Biến chứng thường gặp sau mổ tim ở trẻ em

Các vấn đề sau mổ tim ở trẻ em nếu được dự phòng hoặc phát hiện và điều trị sớm sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng sau phẫu thuật tim bẩm sinh, giúp trẻ hồi phục sau phẫu thuật tim nhanh hơn.

Biến chứng thường gặp sau mổ tim ở trẻ em Biến chứng thường gặp sau mổ tim ở trẻ em

1. Một số biến chứng sau phẫu thuật tim

Giai đoạn đầu sau khi mổ tim trẻ em là thời điểm cơ thể còn yếu, dễ gặp các biến chứng sau phẫu thuật tim rất nguy hiểm. Chính vì vậy, không chỉ các y, bác sĩ mà gia đình bé cần có trách nhiệm theo dõi tình trạng sức khỏe của bé để có thể ứng phó kịp thời với bất cứ biểu hiện bất thường nào.

1.1 Áp lực nhĩ cao

Có thể do một số nguyên nhân như :

  • Hở van nhĩ thất do sóng V trên đường biểu diễn áp lực nhĩ cao.
  • Đổ đầy quá mức trong trường hợp hẹp van động mạch chủ hoặc hẹp van động mạch phổi
  • Sự kém đàn hồi của tâm thất tương ứng sẽ làm áp lực nhĩ tăng cao chỉ với một thể tích đổ đầy rất ít
  • Chèn ép tim cấp khi áp lực nhĩ cao kết hợp với nhịp tim nhanh, tụt huyết áp, giảm cung lượng tim.
  • Ngoài ra còn do giảm sức co bóp cơ tim, loạn nhịp tim, tràn khí màng phổi.

Vào những tình thế này cần báo phẫu thuật viên, siêu âm tim kiểm tra, không nên trì hoãn việc mở xương ức lại nếu diễn tiến lâm sàng xấu đi. Ở trẻ nhỏ, tim phù nề mà không cần phải có dịch màng tim cũng có thể gây chèn ép tim cấp và sẽ đáp ứng rất tốt với mở xương ức.

1.2 Giảm cung lượng tim

Thường gặp là giảm huyết áp, giảm nhiệt độ ngoại biên, giảm lượng nước tiểu, tăng nhịp tim. Tăng lactate máu và kiềm thiếu, giảm độ bão hòa oxy trong máu tĩnh mạch trộn (<60% đối với tuần hoàn hai thất, <50% đối với tuần hoàn một thất). Nguyên nhân do giảm thể tích tuần hoàn, loạn nhịp tim, chèn ép tim cấp, suy chức năng cơ tim, toan chuyển hóa, tăng áp lực động mạch phổi, trao đổi khí kém, tăng kali máu, có vấn đề về thuốc vận mạch.

1.3 Chèn ép tim cấp

Biểu hiện của biến chứng này gồm: tăng nhịp tim, giảm nhiệt độ chi, giảm huyết áp, mạch nhẹ, tăng áp lực nhĩ trái và phải (đặc biệt là nhĩ phải), dịch dẫn lưu ngực có thể tăng (nếu do chảy máu nhiều) hoặc giảm (thường gặp) do nghẹt ống dẫn lưu. Tiếng tim nghe mờ, phức bộ QRS có thể thấp, lactate tăng và toan chuyển hóa.

1.4 Chảy máu

Dấu hiệu nhận biết là dịch mất trong ống dẫn lưu ngực có màu đỏ tươi và gia tăng về số lượng hoặc không giảm như bình thường.

Nếu máu mất > 10 ml/kg/giờ ở bất cứ thời điểm nào, phải mở ngực kiểm tra ngay. Trong 2 giờ đầu sau mổ, lượng máu mất có thể lên đến 5 ml/kg/giờ. Sau 4 giờ, lượng máu mất thường < 1 ml/kg/giờ, nếu lượng máu mất ≥ 3 ml/kg/giờ, cần phải báo phẫu thuật viên và làm các xét nghiệm đông cầm máu.

