Các bệnh răng miệng gây buốt chân răng người nào cũng có thể mắc

Buốt chân răng tuy không gây nguy hiểm nhưng nếu không được can thiệp sớm thì có thể dẫn đến sâu răng cũng như các bệnh răng miệng khác. Nguyên nhân và cách điều trị buốt chân răng là gì - cùng HoiBenh tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Các bệnh răng miệng gây buốt chân răng người nào cũng có thể mắc Các bệnh răng miệng gây buốt chân răng người nào cũng có thể mắc

Buốt chân răng là bệnh gì?

Buốt chân răng còn được gọi là răng nhạy cảm hay hiện tượng quá cảm ngà răng, được định nghĩa là cơn đau nhói xuất hiện trên phần ngà nơi chân răng bị lộ, do kích thích từ bên ngoài như nhiệt độ, cơ học hay hóa học. Cụ thể các kích thích thường gặp là ăn uống những đồ nóng, lạnh, chua, ngọt hoặc khi hít thở trong điều kiện thời tiết lạnh.

Nguyên nhân buốt chân răng

Nguyên nhân chủ yếu gây buốt chân răng là do ngà răng bị lộ ra.

  • Ngà răng là một lớp chất cấu tạo nên răng, phía ngoài được bao bọc bởi men răng, bên trong ngà răng là phần tủy răng.
  • Ngà răng chứa đầy các ống siêu nhỏ với rất nhiều đầu dây thần kinh nhạy cảm chạy qua. Khi ngà răng bị lộ tiếp xúc với các tác nhân từ bên ngoài, chúng sẽ kích thích các dây thần kinh cảm giác của ngà răng, từ đó gây ra một cơn đau nhẹ nhưng cảm giác nhói đến tận chân răng rất khó chịu.

Như vậy, hiện tượng buốt chân răng xuất hiện khi răng bị mất lớp men răng hay bị tụt nướu làm lộ ra lớp ngà răng, mà cụ thể thường là do các nguyên nhân sau:

Các bệnh lý răng miệng gây ra buốt chân răng

Một số bệnh lý về răng miệng có thể gây ra buốt chân răng bao gồm:

  • Sâu răng: Đây là một trong những bệnh lý răng miệng thường gặp nhất. Các lỗ sâu trên răng có thể làm lộ ra lớp ngà răng cùng với các dây thần kinh cảm giác sẽ gây đau khi bị kích thích.
  • Tụt nướu: dù do sâu răng hay do mòn răng thì khi tụt nướu đều để lộ ngà răng làm cho răng trở nên nhạy cảm hơn.
  • Bệnh nghiến răng: Nghiến răng mức độ nặng và thường xuyên có thể gây ra nhiều biến chứng, trong đó có buốt chân răng do mòn răng.
vicare.vn-cac-benh-rang-mieng-gay-buot-chan-rang-nguoi-nao-cung-co-mac-body-1

Các nguyên nhân ngoài bệnh lý gây buốt chân răng

  • Chăm sóc răng miệng sai cách

Việc đánh răng hay xỉa răng sai cách đều có thể dẫn đến hiện tượng buốt chân răng. Bàn chải lông cứng hay việc chải răng quá mạnh là một trong những nguyên nhân gây ăn mòn răng, tổn thương nướu và làm răng nhạy cảm.

Ngoài ra, việc không tích cực vệ sinh răng miệng hoặc chải răng có thể làm tích tụ các mảng bám trên răng trong thời gian dài dẫn đến sâu răng, từ đó gây ra buốt chân răng.

  • Thói quen ăn uống không tốt

Nếu bạn sử dụng kéo dài các thực phẩm chứa nhiều axit chẳng hạn như soda, nước ngọt có ga, trái cây chua... thì axit có trong những thực phẩm này sẽ ăn mòn lớp men răng, làm lộ lớp ngà răng của bạn và gây buốt chân răng. Các loại thực phẩm có hàm lượng đường cao cũng có thể kích thích sự phát triển của các vi khuẩn trên bề mặt răng làm mòn men răng.

  • Tẩy trắng răng kém chất lượng

Tẩy trắng răng sẽ giúp bạn có được một hàm răng trắng sáng tự tin. Tuy nhiên, một số trường hợp sau khi tẩy trắng răng lại bị buốt chân răng. Điều này là do việc làm trắng răng không đúng kỹ thuật hay nồng độ chất làm trắng răng vượt quá ngưỡng cho phép, làm tụt nướu do nướu bị chất làm trắng kích thích. Vì thế, bạn nên đến những cơ sở nha khoa uy tín để thực hiện tẩy trắng răng một cách an toàn.

Khắc phục buốt chân răng bằng cách nào?

Điều trị buốt chân răng trong giai đoạn đầu không khó. Một số trường hợp có thể điều trị buốt chân răng tại nhà mà không cần đến gặp bác sĩ. Dưới đây là những cách mà bạn có thể tham khảo và áp dụng:

Thay đổi cách chải răng

Bạn nên dùng bàn chải có lông mềm, chải răng nhẹ nhàng, chải răng đúng cách theo phương pháp Bass cải tiến đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo như sau:

  • Đặt bàn chải nghiêng một góc 45 độ so với bề mặt răng tại vị trí cổ răng
  • Xoay tròn và rung nhẹ tại chỗ ở mỗi vùng của răng từ 6 đến 10 lần
  • Xoay bàn chải để lông bàn chải chạy dọc theo chiều trên dưới của răng, chải tất cả các vùng của răng.

