Các bệnh về mi mắt thường gặp

Các bệnh về mi mắt thường gặp như viêm mi, chắp mi, lẹo, dị ứng mi, ung thư mi mắt...gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, tâm lý của người bệnh. Hãy cùng HoiBenh tìm hiểu các bệnh về mi mắt thường gặp, triệu chứng và cách điều trị để có thể nhận biết bệnh và khám, chữa bệnh kịp thời.

Các bệnh về mi mắt thường gặp Các bệnh về mi mắt thường gặp

Mi mắt có vai trò bảo vệ mắt khỏi những tổn thương và góp phần tạo nên vẻ đẹp của khuôn mặt. Mi mắt có độ dày khoảng 0,35 mm, cử động khoảng 10.000 lần trong một ngày. Tuy nhiên, da mi rất mỏng do đó dễ bị tổn thương khi bị các tác nhân xung quanh tác động. Các bệnh về mi mắt thường gặp như viêm mi, chắp mi, lẹo, dị ứng mi, ung thư mi mắt...gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, tâm lý của người bệnh.

Hãy cùng HoiBenh tìm hiểu các bệnh về mi mắt thường gặp, triệu chứng và cách điều trị để có thể nhận biết bệnh và khám, chữa bệnh kịp thời.

Bệnh viêm bờ mi

Triệu chứng: viêm bờ mi có các triệu chứng thường gặp như sung huyết, có rỉ mắt, đóng vẩy kết ở lỗ chân lông mi hoặc loét mi do tụ cầu vàng kèm theo cảm giác bỏng rát và cộm mắt như có dị vật, bờ tự do của mi đỏ, mi bị phù, kết mạc bị kích thích. Người bệnh thường sợ ánh sáng, chảy nước mắt và có thể bị dính mi mắt vào nhau khi ngủ.

Nguyên nhân: nguyên nhân gây bờ mi hiện chưa được xác định cụ thể, có thể do một hoặc kết hợp nhiều yếu tố gây ra. Những nguyên nhân gây viêm bờ mi bao gồm: viêm da tiết bã, gàu trên da đầu và lông mày, nhiễm khuẩn, tắc tuyến nhờn, dị ứng thuốc hoặc mỹ phẩm, ve chấy ở mi mắt, mất cân bằng hormone...

Điều trị: Viêm bờ mi thường được điều trị bởi thuốc kháng sinh (bôi tại chỗ hoặc dạng uống để diệt khuẩn) hoặc thuốc kháng viêm (thuốc nhỏ mắt, thuốc mỡ steroid giúp làm giảm viêm). Khi bị viêm bờ mi, bạn có thể dùng một khăn mềm, sạch, nhúng vào nước ấm, vắt khăn khô và đặt nhẹ lên mí mắt để giúp làm mềm rỉ mắt và bớt khó chịu.

Để phòng bệnh viêm mi mắt cần giữ vệ sinh tuyệt đối để tránh tái nhiễm.

Chắp

Triệu chứng: Chắp là 1 trong các bệnh về mi mắt thường gặp nhất. Chắp là một khối hạt nhỏ cứng, mọc trên mặt phía ngoài ở một mi mắt. Chắp hình thành do do tuyến Meibomius của sụn mi bị viêm mạn tính. Có thể sờ thấy khối chắp di động dưới mi. Mi sưng tấy lên, da trở nên đỏ và tiết ra chất màu trắng làm dính lông mi. Khi chất này khô trở thành mảnh vảy ngăn mi mắt mở ra, có trường hợp dẫn đến bệnh viêm kết mạc ở vùng gần chắp.

Điều trị: Đa phần bệnh ít gây đau và tiến triển chậm, có thể tự hết sau vài tháng. Có trường hợp cần dùng liệu pháp corticoid cho chắp lặn, hoặc gây tê tại chỗ để rạch lấy mủ ra. Chắp mi thường tái phát. Vì thế điều trị chuyên khoa là cần thiết để ngăn bệnh thành mạn tính. Những người mắc bệnh chắp cần thường xuyên đi xét nghiệm để đề phòng bệnh ung thư tuyến Meibomius.

Lộn mi

Triệu chứng: lộn mi là tình trạng bờ tự do của mi bị lộn ra ngoài, thường là ở mi dưới, làm lộ kết mạc và sụn mi phía bên dưới, dẫn đến chàm mạn tính và chảy nước mắt. Vì bệnh làm cho mi mắt không thể khép chặt lại được, cho nên phần giác mạc lộ ra rất dễ bị tổn thương hay bị nhiễm trùng và tái phát nhiều lần.

Nguyên nhân và điều trị: Bệnh đa số biểu hiện ở những người già, do nguyên nhân yếu cơ mi dưới do tuổi tác và thường xảy ra ở cả hai mắt. Bệnh lộn mi cũng có thể do nguyên nhân co rút từ vết sẹo trên mi, trên má hay liệt mặt, trong đó có trường hợp các cơ xung quanh mắt bị liệt. Trường hợp này thường chỉ có một mắt bị ảnh hưởng.Thể liệt là do liệt nhãn cầu, thể ở người già do viêm kết mạc mạn tính và thể sẹo do chấn thương, bỏng hoặc do bị acid hoặc kiềm bắn vào. Lưu ý nếu lộn mi gây chảy quá nhiều nước mắt thì cần phải điều trị bằng ngoại khoa.