Ngoài ra còn có những dấu hiệu khác như biểu hiện chèn ép tim cấp, giảm thông khí + giảm di động lồng ngực 1 bên hay chướng bụng tăng dần. Nguyên nhân thường gặp do giảm số lượng tiểu cầu, giảm chức năng tiểu cầu, pha loãng hoặc tiêu thụ các yếu tố đông máu, tồn lưu heparin (thường trong 4 giờ đầu sau mổ), thủng mạch máu.

vicare.vn-bien-chung-thuong-gap-sau-mo-tim-o-tre-em-body-1

1.5 Tăng huyết áp sau mổ

Thường gặp sau mổ sửa chữa hẹp eo động mạch chủ. Những nguyên nhân khác gồm: đau, tỉnh, co giật, bàng quang đầy, ứ CO2, co mạch.

1.6 Giảm huyết áp sau mổ

Giảm huyết áp sau mổ tim trẻ em thể hiện qua việc giảm thể tích tuần hoàn, chảy máu, giảm cung lượng tim, giãn mạch quá mức khi cung lượng tim vừa đủ hoặc ở mức giới hạn, phản vệ, kháng lực động mạch chủ giảm do mất máu qua shunt trung tâm, tuần hoàn bàng hệ lớn, rò động tĩnh mạch.

1.7 Giảm oxy máu

Giảm PaO2 hoặc giảm độ bão hòa oxy, gặp ở bất cứ nguyên nhân nào gây giảm thông khí; shunt phải- trái (shunt trong tim, shunt trong phổi), bệnh lý nhu mô phổi, phù phổi cấp, xẹp phổi, viêm phổi, xuất huyết trong phổi.

1.8 Tăng áp động mạch phổi

Nguy cơ trước mổ có tăng lưu lượng máu lên phổi hoặc tắc nghẽn bên tim trái. Do đó bệnh nhân có nguy cơ cao nên được cho ngủ sâu với an thần và giãn cơ trong 24 giờ đầu sau mổ, cho fentanyl 2 μg/kg trước mỗi lần hút đờm.

Điều chỉnh thông khí, mục tiêu đạt PaCO2 30- 35 mmHg, PaO2 120- 150 mmHg, SpO2 100%, pH ≥ 7,5. Milrinon, Dobutamin là những thuốc tốt để tăng cung lượng tim và giãn mạch máu phổi. Nếu huyết áp chấp nhận được, có thể bắt đầu sidenafil sớm 6 giờ sau mổ, khởi đầu liều thấp 1 mg mỗi 8 giờ, tăng dần liều nếu huyết áp chấp nhận được, ngừng ngay nếu huyết áp giảm sau gavage sidenafil trong vòng 2 giờ.

1.9 Nhịp tim nhanh

Là dấu hiệu quan trọng cho biết có điều gì đó không ổn. Cần xác định nguyên nhân như rối loạn nhịp tim, giảm cung lượng tim, cơn tăng áp động mạch phổi, giảm thông khí hoặc giảm oxy máu, hạ đường huyết, co giật, sốt, đau, cầu bàng quang, do thuốc (dãn cơ pancuronium hoặc vận mạch), giải phẫu (thất trái nhỏ).

1.10 Nhiễm trùng

Dấu hiệu nhận biết có thể là:

  • Tăng nhiệt độ thứ phát, giảm cung lượng tim
  • Tăng áp động mạch phổi
  • Da ấm, mạch nẩy, giảm huyết áp tâm trương (dấu hiệu giãn mạch)
  • Tiểu ít
  • Giảm tình trạng tri giác
  • Tăng lactate, toan chuyển hóa
  • Tăng hoặc giảm đường huyết không giải thích được
  • Tăng tỷ lệ bạch cầu chưa trưởng thành/tổng bạch cầu hạt
  • Giảm tiểu cầu

