Bị cảm lạnh nên uống thuốc gì?

Cảm lạnh là hiện tượng nhiễm virus ở đường hô hấp, gây ảnh hưởng đến mũi, cổ họng, xoang và thanh quản. Cảm lạnh thường khiến cơ thể mệt mỏi, rã rời chân tay, hắt hơi. Vậy khi bị cảm lạnh nên uống thuốc gì để chống lại các triệu chứng khó chịu đó, hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.

Bị cảm lạnh nên uống thuốc gì? Bị cảm lạnh nên uống thuốc gì?

1. Cảm lạnh là gì?

Cảm lạnh còn được gọi là cảm, viêm mũi họng hoặc sổ mũi cấp. Nguyên nhân gây cảm lạnh là do virut gây ra. Vào những ngày mưa, lạnh chúng ta dễ cảm lạnh hơn do khi thời tiết lạnh sẽ khiến hệ thống hô hấp của con người nhạy cảm hơn, cùng với độ ẩm không khí thấp làm virus khuếch tán xa hơn và tồn tại lâu hơn do đó sẽ làm tăng tỷ lệ lây nhiễm bệnh hơn.

Dấu hiệu đầu tiên của cảm lạnh thường là đau họng, sau đó đến các biểu hiện ở mũi như là chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, hắt xì và có thể là đau đầu và sốt. Cảm lạnh là một bệnh rất là thông thường, bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm cảm lạnh. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế thì trẻ em dưới 6 tuổi có nguy cơ bị cảm lạnh cao nhất, trung bình từ 6 đến 8 lần mỗi năm, còn người lớn có thể bị cảm lạnh từ 2 đến 4 lần mỗi năm.

2. Bị cảm lạnh nên uống thuốc gì?

Cảm lạnh là một bệnh khá phổ biến và không quá nguy hiểm, hầu hết người nhiễm bệnh đều khỏi sau đó từ 7-10 ngày. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh lại khiến cho cơ thể mệt mỏi, rã rời chân tay và nếu không được can thiệp kịp thời hay sử dụng sai phương pháp bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai giữa, viêm xoang cấp tính, viêm phế quản, viêm phổi,... Do vậy, để chấm dứt tình trạng này người bệnh nên điều trị dứt điểm ngay từ đầu.

Hiện tại vẫn chưa có loại thuốc hay thảo dược nào có thể phòng chống bệnh cảm lạnh.Việc điều trị chỉ làm giảm các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra. Thuốc kháng sinh không có tác dụng chống lại sự lây nhiễm của virus cảm lạnh. Và nó cũng không được khuyến khích dùng trừ khi có biến chứng hoặc nhiễm trùng thứ phát như viêm xoang, viêm họng hoặc nhiễm khuẩn tai... Một số thuốc có thể được dùng để làm giảm các triệu chứng cảm lạnh:

  • Thuốc giảm đau, hạ sốt: Thuốc được dùng chủ yếu thường chứa thành phần paracetamol (acetaminophen) hay ibuprofen có công dụng hạ sốt, giảm đau. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý khi dùng các thuốc này thì không nên uống rượu và khi đã có bệnh gan do rượu sẽ làm tổn thương gan nhiều hơn. Trên thị trường hiện nay còn có loại thuốc kết hợp giữa thuốc giảm đau, hạ sốt với các dược chất khác như thuốc chống dị ứng clorpheniramin maleat hoặc loratadin, fexofenadin. Do vậy, khi sử dụng, người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn trên bao bì để có kế hoạch dùng thuốc hợp lý, tránh hiện tượng quá liều, làm trầm trọng thêm tác dụng không mong muốn.
HoiBenh.vn-cam-lanh-nen-uong-thuoc-gi-body-2
Thuốc giảm đau, hạ sốt
  • Thuốc xịt thông mũi: Đây là thuốc được dùng tại chỗ cho mũi để làm giảm triệu chứng tắc nghẽn mũi. Trên thị trường hiện nay có hai dạng bào chế chính, đó là dạng thuốc nhỏ mũi và thuốc xịt mũi với hoạt chất chính xylometazolin, naphazoline. Tuy nhiên, thuốc được khuyến cáo không nên dùng quá 5 ngày vì nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng khô niêm mạc mũi, ngạt mũi nhiều hơn, làm giảm tính đàn hồi của mạch máu trong niêm mạc mũi. Do đó, làm giảm tác dụng điều trị của thuốc sau này và có thể gây nên bệnh viêm mũi do dùng thuốc ngạt mũi kéo dài.
  • Siro ho: Việc sử dụng siro ho có thể được cho là giải pháp an toàn và hữu ích để giải quyết những triệu chứng của cảm lạnh. Tuy nhiên, khi dùng bất cứ loại thuốc nào cũng cần có chỉ định hoặc tư vấn của bác sĩ.

Ngoài sử dụng những thuốc theo chỉ định trên bạn cũng có thể sử dụng các loại thức uống từ thiên nhiên như: nước mật ong với chanh, nước ấm, trà gừng,... Những thứ này sẽ giúp cơ thể bạn dễ chịu hơn, và vượt qua bệnh cảm lạnh một cách nhanh chóng.

Thông thường, các triệu chứng cảm lạnh sẽ kéo dài trong khoảng 7-10 ngày. Nếu sau 10 ngày các triệu chứng không thuyên giảm hoặc trở nên xấu đi, bạn cần phải đến bệnh viện gặp bác sĩ, đồng thời không nên tự ý mua thuốc tại các nhà thuốc.

3. Phòng chống cảm lạnh như thế nào?

Việc phòng chống, ngăn ngừa sự lây lan của virus cảm lạnh cũng được cho là vô cùng cần thiết. Xây dựng cho bản thân thói quen sinh hoạt tốt sẽ giúp ích cho sức khỏe của bạn rất nhiều.

  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao. Ngoài ra, yoga hay những bài tập dưỡng sinh cũng tăng cường sức khỏe hiệu quả
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng giúp loại bỏ và hạn chế sự lây lan của virus gây bệnh, súc miệng nước muối và tắm rửa thường xuyên giúp hạn chế việc lây lan bệnh, đặc biệt là sau khi tiếp xúc người bệnh
  • Bổ sung vitamin: Vitamin C và các khoáng chất thiết yếu luôn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, tăng sức đề kháng.
  • Chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng
  • Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng mệt mỏi.

Cảm lạnh thường không quá nguy hiểm nhưng thường khiến cơ thể người bệnh mệt mỏi, khó chịu. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn trong việc điều trị những triệu chứng khó chịu của bệnh cảm lạnh gây ra và cho bạn biết khi nào cần phải đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.

Xem thêm:

  • 5 mẹo điều trị cảm lạnh hoàn toàn tự nhiên
  • Hãy trang bị cho bản thân để ngăn chặn cảm lạnh ngay từ bây giờ
  • Phân biệt triệu chứng cảm lạnh và cảm cúm