Cụp mi

Triệu chứng và nguyên nhân: cụp mi là sự sa của mi trên xuống thấp hơn vị trí bình thường ở tư thế nhìn thẳng. Cụp mi có thể có liên quan bởi cơ chế do cân cơ nâng mi thoái hóa, giãn mỏng, không còn bám chắc được vào sụn mi (tuột điểm bám, đầu cân chỉ còn bám lên vách ngăn) do tuổi cao, chấn thương, bị viêm mi, đeo kính áp tròng gây tổn thương các cấu trúc thần kinh chi phối cơ nâng mi và cơ Muller, cơ nâng mi bị giảm chức năng co cơ vĩnh viễn hoặc tạm thời trong các bệnh cơ khu trú hoặc lan tỏa, do rối loạn miễn dịch, có thể do u hoặc phì đại tuyến ức, mắt hột có thể gây lông quặm ở mi trên và mi dưới làm cho các lông mi bị xiên vào trong và cọ vào nhãn cầu, gây viêm mi mạn tính và tạo thành vết sẹo kích thích thường xuyên kết mạc nhãn cầu và giác mạc, chảy nước mắt và làm giác mạc bị đục dần.

Điều trị: Nâng mi sụp có thể được can thiệp bằng phẫu thuật.

Lẹo mắt

Triệu chứng: là do tụ cầu khuẩn tấn công vào tuyến chân lông mi, thường có viêm mi kèm theo. Những bệnh nhân bị lẹo mắt thường có triệu chứng mi mắt sưng nhẹ, ngứa và hơi đỏ. Sau khoảng 3 đến 4 ngày chỗ đau nổi lên một khối to cỡ hạt gạo, có một điểm trắng ở giữa.

Điều trị: Nếu không chữa khỏi kịp thời, mụn lẹo có thể mưng mủ và vỡ, để lâu có thể gây ứ phù màng tiếp hợp. Cần chườm nóng để giảm đau, nhỏ hoặc bôi sulfamid hoặc kháng sinh (nhỏ vào túi kết mạc) là khỏi.

lẹo mắt

Dị ứng mi

Triệu chứng: Phần da ở mi mắt có rất nhiều tế bào nhạy cảm. Một số chất là thành phần trong phấn trang điểm, thuốc kẻ mi, mascara, thuốc nhuộm tóc, phấn nền, kem thoa mặt, sơn móng tay...có thể dễ dàng kích ứng miễn dịch gây dị ứng mi mắt. Bệnh nhân có thể bị ngứa, mi có thể rỉ nước hoặc khô đỏ, có cảm giác đau nhức. Khi đó, cần ngưng dùng ngay chất nghi ngờ gây dị ứng.

Điều trị: Tạm thời loại bỏ tất cả mỹ phẩm đang sử dụng cho đến khi bệnh khỏi. Sau đó, sử dụng lại từng loại một trong khoảng thời gian cách nhau một tuần lễ để tìm ra chính xác nguyên nhân.

Để giảm cảm giác co rút mi bệnh nhân có thể bôi thuốc mỡ có gốc vitamin A hoặc vaseline. Chọn thuốc nhỏ mắt với liều duy nhất không chứa chất gây dị ứng. Lựa chọn kính áp tròng thích hợp không gây kính thích mắt.

Ung thư mi mắt

Có đến 60% ca ung thư vùng mặt chiếm vị trí quanh mi mắt. Ung thư mi mắt chưa có nguyên nhân chính xác nhưng có tiên lượng khá tốt trong các bệnh ung thư thường gặp.

Triệu chứng có thể gặp của ung thư mi mắt

  • Loét da mi, bờ xung quanh nổi gồ đen, lâu lành bị rỉ máu thường xuyên, có thể làm rụng lông mi lông mày, ít gây đau đớn, hay tái phát dù được điều trị, thường nghĩ đến ung thư biểu mô tế bào đáy.
  • Tổn thương xuất hiện thành cục ở da mi, có thể có loét hay không có loét da mi, có sắc tố hoặc màu trắng nhợt, có giãn mạch.
  • Một mảng da mi cứng như “tờ bìa”, ranh giới với vùng xung quanh không rõ.
  • Một nốt ruồi thay đổi tính chất như: To nhanh, ngứa, thay đổi màu sắc hoặc loét rỉ máu thì phải nghĩ đến u hắc tố ác tính.

Đôi khi, bệnh biểu hiện như một “chắp” tồn tại dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần hoặc một lần làm loét kết mạc mi (mặt trong của mi). Trường hợp này cần nghĩ đến một ung thư biểu mô tuyến bã.

Các trường hợp u lymphô ác tính ở mi mắt thường làm cho mi dày lên mà không gây loét da mi cũng như không gây loét kết mạc mi.

Chuẩn đoán và điều trị: Để chẩn đoán xác định bệnh, cần làm sinh thiết. Phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp quan trọng và hiệu quả nhất trong điều trị ung thư mi. Riêng đối với các trường hợp nghi ngờ u hắc tố ác tính, tốt nhất là phẫu thuật lấy bỏ rộng tổn thương để chẩn đoán và điều trị luôn.

Mi mắt là bộ phận nhạy cảm giúp bảo vệ mắt tốt nhất. Vì vậy, để tránh các bệnh lý thường gặp về mi mắt, chìa khóa duy nhất là tuyệt đối giữ vệ sinh, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là bổ sung vitamin A giúp giảm khô mắt, có chế độ làm việc hợp lý chăm sóc đôi mắt luôn khỏe mạnh.

Hồng Vân