Bệnh viêm phế quản phổi không thể chủ quan
Viêm phế quản phổi là một căn bệnh hô hấp nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ vẫn thường nhầm lẫn các triệu chứng của bệnh viêm phế quản phổi với các dạng bệnh hô hấp khác như viêm họng, ho ... nên chưa biết cách chăm sóc bé và xử lý bệnh kịp thời.
Bệnh viêm phế quản phổi không thể chủ quan
Viêm phế quản phổi là một căn bệnh hô hấp nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ vẫn thường nhầm lẫn các triệu chứng của bệnh viêm phế quản phổi với các dạng bệnh hô hấp khác như viêm họng, ho ... nên chưa biết cách chăm sóc bé và xử lý bệnh kịp thời. Bài viết dưới đây, HoiBenh sẽ cung cấp một số thông tin hữu ích để các bậc phụ huynh có thể tham khảo về bệnh viêm phế quản phổi.
1. Bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ
Trẻ bị viêm phế quản phổi thường sẽ trải qua 2 giai đoạn đó là: giai đoạn khởi phát và giai đoạn toàn phát.
Giai đoạn khởi phát
Giai đoạn này sẽ có hai dạng triệu chứng chính:
- Khởi phát từ từ: các triệu chứng bệnh viêm phế quản phổi thường không rõ rệt nên cha mẹ khó phát hiện và hay dễ bị nhầm với các dạng bệnh viêm đường hô hấp khác. Khi trẻ ở giai đoạn này sẽ thường có các biểu hiện như: ho khan, sốt nhẹ, hắt hơi, ngạt mũi và thường xuyên quấy khóc.
- Khởi phát đột ngột: các triệu chứng ở giai đoạn này thường trở nên rõ nét hơn. Bởi vậy, cha mẹ cần phải đưa trẻ đi khám ngay khi có các biểu hiện như: khó thở, sốt cao, tím tái. Thêm vào đó, trẻ có thể có một vài biểu hiện rối loạn tiêu hóa như: nôn trớ, tiêu chảy, chán ăn....
Giai đoạn toàn phát
Như đã nói ở trên, nếu trẻ không được điều trị kịp thời ở giai đoạn khởi phát thì sẽ diễn biến đến giai đoạn toàn phát.
- Sốt cao: lên đến 40°C, thuốc hạ sốt thường ít đáp ứng lúc này, trẻ có thể li bì, co giật, thậm chí là hôn mê nếu không hạ sốt kịp thời.
- Ho: những cơn ho dữ dội và liên tục, ho có xuất tiết đờm, chảy mũi đặc màu vàng. Nếu thấy dấu hiệu này bố mẹ cần phải nghĩ đến bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ.
- Khó thở: cánh mũi phập phồng, co thắt lồng ngực, trên và dưới xương ức rút lõm
- Tím tái: gặp ở trẻ bị nặng, trẻ tím tái quanh môi, đầu chi, lưỡi hoặc toàn thân
- Các triệu chứng khác kèm theo: Trẻ rối loạn tiêu hóa như bỏ ăn, chán ăn, chướng bụng, tiêu chảy...
2. Nguyên nhân gây viêm phế quản phổi ở trẻ
Bệnh viêm phế quản phổi thường gặp ở trẻ sinh non, hoặc sống trong điều kiện dinh dưỡng hạn chế nên dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng.
Có rất nhiều nguyên nhân gây mắc bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ, trong đó phải kể tới: nấm, virus, vi khuẩn, ký sinh trùng.... Nhưng thường nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn có sẵn trong đường hô hấp ở mũi và họng, chúng lan tràn theo đường phế quản, gây tổn thương cho nhu mô phổi.
Khi trẻ bị viêm phế quản phổi, do hệ thống miễn dịch của trẻ còn chưa hoàn chỉnh, các cơ quan trong cơ thể vẫn chưa hoàn thiện, cây phế quản còn hẹp và ngắn nên khi bị viêm rất dễ bị tắc nghẽn do niêm mạc của phế quản bị phù nề và đờm dãi.
3. Điều trị viêm phế quản phổi cho trẻ
Nếu trẻ mắc bệnh viêm phế quản phổi còn nhẹ và không có những biến chứng cũng như không có nguy cơ bị gặp biến chứng thì cha mẹ hoàn toàn có thể chăm sóc trẻ tại nhà. Các mẹ nên cho trẻ bú, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và đặc biệt là cần phải bổ sung đầy đủ nước. Thêm vào đó, cha mẹ có thể dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi cho trẻ, giúp cho trẻ thở dễ hơn và bú tốt hơn. Nếu trẻ cần phải dùng thuốc thì cha mẹ cần dùng đúng theo chỉ định của bác sĩ. Luôn chú ý giữ môi trường sống xung quanh trẻ trong lành, đặc biệt nên để trẻ tránh xa khói thuốc lá.
Với những trường hợp viêm phế quản lâu ngày, cha mẹ nên nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ. Nếu nguyên nhân gây bệnh là do một loại vi khuẩn gây nên, bác sĩ sẽ kê đơn một loại kháng sinh chữa trị dứt điểm. Tuy nhiên, nếu thủ phạm lại là một loại virus thì việc sử dụng kháng sinh ở thời điểm này đều vô tác dụng.
Thồng thường, sau khoảng 7 đến 10 ngày điều trị, bệnh sẽ thuyên giảm. Để bệnh có chuyển biến tích cực nhanh hơn, cha mẹ cần chăm sóc trẻ đúng cách:
- Cho trẻ uống đủ lượng nước: Mỗi ngày uống 8 đến 10 cốc nhằm giúp trẻ phòng ngừa hiện tượng khử nước và sung huyết
- Dùng nước muối loãng để làm giảm cảm giác nghẹt mũi, khó chịu cho bé
- Nên dành thời gian nghỉ ngơi cho bé, điều này giúp trẻ nhanh chóng phục hồi hơn.
4. Phòng bệnh viêm phế quản phổi cho trẻ
Để phòng bệnh viêm phế quản phổi cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý:
- Khi mang thai, người mẹ cần lưu ý tới sức khỏe của mình, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo trẻ không bị sinh non.
- Các mẹ nên chăm sóc trẻ trong môi trường sạch sẽ và thoáng khí.
- Tốt nhất là cho trẻ bú mẹ đầy đủ.
- Luôn ghi nhớ cho trẻ tiêm phòng đúng lịch.
- Các mẹ cần đảm bảo cho trẻ ăn dặm phù hợp với độ tuổi, hợp lý để tránh để trẻ bị suy dinh dưỡng.
- Nếu đang trong mùa dịch viêm phế quản phổi, cha mẹ nên hạn chế cho trẻ ra ngoài trong mùa dịch.