Các bước nội soi đại tràng diễn ra như thế nào? Có đáng sợ như mọi người vẫn tưởng không?
Nội soi đại tràng là một thủ thuật để chuẩn đoán các bệnh lý ở đại tràng được dùng phổ biến hiện nay. Các bước nội soi đại tràng như thế nào và nội soi đại tràng có đáng sợ như mọi người vẫn tưởng không? Là những câu hỏi mà nhiều người băn khoăn nhất. Bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp thắc mắc đó.
Các bước nội soi đại tràng diễn ra như thế nào? Có đáng sợ như mọi người vẫn tưởng không?
Nội soi đại tràng là gì?
Là phương pháp thăm khám trực tiếp đại tràng (ruột già) nhờ vào một ống soi mềm nhỏ đường kính khoảng 1cm, được đưa vào qua hậu môn.
Nội soi đại tràng là một phương thức chẩn đoán hữu dụng nhất đối với những bệnh lý của đại tràng. Ngày nay, nội soi đại tràng được coi là phương thức hữu dụng nhất để tầm soát ung thư đại tràng.
Ống tiêu hóa được cho là cơ quan khó chẩn đoán bệnh. Các phương pháp hiện đại như siêu âm, chụp cắt lớp điện toán (CT) hay cộng hưởng từ (MRI) dù rất đắt tiền nhưng không có giá trị chẩn đoán bệnh lý ống tiêu hóa. Nội soi giúp phát hiện ra những tổn thương nhỏ mà các phương pháp khác không thể tìm ra được. Ngoài ra, soi đại tràng có thể dùng để cắt polyp (polyp là nguyên nhân thường gặp gây chảy máu khi đi ngoài và hóa thành ung thư) hay cắt ung thư sớm.
Nội soi là phương pháp hữu hiệu nhất để tìm ra nguyên nhân gây ra máu trong phân, tiêu chảy, đau bụng, viêm đại tràng hoặc một số triệu chứng bất thường trong đại tràng.
Chỉ định nội soi đại tràng
Chỉ định soi đại tràng tương đối rộng rãi. Hầu hết các bệnh nhân nghi ngờ có vấn đề ở đường tiêu hóa dưới đều được chỉ định soi đại tràng. Ngay cả khi chẩn đoán đã rõ ràng (viêm, loét hay u...) thì bệnh nhân cũng có thể được chỉ định nội soi đại tràng để lấy mẫu xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh hay tìm tế bào ung thư và kiểm tra định kỳ trong và sau điều trị.
Hiện nay, do tỷ lệ bị ung thư đại tràng ở nước ta khá cao, tất cả những người trên 45 tuổi đều nên soi tầm soát ung thư, các bệnh nhân lớn tuổi và kèm yếu tố nguy cơ cao như có tiền căn polyp, tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng nên nội soi kiểm tra định kỳ 1-3 năm/ lần.
Nội soi đại tràng như thế nào?
Chuẩn bị nội soi:
Trước khi nội soi đại tràng, đại tràng của bệnh nhân cần được chuẩn bị sạch. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn một cách cụ thể theo những thông tin cơ bản dưới đây:
Bệnh nhân cần các thức ăn lỏng như cháo, súp... một hoặc hai ngày trước nội soi và chỉ nên uống các nước uống có màu trong như là: nước lạnh, nước trái cây ép màu trong, nước canh màu trong... Không nên uống nước có màu đỏ hoặc tím như: nước ép nho hoặc rượu vang...
- Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc nhuận tràng để uống trong vòng vài giờ. Sau khi uống thuốc không lâu, bệnh nhân sẽ đi đại tiện phân lỏng. Thuốc này có thể có vị mặn và có thể làm khó chịu nhẹ ở dạ dày. Cần tuân thủ những lời khuyên sau để giúp cho đại tràng được chuẩn bị tốt:
- Sau mỗi lần uống thuốc, nên uống nước lạnh hoặc nước có màu trong suốt (ví dụ như nước táo ép) để làm hết cảm giác thuốc ở trong miệng.
- Thuốc nhuận tràng sẽ dễ uống hơn khi để trong ngăn mát tủ lạnh trước khi dùng.
- Có thể cho thêm chút nước chanh vào thuốc hoặc ngậm vài lát chanh thái mỏng sau khi uống thuốc.
- Nên ở nhà vào buổi tối trước ngày nội soi vì bệnh nhân sẽ phải đi đại tiện thường xuyên đến khi thật sạch.
- Nên uống thật nhiều nước màu trong để tránh bị mất nước trong lúc chuẩn bị nội soi. Nước cũng sẽ giúp làm sạch toàn bộ đại tràng
- Ngừng uống nước từ 6 đến 8 giờ trước khi nội soi đại tràng.
- Cần hạn chế sử dụng các loại thuốc một thời gian trước khi nội soi đại tràng: Aspirin và các chế phẩm của Aspirin, Warfarin, Insulin, các chế phẩm của sắt.
Nếu đại tràng của bệnh nhân chưa được làm sạch thì có thể sẽ cần thụt tháo trong vòng 30 đến 60 phút trước khi bắt đầu nội soi để làm sạch hoàn toàn đại tràng.
