Biểu hiện của bệnh bại não ở trẻ nhỏ

Bại não là một bệnh lý ở trẻ nhỏ đáng được quan tâm do những di chứng nặng nề mà nó gây ra. Nếu phát hiện sớm với những biểu hiện cụ thể sẽ góp phần không nhỏ đến việc điều trị có hiệu quả. Vậy biểu hiện của bệnh bại não ở trẻ nhỏ có dễ nhận biết không?

Biểu hiện của bệnh bại não ở trẻ nhỏ Biểu hiện của bệnh bại não ở trẻ nhỏ

Bệnh bại não là gì?

Bại não là tình trạng tổn thương ở não bộ, gây nên bởi các yếu tố nguy cơ xảy ra ở giai đoạn trước/trong/sau sinh đến khi trẻ đạt 5 tuổi. Tổn thương của não gây bại não tuy không tiến triển nhưng có thể để lại di chứng suốt đời. Bại não biểu hiện chủ yếu bằng những rối loạn vận động, đi kèm với các rối loạn khác về trí tuệ, giác quan và hành vi.

Tại các nước phát triển tỷ lệ mắc bại não dao động từ 0,18-0,23% tổng số trẻ sơ sinh sống. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bại não là 0,18%, chiếm 31,7% tổng số trẻ tàn tật.

Giới tính: Bại não gặp ở trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ, tỷ số nam/nữ = 1,35/1

vicare.vn-bieu-hien-cua-benh-bai-nao-o-tre-nho-body-1

6 nguyên nhân gây bại não ở trẻ

  • Nhiễm khuẩn trong thời kỳ mang thai như Rubella (sởi Đức), nhiễm Toxoplasmosis, bệnh do Cytomegalovirus có thể gây tổn thương não ở bào thai và gây bại não về sau.
  • Tình trạng thiếu oxy não bào thai, xảy ra trong trường hợp nhau thai bị bóc tách khỏi thành tử cung trước sinh, có thể làm giảm lượng oxy cung cấp cho thai.
  • Trẻ sinh non và nhẹ cân có khả năng mắc bệnh bại não cao gấp 30 lần so với những trẻ đủ tháng và đủ cân.
  • Những biến chứng trong quá trình chuyển dạ làm cho trẻ sơ sinh bị ngạt là nguyên nhân gây ra khoảng 10% các trường hợp bại não.
  • Bất đồng nhóm máu Rhesus (Rh) giữa mẹ và thai cũng có thể gây nên tổn thương não dẫn đến bại não. Những dị tật bẩm sinh, những bất thường về cấu trúc não, mắc bệnh di truyền... đều làm cho trẻ tăng khả năng bại não.
  • Có một số trẻ bị bại não mắc phải sau khi sinh, do tổn thương não bộ thường xảy ra trong 2 năm đầu đời. Nguyên nhân phổ biến nhất của các tổn thương này là: nhiễm khuẩn ở não bộ và chấn thương đầu.

Biểu hiện của bệnh bại não

Bại não được chia thành 3 thể bệnh chính. Tuy nhiên, trên một trẻ bị bại não còn có thể có nhiều hơn một thể bệnh kết hợp với nhau. Dưới đây là các biểu hiện của bệnh bại não:

  • Bại não thể liệt cứng: Có khoảng 70 - 80% trẻ bị bại não thuộc nhóm này. Trẻ có biểu hiện các cơ co cứng, luôn trong trạng thái tăng trương lực cơ. Chính do tình trạng này mà sự vận động của trẻ rất khó khăn. Trẻ sẽ khó khăn trong việc cầm nắm, bò hoặc đi.
  • Bại não thể múa vờn hay loạn động: Có khoảng 10 - 20% trẻ bị bại não thuộc vào nhóm này. Đây là thể bệnh được đặc trưng bởi sự biến đổi thất thường của trương lực cơ (lúc tăng, lúc giảm). Trẻ còn thường kèm theo các động tác bất thường không thể kiểm soát được. Các động tác bất thường này thường có nhịp điệu chậm, biên độ đôi khi lớn, khi đang múa thì trẻ không ý thức được điều này.
  • Bại não thể thất điều: Khoảng 5 - 10% trẻ bị bại não thuộc thể lâm sàng này. Biểu hiện chủ yếu liên quan đến cân bằng tư thế và phối hợp động tác. Do có rối loạn trong kiểm soát tư thế nên dáng đi của trẻ thường hay lảo đảo, vùng thắt lưng hay đong đưa. Do rối loạn khả năng phối hợp động tác nên trẻ rất khó để thực hiện được các động tác đòi hỏi sự nhịp nhàng và chính xác như vỗ tay theo nhịp hoặc viết vẽ.

