khi phát bệnh, virus paramyxovirus đã có thể lây sang những ai tiếp xúc gần với người bệnh. Do đó, quai bị rất dễ có thể lây lan thành dịch. 1 - 2 ngày trước khi phát bệnh, người bệnh sẽ có những triệu chứng khởi đầu nhưng rất nhẹ và thông thường như sốt nhẹ, mệt mỏi, khô miệng, biếng ăn, ăn không ngon...

Giai đoạn phát bệnh:

Thời kỳ khởi phát bắt đầu với các triệu chứng sốt cao 38 - 38,5 độ C, nhức đầu, nôn.

Thời kỳ toàn phát kéo dài khoảng 7 - 10 ngày, là thời gian những triệu chứng xuất hiện rõ nhất trong các giai đoạn của bệnh quai bị. Trong giai đoạn này, biểu hiện đặc trưng nhất là tuyến mang tai (2 tuyến nước bọt nằm ở góc xương hàm, ngay bên dưới và trước tai) bị sưng lên. Người bệnh có thể bị sưng 1 bên hoặc cả 2 bên. Tuyến mang tai sưng nên không thể sờ nắn góc hàm. Phần sưng bắt đầu từ má đến hàm dưới rồi đến tai và người bệnh có cảm giác đau phần bị sưng. Hai bên sưng thường không đối xứng (bên sưng to, bên sưng nhỏ), căng, bóng, không đỏ, ấn không lõm, sờ nóng, ấn đau.

vicare.vn-cac-giai-doan-phat-trien-cua-benh-quai-bi-body-1
Triệu chứng điển hình nhất của quai bị là sưng đau ở tuyến mang tai.

Ngoài biểu hiện trên, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như sốt cao, khó nói, khó nuốt, khó chịu, sợ gió, nhức đầu,... kèm theo một số biểu hiện như nước bọt ít, đặc quánh, họng viêm đỏ, đau hàm khi há miệng, nhai, nuốt, đau lan ra tai...

  • Giai đoạn lui bệnh:

Ở giai đoạn này, phần sưng ở tuyến mang tai bắt đầu xẹp xuống, bớt đau cho đến khi vùng sưng trở lại như bình thường. Người bệnh giảm sốt và có thể ăn, nói như bình thường. Thường người bệnh sẽ hết sốt sau 3 - 4 ngày, tuyến nước bọt hết sưng trong vòng 8 - 10 ngày.

2. Những biến chứng của bệnh quai bị

Sau khi trải qua hết các giai đoạn của bệnh quai bị, người bệnh sau khi khỏi xong thường sẽ miễn dịch và không mắc lại nữa. Nhưng cũng có trường hợp mắc lại lần thứ hai, lúc đó bệnh sẽ trở nên nguy hiểm hơn.

Người lớn bị mắc bệnh quai bị thường nặng và gặp nhiều biến chứng hơn trẻ em, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể có các biến chứng như:

  • Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn ở nam giới: thường có sốt 39 - 40 độ. Tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh hoàn căng phù như một sợi dây thừng. Tình trạng viêm và sốt kéo dài khoảng 3 - 7 ngày, sau đó khoảng một nửa số trường hợp tinh hoàn có thể bị teo dần, dẫn đến giảm số lượng tinh trùng và vô sinh.
vicare.vn-cac-giai-doan-phat-trien-cua-benh-quai-bi-body-2

  • Viêm buồng trứng ở nữ giới (chiếm khoảng 5%) với các triệu chứng: sốt, nôn, đau bụng vùng hố chậu, biến chứng vô sinh ít gặp.
  • Các tổn thương thần kinh như viêm não (chiếm khoảng 0,5% các trường hợp mắc): Ở bệnh nhân sẽ xuất hiện các dấu hiệu như thay đổi tính tình, bứt rứt, khó chịu, đau đầu, đầu to do não úng thủy, rối loạn tri giác, rối loạn thị giác, co giật.
  • Đặc biệt, việc trải quả các giai đoạn của bệnh quai bị ở phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sảy thai hoặc sinh con dị dạng, trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu.
  • Một số biến chứng khác: viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm tuyến lệ, viêm thần kinh thị giác (gây giảm thị lực tạm thời), viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, rối loạn chức năng gan, xuất huyết do giảm tiểu cầu...

Việc nắm rõ những triệu chứng điển hình trong các giai đoạn của bệnh quai bị có thể giúp cho việc điều trị được kịp thời và hiệu quả hơn. Qua đó sẽ giúp bệnh có thể được chữa khỏi mà không để lại biến chứng xấu cho bệnh nhân. Để hạn chế mắc bệnh quai bị, tiêm vaccin phòng bệnh là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay.

Xem thêm:

  • Bệnh quai bị cách ly bao nhiêu ngày?
  • Quai bị kiêng gì để không gặp biến chứng?
  • Triệu chứng quai bị có dễ dàng phát hiện?