Cần phải thăm khám bệnh nhân tìm các dấu hiệu nhiễm trùng và ổ nhiễm trùng. Các dấu hiệu sẽ thể hiện qua vết mổ, phổi, các vị trí đặt catheter động mạch, tĩnh mạch (kể cả dấu hiệu huyết khối tĩnh mạch chủ), dấu viêm màng não, viêm nội tâm mạch nhiễm trùng (âm thổi mới, hoại tử da, lách to, soi đáy mắt, tổng phân tích nước tiểu), viêm tai, viêm xoang cạnh mũi (đặc biệt ở những trường hợp đặt nội khí quản đường mũi lâu ngày), xương, khớp, đường tiểu.

Ngoài ra cần làm một số xét nghiệm huyết đồ, tỷ lệ bạch cầu chưa trưởng thành/tổng bạch cầu hạt. Nếu nghĩ bệnh nhân bị nhiễm nấm thì cần khám da, miệng, thanh quản, đáy mắt.

vicare.vn-bien-chung-thuong-gap-sau-mo-tim-o-tre-em-body-2

2. Chăm sóc trẻ hồi phục sau phẫu thuật tim

Phẫu thuật tim gây sang chấn lớn về thể chất và tinh thần. Mổ tim trẻ em sẽ gây sang chấn tâm lý ít hơn và sang chấn thể chất nhiều hơn so với người lớn. Người lớn thường sẽ mất 5kg sau ca mổ, với trẻ em tuy chưa có con số chính xác nhưng sụt cân là chuyện thường thấy.

Vì vậy, các bác sĩ cần phải dùng đường truyền tĩnh mạch truyền chất vào cơ thể bệnh nhi sau mổ. Khi bệnh nhi về nhà cần có chế độ dinh dưỡng và vệ sinh thân thể hợp lý. Phải theo dõi kỹ để giữ gìn kết quả phẫu thuật, tránh nguy cơ biến chứng cũng như giảm đau trong mổ tim.

2.1 Vấn đề bổ sung dinh dưỡng

Thông thường có 52% trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng rõ rệt sau thời gian phẫu thuật và trong quá trình hồi sức do sự đau đớn và mất máu nhiều sau mổ. Nếu chúng ta cho trẻ ăn uống quá nhiều sau mổ sẽ dẫn đến tình trạng khó thở và dẫn tới suy tim.

Các mẹ nên chia nhỏ bữa và cho bé ăn từ lỏng tới đặc để bé có thể thích nghi từ từ và tránh các biến chứng không hay xảy ra. Nguồn thức ăn nên đảm bảo đa dạng và dễ tiêu hóa cho các bé sang giai đoạn ăn dặm như trứng, cá và thịt trắng.

Với các bé dưới 1 tuổi, sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính cho trẻ. 4 loại dưỡng chất cần bổ sung cho trẻ gồm chất đạm, chất béo, các loại vitamin khoáng chất và tinh bột. Bên cạnh đó, các mẹ cũng phải lưu ý bổ sung dinh dưỡng để nguồn sữa mẹ luôn đảm bảo.

Nếu mẹ bị mất sữa, có thể cho các bé uống các loại sữa bột thông thường. Sữa bột có chất béo sẽ giúp bé bổ sung năng lượng, tốt cho trí não và giúp hòa tan các chất vitamin cho các bé dưới 2 tuổi.

2.2 Vấn đề sử dụng thuốc bổ

vicare.vn-bien-chung-thuong-gap-sau-mo-tim-o-tre-em-body-3
Trong một tháng đầu sau khi mổ, các mẹ không nên cho trẻ sử dụng các loại thuốc bổ

Trong một tháng đầu sau khi mổ, các mẹ không nên cho trẻ sử dụng các loại thuốc bổ, đặc biệt là các loại vitamin tổng hợp và nên tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia trước khi cho con sử dụng.

