Betadine - Thuốc sát khuẩn nhiều công dụng, hiệu quả cao
Betadine là một trong những loại thuốc sát khuẩn thường dùng nhất trong y tế. Nó có hiệu quả cao lại khá an toàn nên rất được tin dùng. Bài viết sẽ cung cấp thông tin cần thiết về betadine cho bạn.
Betadine - Thuốc sát khuẩn nhiều công dụng, hiệu quả cao
Betadine là gì?
Betadine là một loại thuốc sát khuẩn, có tác dụng ngăn ngừa và điều trị nhiễm khuẩn. Betadine có tên chung quốc tế là Povidone iodine.
Các chế phẩm betadine trên thị trường hiện nay như:
- Cồn thuốc 10%, bình 500 ml.
- Bột phun xịt khí dung 2,5%, bình 100 ml.
- Thuốc súc miệng 1%, lọ 250 ml.
- Mỡ 10%, tuýp 20 gam và 80 gam.
- Dung dịch dùng ngoài da 7,5%, lọ nhựa 250 ml.
- Nước gội đầu 4%, lọ nhựa 250 ml.
- Dung dịch rửa âm đạo 10%, lọ nhựa 250 ml.
- Gel bôi âm đạo 10%, lọ 80 gam.
- Viên đặt âm đạo 200 mg.
Tính chất của betadine là gì?
Betadine là phức hợp của iod kết hợp với polyvinylpyrrolidon (povidon), chứa 9 - 12% iod, dễ tan trong nước và trong cồn. Povidon được dùng làm chất mang iod. Dung dịch betadine giải phóng iod dần dần, do đó kéo dài tác dụng diệt vi khuẩn, virus, vi nấm, động vật đơn bào, kén và bào tử. Vì vậy, tác dụng của thuốc kém hơn các chế phẩm iod tự do, nhưng lại có ưu điểm là ít độc hơn.
Betadine được sử dụng trong trường hợp nào?
Betadine thường được sử dụng trong những trường hợp sau:
- Nhiễm trùng da và niêm mạc.
- Vết thương da và niêm mạc như trầy xước da, niêm mạc hay bỏng...
- Nấm miệng.
- Vệ sinh răng miệng.
- Sát khuẩn da và niêm mạc trước khi thực hiện thủ thuật, phẫu thuật để dự phòng nhiễm trùng.
- Lau rửa các dụng cụ y tế trước khi tiệt trùng ...
Tác dụng phụ của betadine là gì?
Như mọi loại thuốc khác, betadine vẫn có thể có các tác dụng phụ. Nguyên nhân là do thành phần chất iod trong betadine thấm được qua da vào bên trong cơ thể nên có thể gây độc cho cơ thể. Khả năng này tuy rất hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra, đặc biệt là khi sử dụng betadine ở vết thương rộng hay bỏng nặng sẽ gây hấp thu mạnh betadine vào cơ thể. Một số tác dụng phụ của betadine phải kể đến như:
- Kích ứng tại chỗ gây viêm da, xuất huyết dạng đốm, viêm tuyến nước bọt...
- Nhiễm toan chuyển hoá, tăng natri máu, tổn thương thận có thể gây suy thận.
- Hô hấp: khó thở do phù phổi.
- Các triệu chứng tiêu hoá: vị kim loại trong miệng, tăng tiết nước bọt, đau rát miệng, đau dạ dày, tiêu chảy.
- Mắt: gây viêm kết mạc, sung huyết kết mạc.
- Tuyến giáp: có thể gây suy giáp hoặc cơn nhiễm độc giáp.
- Huyết học: giảm bạch cầu hạt.
- Thần kinh: co giật, động kinh (ở những người sử dụng kéo dài).
- Phụ nữ mang thai: khi sử dụng betadine có thể gây suy giáp, bướu giáp bẩm sinh, cường giáp ở trẻ sơ sinh.
Chống chỉ định của betadine
Những trường hợp sau cần lưu ý không được sử dụng betadine do có thể xảy ra tác dụng phụ:
- Tiền sử dị ứng với iod.
- Có rối loạn tuyến giáp, đặc biệt bướu giáp nhân, bướu giáp lưu hành và viêm tuyến giáp Hashimoto.
- Thời kỳ mang thai và thời kỳ cho con bú vì betadine có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển tuyến giáp, làm rối loạn tuyến giáp ở trẻ.
- Trường hợp bị màng nhĩ hoặc sử dụng trực tiếp lên màng não, khoang bị tổn thương nặng.
- Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, nhất là trẻ sơ sinh, thiếu tháng, trẻ nhẹ cân (dưới 1,5 kg) vì có thể gây nhược giáp.
- Thận trọng khi sử dụng betadine: trong những trường hợp sử dụng betadine thường xuyên, đối với bệnh nhân suy thận hoặc đang điều trị bệnh bằng lithium.
Liều và cách dùng một số chế phẩm betadine thông dụng
Betadine chủ yếu được sử dụng tại chỗ và bên ngoài cơ thể. Liều sử dụng phụ thuộc vào dạng thuốc và nồng độ cũng như vị trí trên cơ thể và tình trạng nhiễm khuẩn.
Dung dịch betadine 10%
Dùng cho người lớn và trẻ em trên 2 tuổi.
Bôi dung dịch betadine 10% lên vùng da để diệt vi khuẩn gây bệnh, đồng thời dự phòng vi khuẩn phát triển. Ngày bôi 2 lần và có thể đắp gạc sạch lên tổn thương để cho kết quả tốt hơn.
Bột khô để phun 2,5%
Dùng cho người lớn và trẻ em trên 2 tuổi.
Lắc kỹ lọ betadine trước khi sử dụng, phun thuốc vào vùng tổn thương từ khoảng cách 15 đến 20 cm cho đến khi bột phủ kín tổn thương và có thể đắp gạc lên tổn thương. Không được phun betadine vào các khoang niêm mạc.
Dung dịch súc miệng 1%
Dùng cho người lớn và trẻ em trên 6 tuổi
Dùng dung dịch betadine không pha hoặc pha loãng một nửa với nước ấm. Mỗi lần súc miệng khoảng 10 ml trong khoảng 30 giây, tuyệt đối không được nuốt. Mỗi ngày có thể súc miệng 4 lần và có thể kéo dài đến 14 ngày.
Viên đặt âm đạo 200 mg
Dùng cho người lớn.
Đặt buổi sáng và buổi tối, mỗi lần 1 viên, dùng liên tục trong 14 ngày. Trước khi đặt sâu vào âm đạo, phải làm ẩm viên thuốc bằng nước sạch để thuốc khuếch tán tốt và không gây kích ứng tại chỗ. Vẫn tiếp tục sử dụng khi đang có kinh nguyệt.
Tương tác thuốc
Nếu bạn đang dùng thuốc khác, betadine có thể làm thay đổi tác dụng thuốc khác hoặc chính nó bị thay đổi tác dụng. Hãy nói với bác sĩ điều trị của bạn biết về tất cả các loại thuốc mà bạn đang sử dụng để bác sĩ có thể kiếm tra các tương tác thuốc cho bạn. Betadine thường có thể tương tác thuốc với: Chlorhexidine hay bạc sulphadiazine vì thế bạn không nên dùng chung betadine với các thuốc này.
Xem thêm:
- Thuốc sát trùng vết thương Betadine
- Betadine trị mụn giá bao nhiêu?
- Cách sát trùng vết thương hở