Biểu hiện của bệnh chốc lở
Một trong những bệnh nhiễm khuẩn da dễ lây và hay gặp ở trẻ mà các bậc cha mẹ nên chú ý đó là bệnh chốc lở. Bệnh thường xuất hiện trên những vùng da như mặt, mũi, miệng và hay bị nhầm với bệnh thủy đậu. Mặc dù bệnh không nguy hiểm nhưng biến chứng của bệnh lại vô cùng nguy hiểm, vì vậy mà việc nhận biết biểu hiện của bệnh chốc lở là điều vô cùng quan trọng.
Biểu hiện của bệnh chốc lở
Một trong những bệnh nhiễm khuẩn da dễ lây và hay gặp ở trẻ mà các bậc cha mẹ nên chú ý đó là bệnh chốc lở. Bệnh thường xuất hiện trên những vùng da như mặt, mũi, miệng và hay bị nhầm với bệnh thủy đậu. Mặc dù bệnh không nguy hiểm nhưng biến chứng của bệnh lại vô cùng nguy hiểm, vì vậy mà việc nhận biết biểu hiện của bệnh chốc lở là điều vô cùng quan trọng để kịp thời xử lý và điều trị.
Bệnh chốc lở - Căn bệnh nhiễm trùng da
Bệnh chốc lở được biết đến là một căn bệnh do vi khuẩn gây ra tình trạng nhiễm trùng trên da (nhiễm trùng nông). Đặc tính của bệnh là có khả năng lây lan cục bộ khá nhanh – tức là dễ lây lan trực tiếp từ vùng da bị bệnh đến vùng da lành trên cơ thể, hoặc cũng có thể lây từ trẻ này sang trẻ khác khi tiếp xúc da với nhau.
Bệnh chốc lở không giới hạn độ tuổi mắc bệnh, từ trẻ em cho đến người già đều có thể mắc phải căn bệnh này, tuy nhiên thì trẻ em là đối tượng chính và chủ yếu bị nhiễm bệnh. Và như đã nói ở trên, biểu hiện của bệnh thường khiến các bậc cha mẹ nhầm lẫn với bệnh thủy đậu nên thường xử trí bệnh sai cách và không hiệu quả.
Mặc dù bệnh chốc lở là căn bệnh không gây quá nhiều nguy hiểm đối với tính mạng người bệnh, nhưng biến chứng của nó thì lại rất nguy hiểm, điển hình như:
- Chàm hóa: các vết chốc lở tái phát đi - tái phát lại và càng ngày càng xuất hiện nhiều mụn nước hơn, ngứa hơn và rát hơn.
- Chốc loét: gây tổn thương sâu vào da làm mất thẩm mỹ nghiêm trọng (mặc dù không để lại sẹo). Dạng biến chứng này thường gặp ở trẻ em, người già, người bị suy dinh dưỡng hoặc người mắc chứng suy giảm miễn dịch.
- Nhiễm trùng huyết: dạng biến chứng vô cùng nguy hiểm và thường gặp trên những cơ thể chưa có hoặc có sức đề kháng yếu.
- Viêm cầu thận cấp: xảy ra với bệnh nhân bị mắc bệnh chốc lở nhưng không điều trị được dứt điểm mà để kéo dài từ 3 tuần hoặc hơn.
- Ngoài những biến chứng trên thì còn có những biến chứng khác khá nguy hiểm như viêm phổi, viêm xương, viêm hạch.
Nếu biết rõ biểu hiện của bệnh chốc lở thì vừa có thể chẩn đoán bệnh sớm, vừa xử trí đúng để nhanh khỏi bệnh, da nhanh lành và không để lại sẹo, đồng thời tránh được biến chứng nguy hiểm.
Biểu hiện của bệnh chốc lở
Bệnh chốc lở có hai dạng chính khi gây tổn thương trên da là:
- Chốc lở có bọng nước.
- Chốc lở không có bọng nước.
Và chúng ta cùng xem qua biểu hiện của cả 2 dạng này:
Chốc lở có bọng nước
- Các bọng nước thường xuất hiện ở những vùng da bị ngứa đỏ và rát, đường kính của bọng nước từ 0.5 – 1 cm. Đồng thời trông các bọng nước này hơi nhăn nheo, xung quanh có quầng đỏ đi kèm nhân mủ ở bên trong.
- Bệnh nhân sẽ thấy cơ thể rất ngứa ngáy nên hay gãi.
- Sau vài giờ hoặc vài ngày, các bọng nước sẽ bị dập vỡ do hoạt động của cơ thể. Sự dập vỡ này tạo nên các vảy màu nâu giống mật ong trên vùng da bị chốc lở, tuy nhiên không để lại sẹo.
- Các vị trí thường gặp là các vùng da bị hở, lòng bàn chân – lòng bàn tay hoặc kể cả da đầu.
Chốc lở không có bọng nước
- Trên cơ thể có xuất hiện các mụn nước, mụn mủ và các mụn này thường biến mất rất nhanh. Vùng da bị tổn thương có biểu hiện vảy khá giống với bệnh nấm da, đồng thời các vảy thường có màu vàng – nâu đi kèm với quầng đỏ bao quanh.
- Dạng chốc lở này có thể tự biến mất sau khoảng từ 2 – 3 tuần. Những trường hợp như bị viêm da cơ địa, da dễ bị tác động bởi yếu tố thời tiết – môi trường... thì dạng chốc lở này sẽ lâu biến mất hơn.
- Vị trí các mụn chốc lở này hay gặp là ở xung quanh mặt, xung quanh hốc mũi, xung quanh miệng và có thể có xuất hiện ở tứ chi.
Cách chăm sóc và phòng ngừa trẻ mắc bệnh chốc lở
Điều mà các bậc cha mẹ cần làm khi có con bị mắc bệnh chốc lở đó là:
- Luôn đảm bảo vệ sinh cơ thể cho trẻ thật sạch sẽ, sử dụng một số thuốc sát trùng như xanh Metylen... và cho bé đi khám bác sĩ nếu thấy bệnh có xu hướng tiến triển.
- Ngăn chặn hành vi gãi ngứa gây tổn thương da ở trẻ.
- Giữ cho môi trường sống của trẻ luôn thoáng mát. Đồng thời mặc cho trẻ quần áo rộng rãi, thoáng và hút mồ hôi tốt.
- Bảo vệ làn da của trẻ không bị tổn thương bằng cách luôn quan tâm và chú ý tới trẻ, nhất là khi trẻ chơi các trò chơi ngoài trời.
- Hạn chế cho trẻ nghịch bẩn hoặc tiếp xúc với thú nuôi.
- Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể trẻ khỏe mạnh với sức đề kháng tốt. Điển hình là uống đủ nước và ăn nhiều rau xanh.
Qua những thông tin trên đây, bạn đã biết được những biểu hiện của bệnh chốc lở cũng như phương pháp chăm sóc trẻ em khi phát hiện trẻ bị mắc bệnh. Căn bệnh này không quá nguy hiểm nếu như phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Chúc bé và gia đình luôn khỏe mạnh!