2.3 Vấn đề tập luyện thể chất cho trẻ

Sau khi phẫu thuật hay can thiệp, các bé có thể tham gia các bài tập thể chất để rèn luyện sức khỏe như bình thường và tùy thuộc vào thể lực của bé.

Với các bé có thể lực kém, bố mẹ nên cho con đi kiểm tra, tham vấn bác sĩ và đưa ra bài tập phù hợp với sức khỏe của trẻ. Hạn chế cho các bé tham gia vào các bộ môn cần luyện tập nặng như bóng đá.

2.4 Về vấn đề tiêm chủng

Các bé có thể tiêm chủng hoàn toàn bình thường sau thời gian mổ từ 6 đến 8 tuần để tránh sự che lấp các triệu chứng sau mổ thường gặp. Các mẹ cần theo dõi cẩn thận các triệu chứng gặp phải sau khi tiêm và tính hiệu quả của các loại vắc xin mang lại.

3. Kỹ thuật giảm đau ESP trong mổ tim hở

Đặc biệt trong những phẫu thuật lớn, thời gian mổ khá dài, gây tổn thương đến chức năng của nhiều cơ quan khác nhau như mổ tim, ghép gan, các phẫu thuật nội soi, ghép thận, do vậy giảm đau đóng vai trò chính yếu, quyết định sự thành bại của một ca mổ.

Chỉ có giảm đau, người bệnh mới có thể tự thở tốt, được rút nội khí quản (ống thở) sớm, tránh biến chứng về hô hấp do thở máy lâu như viêm nhiễm đường hô hấp, sẹo hẹp khí quản, viêm phổi. Nhờ đó, họ có thể sớm vận động, nhanh chóng phục hồi, xuất viện.

Hiểu được điều đó, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park đã ứng dụng kỹ thuật giảm đau ESP trong mổ tim hở cho trẻ, giúp trẻ mau khỏe, nhanh hồi phục, giảm bớt các phức tạp trong chăm sóc và hồi phục sau này.

Khi áp dụng ESP, Vinmec đã mang lại trải nghiệm mổ không đau cho hàng trăm người bệnh phẫu thuật tim, giúp người bệnh vượt qua ca “đại phẫu” một cách nhẹ nhàng khi không bị đau, có thể vận động sớm, rút ngắn thời gian nằm viện. Thành tựu xuất sắc này cũng đã đưa Vinmec trở thành bệnh viện đầu tiên trên thế giới công bố các ca phẫu thuật tim hở có sự hỗ trợ của kỹ thuật gây tê ESP thành công.

Kỹ thuật ESP đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm để hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra. Kỹ thuật này tại Vinmec do Tiến sĩ. Bác sĩ Nguyễn Lương Tấn và Thạc sĩ. Bác sĩ Hồ Thị Xuân Nga thực hiện.

  • Tiến sĩ. Bác sĩ Nguyễn Lương Tấn là chuyên gia trong lĩnh vực phẫu thuật lồng ngực tim mạch người lớn và trẻ em. Bác sĩ đã được đào tạo bài bản trong nước và nhiều trung tâm có nền y học hàng đầu thế giới như: Pháp, Úc,... và hiện là Trưởng khoa Ngoại Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
  • Thạc sĩ. Bác sĩ Hồ Thị Xuân Nga đã có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tim mạch, đặc biệt có thế mạnh về gây mê hồi sức phẫu thuật tim mạch ở người lớn và trẻ em. Bác sĩ Nga hiện là bác sĩ gây mê hồi sức tim khoa Ngoại Tim mạch, Trung tâm tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Khách hàng quan tâm tới kỹ thuật giảm đau ESP trong mổ tim hở cho trẻ, vui lòng liên hệ TẠI ĐÂY.

Xem thêm:

  • Vị trí của tim nằm ở đâu trong cơ thể người?
  • Khi nào bệnh nhân phải đặt stent?
  • Bệnh viêm cơ tim những điều bạn cần biết