Bệnh nhân nên sắp xếp người thân đưa mình về nhà sau khi làm thủ thuật vì khi nội soi có sử dụng thuốc gây mê nên sẽ không an toàn nếu bệnh nhân tự lái xe về nhà.
Các bước nội soi đại tràng:
Trong thời gian làm thủ thuật, thuốc gây mê sẽ được truyền qua đường tĩnh mạch để giúp bệnh nhân thư giãn và ngủ trong quá trình nội soi. Vì vậy bệnh nhân có thể sẽ không nhớ gì nhiều về thủ thuật đã diễn ra. Trước khi được nội soi, bệnh nhân sẽ thay quần áo và mặc cái áo choàng của bệnh viện.
Bệnh nhân được nằm ở tư thế nghiêng về bên trái và chân gập cao lên gần tới bụng. Đầu tiên, bác sĩ sẽ đeo găng và thăm khám hậu môn một cách nhẹ nhàng xem có gì tắc nghẽn hay không. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi mềm và nhỏ đi qua hậu môn và di chuyển thật chậm lên đại tràng. Bác sĩ sẽ quan sát bên trong lòng đại tràng thông qua màn hình có kết nối với camera gắn ở đầu ống nội soi. Bác sĩ sẽ khảo sát toàn bộ chiều dài của đại tràng với ống nội soi đưa vào và rút ra khỏi đại tràng một cách nhẹ nhàng.
Bác sĩ cũng có thể sử dụng những dụng cụ nội soi rất nhỏ như kìm sinh thiết, thòng lọng hoặc chổi quét, đi qua một kênh nhỏ bên trong ống nội soi, để lấy mẫu xét nghiệm (sinh thiết) hay cắt bỏ các tổ chức tăng sinh bất thường khác (pô-líp hay các khối u nhỏ). Ống nội soi sẽ được rút ra một cách nhẹ nhàng khỏi hậu môn và hơi sẽ thoát ra ngoài. Vùng hậu môn sẽ được vệ sinh sạch sẽ. Nếu bệnh nhân có cảm giác quặn ở vùng bụng thì việc đánh hơi sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn.
Nội soi thông thường kéo dài từ 30 đến 45 phút, tuy nhiên cũng có thể lâu hơn tùy thuộc vào những gì bác sĩ phát hiện ra và xử lý trong quá trình nội soi. Sau nội soi, bệnh nhân sẽ được theo dõi từ 1 đến 2 giờ. Bệnh nhân có thể về nhà sau khi đã hoàn toàn tỉnh táo. Bệnh nhân không được lái xe hay điều khiển máy móc trong vòng 12 - 24 giờ sau khi làm thủ thuật. Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân biết khi nào có thể ăn uống và hoạt động bình thường trở lại (phần lớn các bệnh nhân có thể ăn uống bình thường sau khi nội soi). Hãy uống thật nhiều nước để bù cho lượng nước bị mất trong quá trình chuẩn bị làm sạch đại tràng trước nội soi nhưng không được uống rượu bia. Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ gây mê để biết khi nào có thể dùng lại aspirin hay các loại thuốc chống đông khác nếu bệnh nhân phải điều trị thường xuyên với các loại thuốc này.
Sau nội soi, bệnh nhân có thể có cảm giác đầy hơi hoặc quặn vùng bụng do hơi và bệnh nhân sẽ cần đánh hơi ra để giảm cảm giác khó chịu. Trong trường hợp có lấy mẫu sinh thiết hay cắt bỏ pô-líp, bệnh nhân có thể thấy những dải máu nhỏ trong phân trong vài ngày.
Nội soi đại tràng có đáng sợ như mọi người vẫn tưởng không?
Nội soi đại tràng là một thủ thuật an toàn, các biến chứng có thể xảy ra nhưng rất hiếm như:
Ống nội soi có thể gây rách hoặc thủng đại tràng. Đây là một biến chứng nặng, tuy nhiên biến chứng này hiếm khi xảy ra. Lỗ thủng có thể được xử lý bằng kẹp kim loại qua nội soi để đóng lỗ thủng lại, nhưng đôi khi cũng cần đến phẫu thuật để điều trị.
- Lấy mẫu sinh thiết hay cắt bỏ pô-líp có thể gây chảy máu nhưng thường chảy máu rất ít và có thể kiểm soát được. Chảy máu có thể được kiểm soát bằng cách đốt điện và/ hoặc kẹp cầm máu tại vị trí đang chảy máu.
- Có thể có phản ứng với thuốc gây mê.
Rất may là các biến chứng này không nhiều (chỉ khoảng 1/1000 bệnh nhân làm nội soi đại tràng).
Sau khi nội soi, bệnh nhân cần liên lạc ngay với bác sĩ và ê-kíp nội soi nếu:
- Đi đại tiện ra máu nhiều.
- Đau bụng nhiều (khác với quặn bụng do hơi).
- Sốt.
- Chóng mặt nhiều.
- Nôn mửa.
- Bụng chướng căng lên và cứng.
Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp mọi người có thêm kiến thức về nội soi đại tràng và an tâm khi chuẩn bị đi nội soi đại tràng.
Xem thêm:
- Địa chỉ nội soi đại tràng tốt ở TP. HCM
- Giá nội soi đại tràng bệnh viện Bạch Mai
- Bao lâu nên nội soi kiểm tra ung thư đại trực tràng?