Bị trật khớp vai phải làm sao?
Trật khớp vai là tình trạng rất phổ biến, có thể xảy ra với mọi đối tượng. Trật khớp vai chủ yếu là do bị chấn thương khi chơi thể thao, té ngã hoặc tai nạn giao thông tác động mạnh lên vùng khớp vai. Vậy, khi bị trật khớp vai phải làm sao để giảm đau và hạn chế tổn thương nặng hơn?
Bị trật khớp vai phải làm sao?
Chú ý một số bước xử lý sau đây khi bị trật khớp vai sẽ giúp bạn giảm nhanh các triệu chứng và hỗ trợ điều trị trật khớp vai hiệu quả.
Trật khớp vai là bệnh hay gặp nhất ở người trẻ, khỏe từ 20 - 40 tuổi, chiếm tỷ lệ khoảng 60% tổng số ca trật khớp. Nguyên nhân gây trật khớp vai có thể do: ngã chống tay, chấn thương do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, đánh nhau.
1. Tổn thương do trật khớp vai có các triệu chứng sau
- Bệnh nhân bị trật khớp vai sẽ thấy đau không cử động được khớp vai; đau chói tại khớp vai bị trật.
- Mất cử động chủ động của tay bên bị trật khớp do khớp không còn ở vị trí sinh lý bình thường, khiến việc phối hợp hoạt động của các cơ, nhóm cơ không thực hiện được.
- Sờ vai thấy hõm khớp rỗng do chỏm xương cánh tay đã bật ra ngoài khỏi vị trí cũ; cánh tay ở tư thế bắt buộc, nếu đẩy tay đau sang một tư thế khác, khi bỏ ra nó lại bật về tư thế cũ.
- Dấu hiệu vai vuông hay “nhát rìu” làm vai biến dạng nhìn khác bên vai lành, cánh tay dạng khoảng 30 - 40 độ xoay ra ngoài; sờ thấy hõm khớp vai rỗng, nếu ép cánh tay vào thân, bệnh nhân bị đau, thả tay ra, cánh tay bệnh nhân trở về vị trí cũ (gọi là dấu hiệu lò so); biên độ vận động khớp vai giảm hoặc mất hoàn toàn... Nhiều trường hợp trật khớp vai có kèm theo gãy xương bả vai, cổ xương cánh tay... liệt thần kinh cảm giác và vận động cánh tay...
2. Các bước xử lý khi bị trật khớp vai
Bước 1: Hạn chế di chuyển hoặc cử động
Khi bị trật khớp vai, việc đầu tiên là tuyệt đối không nên di chuyển hoặc cử động khớp vai để tránh tạo thêm lực lên khớp gây đau hơn. Các động tác lắc tay, xoay khớp hoặc nắn khớp có thể khiến khớp bị tổn thương, các nhóm cơ, dây chằng, dây thần kinh và các mạch máu quanh khớp vai có thể bị ảnh hưởng nặng hơn lúc ban đầu.
Bước 2: Cố định khớp vai
Tiếp theo, dùng băng vải cố định khớp vai ở tư thế hiện tại để nâng đỡ khớp bị tổn thương, giúp người bệnh đỡ đau và thoái mái hơn.
Bước 3: Chườm lạnh
Tiến hành cho đá hoặc nước lạnh vào túi chườm và chườm lên vùng khớp vai để làm dịu nhanh cơn đau và giảm sưng một cách hiệu quả. Chú ý tránh các phương pháp chườm nóng, bóp muối, xoa rượu thuốc, dùng mật gấu để giảm đau vì không mang đến hiệu quả giảm đau khớp vai mà có thể khiến các mạch máu, dây thần kinh bị tổn thương hơn.
Bước 4: Đến trung tâm y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được điều trị kịp thời
Trật khớp vai tuy không quá nguy hiểm nhưng sau khi cố định khớp và chườm lạnh, cơn đau đã giảm bớt thì bạn vẫn nên đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị phù hợp, giúp chữa trật khớp nhanh chóng và an toàn hơn.Bước 5: Chăm sóc sau khi đã được điều trị trật khớp vai
Sau khi đã được kiểm tra về tình trạng của khớp vai bị trật, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị bằng các loại thuốc uống và thuốc xoa để người bệnh thực hiện tại nhà. Khi đó, bạn cần chú ý tuân thủ tốt các việc sau:
- Uống thuốc và xoa thuốc cho khớp vai đều đặn theo chỉ định của bác sĩ.
- Tuyệt đối không được dùng các thuốc bên ngoài đơn thuốc nếu không có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.
- Sau khi khớp đã phục hồi trở lại thì không nên vận động mạnh như chơi thể thao ngay mà nên tịnh dưỡng một thời gian phù hợp. Tránh tình trạng khớp còn yếu và có thể bị tổn thương trở lại nếu hoạt động mạnh.
- Di chuyển và cử động khớp vai một cách thật nhẹ nhàng, các hoạt động sinh hoạt thường ngày cũng cần chú ý để tránh va chạm lên khớp.
Trong trường hợp điều trị tại nhà mà khớp vai có dấu hiệu bị sưng đau tái phát thì nên liên hệ ngay với bác sĩ để có phương pháp xử lý kịp thời.
Xem thêm:
- Nguyên nhân gây ra bệnh trật khớp vai là gì?
- Tìm hiểu kỹ thuật nắn trật khớp vai