Để dễ nhớ, bạn nên chải theo nguyên tắc:

  • Chải hàm trên trước, hàm dưới sau, mặt ngoài trước, mặt trong sau.
  • Đối với mặt nhai, chải theo động tác tới lui ngắn để tránh bỏ sót.

Bạn có thể sử dụng thêm chỉ nha khoa để lấy các mảng bám thức ăn ở các kẽ răng mà việc chải răng không thể lấy hết được.

vicare.vn-cac-benh-rang-mieng-gay-buot-chan-rang-nguoi-nao-cung-co-mac-body-2

Tránh thức ăn, đồ uống có tính axit

Tránh dùng các thực phẩm có tính axit như cam, quýt, nước ngọt có ga, soda, rượu vang... Nếu đã sử dụng thì nên đợi ít nhất 20 phút mới được đánh răng, không nên đánh răng sớm hơn vì có thể làm men răng bị tổn thương thêm làm lộ ngà răng gây đau buốt chân răng.

Dùng kem đánh răng dành riêng cho răng ê buốt

Bạn có thể dùng thử một số loại kem đánh răng phổ biến và được tin dùng trên thị trường. Đây là những loại kem chứa các hoạt chất như kali, natri giúp ngăn chặn hình thành ống nhỏ trong ngà răng đồng thời có độ ăn mòn thấp nên phù hợp với răng nhạy cảm. Tuy nhiên, chúng không hoàn toàn hiệu quả. Mặc dù vậy, các chuyên gia thường khuyến cáo sử dụng các loại kem này như là bước khởi đầu trong việc điều trị buốt chân răng.

Điều trị bệnh nghiến răng

Nghiến răng là tình trạng thường gặp ở nhiều người, nhất là khi ngủ, đau nhức hay căng thẳng. Nếu bị nghiến răng khi ngủ, bạn hãy thử dùng miếng bảo vệ răng hoặc thay đổi tư thế ngủ. Nếu bị nghiến răng khi đau nhức hay căng thẳng, bạn nên để hai hàm răng cách xa nhau và thả lỏng chúng. Nếu những cách này vẫn không hiệu quả thì bạn nên đi khám để được điều trị sớm nhằm tránh làm tình trạng buốt chân răng nặng nề hơn.

Khám răng thường xuyên

Nếu những cách trên không hiệu quả thì bạn nên gặp bác sĩ để được khám răng. Tùy thuộc vào tình trạng răng của bạn mà bác sĩ có thể bôi lớp phủ florid hoặc trám hạt nhựa cho các vùng răng bị ê buốt, đồng thời chữa trị các bệnh về răng miệng gây ra buốt chân răng.

Phòng tránh buốt chân răng bằng cách nào?

Nếu bạn thực hiện tốt các biện pháp sau thì tình trạng buốt chân răng có thể sẽ không bao giờ xuất hiện:

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đúng cách

Bạn nên đánh răng ít nhất 2 lần một ngày, đặc biệt là sau khi ăn. Nên sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch răng tốt hơn. Bạn cũng có thể sử dụng các loại nước súc miệng có flour và không có cồn để giảm nguy cơ buốt chân răng.

Thay đổi thói quen ăn uống

Hạn chế thực phẩm chứa nhiều axit. Tránh ăn các thức ăn quá cay nóng hoặc quá lạnh vì có thể khiến cho men răng bị mòn dẫn đến buốt chân răng. Ngoài ra, các thức ăn quá mặn có thể làm tình trạng trầm trọng hơn, đặc biệt khi men răng đã bị tổn thương. Nên ăn các loại thức ăn chứa nhiều chất xơ như các loại rau củ vì sẽ giúp tuyến nước bọt hoạt động tốt, góp phần tạo nên các khoáng chất chống lại quá trình bào mòn men răng và giúp tái tạo khoáng cho men răng.

Bổ sung canxi

vicare.vn-cac-benh-rang-mieng-gay-buot-chan-rang-nguoi-nao-cung-co-mac-body-3

Canxi là thành phần rất quan trọng trong việc ngăn ngừa các vấn đề về răng, trong đó có buốt chân răng. Canxi có nhiều trong sữa và các sản phẩm làm từ sữa, hải sản, rau có màu xanh đậm, hạt vừng...

Uống nhiều nước

Bạn nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, đặc biệt là sau khi ăn, bởi nó góp phần làm trôi các mảng bám trên răng.

Tự kiểm tra răng miệng

Bên cạnh việc gặp bác sĩ kiểm tra định kỳ, bạn cũng cần chủ động theo dõi sức khỏe răng miệng hàng ngày. Một cách đơn giản nhằm đánh giá tình trạng răng của bạn là dùng đồ ăn hoặc thức uống lạnh. Bạn hãy thử ăn kem hay uống một cốc nước thật lạnh. Nếu bạn có cảm giác ê buốt, nghĩa là răng bạn đang bị nhạy cảm. Khi đó bạn nên thực hiện những cách trên để mau chóng chữa khỏi chứng buốt chân răng khó chịu này.

Xem thêm:

  • 6 phương pháp giúp giảm ê buốt răng
  • Cách điều trị răng ê buốt sau sinh mẹ nên biết