Ngoài ra, các biểu hiện dưới đây có thể gặp ở cả tất cả các thể trên:

  • Chậm phát triển tâm thần: 1/3 các trường hợp trẻ bị bại não kèm chậm phát triển tâm thần mức độ trung bình nặng, 1/3 kèm chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ, còn lại phát triển tâm thần bình thường.
  • Rối loạn hành vi, nhìn kém, giảm thính lực, nói khó, ăn khó, giao tiếp kém.

Tuy nhiên, không thể để trẻ có những biểu hiện như trên rồi mới can thiệp, như vậy là quá muộn nên các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra các biểu hiện của bệnh bại não ở giai đoạn sớm bằng cách đánh giá xem liệu trẻ không đạt được những kỹ năng theo tuổi sau đây:

  • Ngồi một mình: 6 - 10 tháng.
  • Nói bập bẹ: 6 - 8 tháng.
  • Bò, trườn: 9 - 12 tháng.
  • Cầm, nắm bằng ngón tay, cầm bình sữa, đồ chơi: 9 - 12 tháng.
  • Tự đi: 12 - 18 tháng.
  • Phát âm được từ đôi ví dụ như “ba ba”, “ma ma”: 12 - 18 tháng.
  • Đi lên, đi xuống cầu thang: 24 - 36 tháng.
  • Lật sách, mang dép: 24-30 tháng.
vicare.vn-bieu-hien-cua-benh-bai-nao-o-tre-nho-body-2

Không có một tiêu chuẩn vàng nào để có thể chẩn đoán được trẻ bại não, tuy nhiên nếu càng nhiều yếu tố thì càng ủng hộ chẩn đoán.

Theo các tác giả Farber, Friedmen và Steinfeld, dấu hiệu bại não gồm:

  • 4 tháng tuổi: không chơi được với bàn tay được.
  • 6 tháng tuổi: đầu thụt lại đằng sau được.
  • 6 tháng tuổi: không lật hai chiều được.
  • 8 tháng tuổi: không ngồi được khi đặt trẻ xuống
  • 12 tháng tuổi: không bò được.

Một số yếu tố hỗ trợ chẩn đoán:

  • Có yếu tố nguy cơ như tiền sử sản khoa bất thường, chấn thương, bệnh lý.
  • Rối loạn trương lực cơ sau sinh, giảm trương lực cơ không tương xứng với sức cơ.
  • Hành vi bất thường.
  • Chậm phát triển tâm thần và vận động.
  • Tăng các phản xạ gân cơ.
  • Cử động miệng và mắt bất thường.
  • Chậm phát triển phản ứng tư thế, tư thế mất cân xứng.
  • Gồng cứng chi.
  • Tồn tại các phản xạ nguyên phát kéo dài.

Lưu ý, các dấu hiệu sớm để nghi ngờ bại não thường không điển hình do vẫn gặp trong các trường hợp khác. Tuy nhiên, khi xuất hiện thì không nên chủ quan mà phải đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa khám để có kết luận sớm nhất. Với trình độ y tế hiện nay, nếu phát hiện và can thiệp sớm thì sẽ làm giảm rõ rệt di chứng cho trẻ.

Xem thêm:

  • Bệnh bại não: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa trị
  • Những điều cần biết về bệnh bại não trẻ em